Vòng 1 V-League 2017 là biểu tượng về sự khác biệt trong cách sử dụng cầu thủ trẻ của HAGL và Hà Nội FC. Cả hai đội cùng ra sân với rất nhiều cầu thủ trẻ tự đào tạo nhưng kết quả hoàn toàn khác biệt. Hà Nội thắng thuyết phục ứng cử viên vô địch Than Quảng Ninh trong khi HAGL thua trắng trước SHB Đà Nẵng.
Đây là hai đội bóng có nhiều điểm tương đồng trong cách chơi, tổ chức đội hình và hệ thống đào tạo trẻ. Hà Nội FC và HAGL chuộng lối chơi kiểm soát, bóng ngắn, đều là những đội bóng tấn công áp đặt, đều lấy đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ làm yếu tố tiên quyết. Sự khác biệt chỉ nằm ở cách sử dụng.
Mùa 2015, HAGL đôn lên đội một toàn bộ lứa trẻ khóa I và II Học viện JMG. Họ chia tay phần lớn các trụ cột lớn tuổi như Đức Dương, Văn Nhiên, từ chối sử dụng ngoại binh đẳng cấp và để các cầu thủ trẻ gánh vác những vị trí "xương sống" trong đội hình. Kết quả, HAGL hai năm liền chật vật với cuộc chiến trụ hạng.
Công Phượng mờ nhạt trong ngày trở lại V-League
Ở chiều ngược lại, Hà Nội FC đã đôn lên khoảng 10 cầu thủ trẻ ở V-League 2015. Con số đó ở mùa bóng 2016 và 2017 lần lượt là 6 người và 4 người. Điểm khác biệt, đội bóng Thủ đô luôn giữ một bộ khung ổn định ở các vị trí trọng yếu Gonzalo (tiền đạo), Thành Lương (tiền vệ)...
Khác với HAGL, Hà Nội đôn nhiều cầu thủ trẻ lên đội một nhưng không trao cho họ suất đá chính. Các cầu thủ trẻ được tạo cơ hội từng bước. Họ lên đội 1, tập với các đàn anh, thể hiện được mình (cá biệt một số người còn được cho mượn ở CLB Hà Nội, nay là Sài Gòn FC trước khi quay về).
Khi đó, họ mới được trao cơ hội đá chính. Ban đầu, họ đá ở các trận giao hữu, các Cup. Sau đó, họ được tung vào V-League rồi từng bước đá các trận quan trọng.
Hà Nội xây dựng đội hình với nguyên tắc pha trộn già trẻ. Các vị trí trẻ đều có những tên tuổi kinh nghiệm đá bên cạnh. Duy Khánh từng được đá cạnh Văn Biển, Hùng Dũng được chơi với Victor, Văn Thành chỉ vào sân khi có Samson hoặc Gonzalo. Nhờ thế, các cầu thủ trẻ của Hà Nội được trải nghiệm từ từ. Họ có người dìu dắt và không bị "sốc" trước các thay đổi.
HLV Chu Đình Nghiêm từng nói về cách đào tạo cầu thủ trẻ của Hà Nội: "Hà Nội chắc chắn khác với HAGL. HAGL dùng toàn cầu thủ trẻ còn Hà Nội dùng nhiều cầu thủ đẳng cấp, dìu dắt. Tôi không bao giờ để các cầu thủ trẻ vào sân hết. Nếu tất cả các bạn ấy cùng chơi, khi gặp căng thẳng, trong những thời điểm quyết định, lúc có sai lầm, các bạn ấy sẽ không chơi được".
Không chơi được trong các thời điểm quyết định. Ấy chính là tình trạng các cầu thủ HAGL từng trải qua. Ở V-League 2015, lứa Công Phượng, Tuấn Anh phải chơi liên tục dù đội bóng gặp nhiều thất bại. Càng chơi, họ càng căng thẳng, gặp lúng túng và thất bại.
Điều đó không hề diễn ra ở Hà Nội. Trong trận gặp Hải Phòng tại lượt đi mùa 2016, HLV Chu Đình Nghiêm đã thay ngay Quang Hải khi cầu thủ này chơi tệ. Sự bảo vệ ấy không hề có ở HAGL, đội bóng có chiều sâu đội hình rất hạn chế.
Nhờ cách làm ấy, Hà Nội đã liên tục cho ra lò rất nhiều tài năng trẻ chất lượng. Đặc biệt, mỗi năm, họ đều giới thiệu được các tên tuổi mới cho đội tuyển Việt Nam. Sầm Ngọc Đức (2012), Duy Khánh (2014), Minh Long, Duy Mạnh (2015) đều đã là thành viên đội tuyển Việt Nam.
Phía sau họ, Quang Hải (2016), Đoàn Văn Hậu (2017) là những người hùng của U19 Việt Nam trong khi Văn Thành, Hùng Dũng là tuyển thủ Olympic Việt Nam.
Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy bầu Hiển đang đứng trên bầu Đức một bậc trong việc sử dụng và nâng tầm cầu thủ trẻ.