Những đội bóng Trung Quốc đang trở thành điểm đến cho hàng loạt ngôi sao trên thế giới nhờ vào túi tiền khổng lồ của mình.
Mới đây, Shanghai Shenhua đã chiêu mộ Carlos Tevez và biến anh thành cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới với mức 615.000 bảng/tuần. Đây là con số gần như không tưởng bởi chân sút này đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Bên cạnh đó, họ cũng rải tiền để mua về những cầu thủ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Đầu tháng 1 vừa qua, CLB mới lên hạng Tianjin đã chi 11 triệu USD để chiêu mộ Kwon Kyung-won từ Al Ahli (UAE). Tại đội bóng mới lên hạng Chinese Super League 2017 này, Kwon Kyung-won nhận mức lương 3 triệu USD.
Anh trở thành cầu thủ đắt giá thứ 2 trong lịch sử bóng đá Hàn Quốc sau tiền đạo Son Heung Min (Tottenham mua từ Bayer Leverkusen với giá 30 triệu euro). Tuy nhiên, chân sút của Tottenham đã chứng minh được khả năng của mình, thậm chí đã đoạt danh hiệu cầu thủ hay nhất tháng ở Premier League. Trong khi đó, Kwon Kyung-won còn chưa lên tuyển quốc gia.
Suy giảm về chuyên môn
Đây là thương vụ đậm tính tiền bạc. Dư luận tại xứ Kim chi rất lo ngại việc những tuyển thủ của họ sẽ suy giảm chuyển môn khi sang đầu quân cho những đội bóng ở Chinese Super League.
Jang Hyung-soo (Guangzhou R&F) và Hong Jeong-ho (Jiangsu Suning) là 2 ví dụ tiêu biểu. Họ đã chơi kém tại hàng thủ của tuyển Hàn Quốc khiến người hâm mộ tức giận bởi họ nhận lương cao tại Trung Quốc nhưng chẳng thấy tiến bộ gì.
Đích thân cựu danh thủ Hàn Quốc Hong Myung-bo phải đứng ra bênh vực những người đồng hương. Hong nói: "Bóng đá Hàn Quốc được đánh giá cao ở Trung Quốc, đặc biệt về phòng ngự, mỗi đội đều muốn ký với một cầu thủ Hàn Quốc".
Ông nói có ý đúng bởi quy định của giải VĐQG Trung Quốc, mỗi đội được phép đăng ký 1 cầu thủ châu Á trong đội hình. Những cầu thủ Hàn Quốc được ưu tiên số 1, sau đó mới đến Uzbekistan, Australia…
Tuy nhiên, bản thân Hong Myung-bo cũng bị đặt nhiều nghi ngại khi cầm quân Guangzhou Greentown – nơi ông nhận mức lương khá cao (1,5 triệu USD). Chiến lược gia này gần như không mang đến bước đột phá nào trong sự nghiệp dù từng dẫn dắt tuyển quốc gia Hàn Quốc cũng như giúp đội U23 nước này đoạt HCĐ Olympic 2012.
Giảm mức độ cạnh tranh
Những CLB Hàn Quốc được đánh giá mạnh nhất châu Á, với 12 lần đăng quang ở đấu trường AFC Champions League. Thành tích của họ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, vị thế của họ đã bị lung lay ít nhiều khi những CLB Trung Quốc bỗng chốc thành "đại gia".
Minh chứng rõ nét nhất là trường hợp Guangzhou Evergrande. Họ lên hạng năm 2010 và nhanh chóng quăng vào thị trường chuyển nhượng 150 triệu USD để chiêu mộ cầu thủ. Phần thưởng cho họ là 5 chức VĐQG liên tiếp và 2 lần vô địch AFC Champions League (2013, 2015).
Jeonbuk Hyundai Motors là đội bóng hùng mạnh nhất Hàn Quốc, bởi đứng sau là tập đoàn khổng lồ. Nhưng nói về tiền bạc, họ cũng không lại các đội bóng Trung Quốc. Chẳng hạn ở K-League 2016, Leonardo là cầu thủ nhận lương cao nhất giải đấu khi được Jeobuk trả 1,44 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, con số này thậm chí còn thấp hơn Kwon Kyung-won đang nhận và chỉ bằng 2… tuần lương của Carlos Tevez. Việc suy yếu về tài chính là khó khăn chung của những đội ở K-League không riêng gì đội vừa vô địch AFC Champions League 2016.
"Thành thật mà nói những đội bóng Trung Quốc trả tiền tốt hơn nhiều và đó là cơ hội để tôi kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình. Tôi vẫn nghĩ rằng đối mặt với cầu thủ Hàn Quốc khó hơn Trung Quốc nên những đội bóng của họ vẫn còn cạnh tranh được với đối thủ ở AFC Champions League", tiền đạo Dejan Damjanovic cho biết trên New York Times.
Damjanovic từng là ngôi sao lớn nhất của FC Seoul năm 2013 nhưng sau đó đã chuyển sang Beijing Gouan để cải thiện thu nhập. Chân sút này tin rằng nếu những đội ở K-League nhận được hỗ trợ tài chính tốt như của Trung Quốc, họ sẽ dễ dàng hơn để vô địch giải đấu châu lục.
Trước mắt những cầu thủ Hàn Quốc vẫn được các đội của Trung Quốc săn đón. "Những đội bóng Hàn Quốc chơi tốt ở AFC Champions League. Giải đấu của Trung Quốc vốn thiên về sức mạnh và nói về sức chịu đựng, cầu thủ Hàn Quốc tốt hơn so với bản đại", Lou Minh – phó tổng biên tập của Titan Sports Weekly lý giải.
Ông cũng đánh giá chất lượng những cầu thủ tấn công của Nhật Bản. Tuy nhiên vì yếu tố lịch sử và những đội bóng ở đây chuộng sử dụng cầu thủ châu Âu, Nam Mỹ nên có ít ngôi sao của xứ Phù tang sang Trung Quốc thi đấu.
Trước mắt, những đội bóng Hàn Quốc vẫn giữ được vị thế của mình. Đội tuyển quốc gia của họ vẫn nhỉnh hơn Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, mọi thứ đều có thể thay đổi. Thành công là có thể mua được bằng tiền hoặc rất nhiều tiền.
Top các cầu thủ nhận lương cao nhất K-League Classic 2016.