Giá trị ảo hay con tính thời thượng?
Rốt cuộc, sau 2 mùa "ngoan cố", bầu Đức cũng đã phải làm cái điều mà đáng ra phải làm từ rất lâu, cái điều "ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu" - kiếm một HLV "cho ra dáng" cho lứa U19 ngày nào của HAGL.
Việc ông chủ tập đoàn HAGL đôn nguyên lứa trẻ lên đá V-League là câu chuyện vô tiền khoáng hậu trong bóng đá, không chỉ riêng Việt Nam, và hi hữu cả trên toàn thế giới, và cái kết cục phải sấp ngửa lo trụ hạng từng mùa là điều ai cũng có thể nhìn thấy trước
Bầu Đức có cái lý của mình để làm điều đó, khi đem "cái đích" là cống hiến cho ĐTQG, cho U22 Việt Nam lấy huy chương vàng SEA Games 29 ra biện minh cho hành động của mình, nhưng có một điều đại gia phố Núi này sai lầm, khiến lứa cầu thủ trẻ của mình tan tác sau gần 3 mùa lên sân chơi chuyên nghiệp.
Suốt 3 mùa bóng qua, người hâm mộ HAGL luôn phải sống trong phập phồng lo sợ.
Cái sự ảo tưởng rằng lứa cầu thủ trẻ đã thi đấu cùng nhau ngót 10 năm có được độ ăn ý đến mức "nhắm mắt cũng tìm thấy nhau" khiến bầu Đức chỉ dùng "ông giáo vườn" Graechen, rồi đến HLV thủ môn Nguyễn Quốc Tuấn để dìu dắt những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... ở sân chơi đầy sự khắc nghiệt V-League.
Thành tích và lối chơi của HAGL 3 mùa bóng qua, cùng thất bại đau đớn ở SEA Games 29 đã khẳng định tính toán của bầu Đức là sai lầm. Ba mùa bóng ấy, thiếu một HLV tốt để bổ sung thêm thể lực, chiến thuật vào lứa cầu thủ có sự vượt trội về kỹ thuật, sự gắn kết, giờ là lúc bầu Đức phải nhận ra rằng bóng đá không có đường tắt, và sự xuất sắc của những học trò không khỏa lấp được sự thiếu vắng của một người thầy tốt.
Bên cạnh sự đình đám của đội bóng phố Núi những mùa qua, CLB TP.HCM cũng chẳng kém phần nổi bật mùa bóng này. Tần suất xuất hiện trên mặt báo, được sư luận nhắc đến của họ chẳng hề kém, nhưng nhắc đến họ, là nhắc đến Công Vinh, chứ không phải là đội bóng TP.HCM ở khía cạnh chuyên môn.
Thành tích trên sân cỏ của CLB TP.HCM tỷ lệ nghịch với vẻ hoành tráng của quyền chủ tịch Công Vinh.
Nói cho đúng là từ ngày treo giày để ngồi vào chiếc ghế quyền chủ tịch CLB TP.HCM, Công Vinh đã làm được nhiều điều, khiến các đội bóng khác, cũng như người yêu bóng đá Việt Nam phải "giật mình" không ít lần. Nhưng bên cạnh đó, chồng của ca sỹ Thủy Tiên cũng dùng không ít chiêu trò nặng mùi showbiz khiến dư luận phải nhắc đến mình, đến CLB của mình.
Về mặt hình ảnh, rõ ràng không đội bóng nào của Việt Nam có thể so được với HAGL và CLB TP.HCM ở thời điểm này, cho dù đó là ứng cử viên cho chức vô địch V-League. Nhưng hãy nhớ rằng, những hình ảnh đấy phần lớn đều nằm ngoài chuyên môn, hay đơn thuần là "ăn mày dĩ vãng" - cái dĩ vãng về một U19 HAGL xuất sắc nhiều năm về trước.
Sau tấm màn nhung có là vở diễn tốt?
Có thể khẳng định ngay một điều, cái toan tính "xuất khẩu" những cầu thủ xuất sắc ra nước ngoài, để từ đó đem về lợi ích chuyên môn cho bóng đá Việt Nam như bầu Đức từng mạnh mồm tuyên bố đã hoàn toàn phá sản. Những Công Phượng, Xuân Trường sang Nhật, sang Hàn để đeo băng "đại sứ" nhiều hơn ra sân thi đấu, một Tuấn Anh trở về với đôi chân đầy thương tật là quá đủ.
Sức ép trụ hạng không khiến bầu Đức thay HLV Nguyễn Quốc Tuấn bằng ông thầy người Hàn đắt giá, bởi việc đấy đã có Long An "gánh hộ". HAGL thuê ông Chung Hae Seong để giúp họ đứng bằng đôi chân của chính mình, làm bóng đá theo cách các đội bóng khác làm, thay vì "đi tắt" như bầu Đức từng khiến người hâm mộ tin tưởng đến mù quáng.
Làm lại từ đầu thôi, bầu Đức!
Mùa bóng tới, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... sẽ phải dốc sức cho HAGL, thay vì đi đánh bóng hình ảnh ở những CLB nước ngoài, phải bước lại vào cuộc đua khốc liệt V-League, không phải với tư cách những cầu thủ trẻ như ngày nào, "có rớt hạng cũng phải đá đẹp" như bầu Đức tuyên bố, mà phải tranh đua thành tích, bởi chẳng có nhà tài trợ nào bỏ ra 50 tỷ chỉ để nhìn đội bóng trụ hạng cả.
Nếu bầu Đức đã phải vời đến HLV Hàn Quốc, thì Công Vinh cũng đang ngấp nghé trả mức lương kỷ lục V-League để mời ông thầy Nhật Miura - cựu HLV ĐTQG Việt Nam. Bên cạnh đấy là thủ sẵn trong túi những bản hợp đồng cũng thuộc dạng kỷ lục để mời về Phi Sơn từ SLNA, và mới nhất là Vũ Minh Tuấn từ Than Quảng Ninh.
Đấy là điều bắt buộc, một khi CLB TP.HCM muốn được người hâm mộ nhớ đến, quan tâm đến như một đội bóng thực sự, thay vì CLB có ông chủ tịch nổi tiếng đích thân đi bán vé cho người hâm mộ, trong khi đội bóng chỉ nằm chơi vơi ở nửa dưới bảng xếp hạng và chẳng có chút dấu ấn chuyên môn nào.
Nên nhớ, đằng sau Công Vinh là một doanh nghiệp, với số tiền đổ vào CLB TP.TCM được đồn là còn nhiều hơn cả hợp đồng tài trợ đắt giá mà HAGL săn được.
Đội bóng của bầu Đức sẽ đối mặt với HLV Miura ở mùa giải tới? Ảnh: Bạch Dương.
Đổ "tiền tấn" vào CLB TP.HCM, mà thậm chí còn không thèm "lộ mặt", chắc hẳn mục đích của doanh nghiệp ấy không phải là những hình ảnh mang nặng tính quảng bá, hay những thông tin mang nặng tính tranh cãi của Công Vinh. Và hẳn nhiên, dù mục đích có là gì, thì điều đầu tiên doanh nghiệp ấy cần hẳn là hình ảnh đẹp của CLB, và tất nhiên không thể qua con đường nào khác ngoài chuyên môn, ngoài thành tích.
Tiếc thay, cuộc đua ấy, cuộc đua về chuyên môn, dù cho HAGL có được HLV Chung Hae Seong, có Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường hay Văn Thanh, dù Công Vinh có được HLV Miura, Phi Sơn hay Vũ Minh Tuấn, thì vẫn chưa thể giúp họ chiếm được ưu thế với những đối thủ có lực lượng và truyền thống vững chãi hàng chục năm qua.
Rũ bỏ tấm màn nhung hào nhoáng, trở về với "sân khấu bốn mặt" trần trụi, cả HAGL của bầu Đức lẫn CLB TP.HCM của Công Vinh sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, là hậu quả của những tháng ngày "sống ảo". Ở đó, những sai lầm không còn dễ dàng được lấp liếm dễ dàng, mà phải trả giá bằng tiền, thậm chí là bằng chính số phận của đội bóng.
Chào mừng trở lại với thế giới thật đầy nghiệt ngã, bầu Đức - Công Vinh!
Vòng 22 V-League 2017: Quảng Nam 1-1 HAGL