1. Ngay sau trận thua trên sân nhà trước đội bét bảng West Brom, cổ động viên Man United bàng hoàng nhận thêm tin đội U23 Man United xuống hạng. Sự lo lắng về việc không có được lớp cầu thủ kế cận, trong tình trạng Quỷ đỏ chưa thể trở lại đỉnh cao khiến người hâm mộ đội bóng chủ sân Old Trafford phải đứng ngồi không yên.
Song sự lo lắng ấy không tồn tại quá lâu, cho đến khi Nicky Butt - cựu danh thủ Man United, cũng là người phụ trách đào tạo trẻ của Quỷ đỏ đăng đàn phát biểu. Theo tiền vệ kỳ cựu, từng giành rất nhiều danh hiệu cùng lứa cầu thủ '92 của mình, không thể dùng U23 Man United để đánh giá chất lượng của CLB, cũng như công tác đào tạo trẻ của CLB này.
Nicky Butt đưa ra ví dụ với đội U23 có 20 cầu thủ, 5 trong số đó sẽ lên tập luyện cùng đội 1, 5 người khác có thể thi đấu dưới hình thức cho mượn ở các CLB có đẳng cấp thấp hơn. Chỉ còn lại 10 cái tên sẽ tập luyện và thi đấu cùng những cầu thủ từ đội U18 lên.
Dù mới 20 tuổi, Rashford được chuyển thẳng lên đội 1 mà "bỏ qua" U23 Man United.
Nói cách khác, đội U23 Man United là "trạm trung chuyển" giữa những tài năng được đánh giá cao của U18 và đội 1 Man United. Đấy là "cái sàng" để quyết định tương lai của các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo này: lên đội 1, cho đi mượn để tích lũy kinh nghiệm hoặc ra đi. Đấy là con đường một chiều, là ngã rẽ quan trọng của những cầu thủ trưởng thành trong tay Man United.
2. Sau thành công của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á hồi đầu năm nay, trong niềm hân hoan phấn khởi, người hâm mộ bóng đá Việt Nam bắt đầu mơ về một tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà, bắt đầu từ việc các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ là nòng cốt vực dậy một V.League đang rơi vào cảnh "chợ chiều", và kết thúc bằng chiến tích tương tự của ĐTQG Việt Nam, với nòng cốt là những cầu thủ trẻ này.
Bước đầu, V.League 2018 đã có những bước chuyển mình rõ rệt với hiệu ứng đến từ thành công của U23 Việt Nam. Những người hùng U23 được đón chào nhiệt liệt trên khắp các sân cỏ V.League, lượng khán giả đến sân dự khán tăng vọt, chạm ngưỡng ước mơ của những nhà tổ chức, cũng như những người quản lý đội bóng.
Khán giả V.League đạt mức mơ ước...
Cụ thể, nếu như 5 vòng đầu tiên của mùa giải V.League năm ngoái chỉ đón có 191.000 khán giả đến sân (trung bình 5.457 người/trận), thì mùa này, con số đó tăng lên đến 325.300 người (trung bình 9.286 người/trận).
Bóng đá cần khán giả. Khán giả là yếu tố quan trọng để đánh giá sự thành công của một giải đấu. Nhưng bên cạnh đó còn chất lượng chuyên môn. Và buồn thay, chất lượng chuyên môn đang là điểm yếu của V.League lúc này.
Năm vòng đấu đầu tiên của V.League 2018 ghi nhận con số 88 bàn thắng (trung bình 2,51 bàn/trận), so với 96 bàn (trung bình 2,74 bàn/trận) của mình giải trước. Trong khi đó, con số 142 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ lại tăng so với năm ngoái (137 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ).
...nhưng chất lượng chuyên môn đang ở mức tụt lùi.
Và điều quan trọng nhất là dấu ấn của các tuyển thủ U23 Việt Nam trở về từ Trung Quốc là rất mờ nhạt, kể cả ở CLB Hà Nội - đội bóng duy nhất đang vượt trội về cả chất lượng đội hình lẫn lối chơi, hay HAGL - CLB với đến 6 tuyển thủ U23 Việt Nam thường xuyên ra sân trong đội hình chính.
Chẳng mấy khó khăn để lý giải điều này. Câu trả lời nằm trong cách mà Nicky Butt giải thích về cách vận hành của U23 Man United. V.League vẫn là V.League, U23 vẫn chỉ là U23. Chỉ có kỳ vọng của người hâm mộ là "vọt xà", còn những Quang Hải, Văn Hậu, Đức Huy, Công Phượng hay Bùi Tiến Dũng vẫn đang phải miệt mài tìm chỗ đứng cho mình giữa một V.League đầy khốc liệt.
3. Quay lại với câu hỏi vì sao bầu Đức bỏ V-League, thì HLV Park Hang-seo sẽ là người vỗ tay đầu tiên?
Ở Man United, những Rashford, Scott McTominay hay Martial, Luke Shaw đều phải cặm cụi chắt chiu từng cơ hội ra sân để chứng minh rằng mình xứng đáng được thi đấu chính thức ở Premier League, và không phải ai trong số họ cũng thành công, chưa nói đến chuyện tất cả đều đang thất bại trong việc chen chân vào đội 1.
Các tuyển thủ U23 Việt Nam ở CLB Hà Nội phải chiến đấu cật lực để giành vị trí chính thức.
Ở CLB Hà Nội, trong số 7 tuyển thủ U23 Việt Nam vừa giật chức Á quân châu Á, chỉ có 2 cái tên là "mặc định" được đứng trong đội hình xuất phát. Số còn lại phải chiến đấu để có được vị trí, thậm chí có những cái tên gần như tuyệt vọng trong việc tìm được chỗ đứng trong đội hình chính thức, như Đức Huy chẳng hạn.
Ngược lại, ở HAGL, đây đã là mùa giải thứ tư bầu Đức đôn lứa U19 ngày nào lên chơi V.League, và những tuyển thủ U23 của HAGL đang là trụ cột, là xương sống cho đội bóng phố Núi chinh chiến ở đấu trường này.
Những Văn Hậu, Quang Hải cũng được CLB Hà Nội đôn lên chơi V.League từ tuổi 18, 19, nhưng khác với những Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Tuấn Anh hay Xuân Trường đóng vai trò "gánh đội", họ nhận được sự dìu dắt của các "đàn anh" cả về chuyên môn lẫn những khía cạnh ngoài chuyên môn trong hành trình phát triển của mình.
Các tuyển thủ U23 vẫn là nòng cốt của HAGL tại V.League.
Hai trận vừa qua có sự góp mặt của HAGL ở đấu trường V.League, người ta đều thấy HLV Park Hang-seo dự khán. Và đấy là hai trận thua "sấp mặt" của đội bóng phố Núi. Nhìn Công Phượng lại "cắm mặt đá bóng", Văn Toàn không biết dứt điểm, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy... không thể kết nối được với nhau, hẳn nhà cầm quân người Hàn Quốc chẳng thể tránh khỏi sự lo lắng.
Hôm qua không phải là lần đầu tiên bầu Đức nhắc lại lời nói "như dao chém đá" của mình về việc HAGL bỏ V.League, và theo lời ông, lộ trình để đưa các cầu thủ HAGL sang thi đấu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar hay Lào, Campuchia đã được vạch sẵn.
Bỏ qua cuộc chiến thượng tầng giữa bầu Đức với bầu Tú, VFF hay VPF, nhìn ở góc độ tích cực, việc đưa HAGL rời V.League là cơ hội tốt để các tuyển thủ U23 Việt Nam của HAGL có được môi trường tốt hơn để trui rèn chuyên môn, làm bàn đạp để cống hiến cho U23 Việt Nam và ĐTQG Việt Nam trong tương lai.
Chẳng cần phải lấy ví dụ ở Rashford hay Scott McTominay xa xôi, chỉ cần nhìn vào tấm gương của Xuân Trường là đủ. Hai năm trời phải ngồi dự bị ở Hàn Quốc, nhưng tiền vệ này lại là cầu thủ U23 Việt Nam của HAGL duy nhất giữ được phong độ xuyên suốt từ giải U23 châu Á đến V.League 2018.
Muốn những giấc mơ vĩ đại nhất thành hiện thực, phải chấp nhận rủi ro, Xuân Trường ạ!
Được thi đấu ở những giải VĐQG cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan, thậm chí không có được vị trí thường xuyên trong đội hình chính, nhưng những gì thu lượm được về chuyên môn lẫn việc phải cố gắng ganh đua, chứng tỏ năng lực thực sự chắc hẳn sẽ có ích hơn cho các tuyển thủ của HAGL hơn là việc ngụp lặn giữa V.League với vai trò "gánh đội".
Trong danh sách ĐTQG Thái Lan hiện tại, có đến 4 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, trong đó có 3 cái tên hiện chơi ở J1 League của Nhật Bản, người còn lại thi đấu ở Bỉ. Thậm chí Chanathip Songkrasin và Teerasil Dangda còn đang tỏa sáng trên đất Nhật.
Biết đâu, quyết định gây nhiều tranh cãi của bầu Đức sẽ lại là cơ hội tốt để HLV Park Hang-seo có được những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn... trưởng thành hơn, nỗ lực hơn làm nòng cốt cho ĐTQG Việt Nam trước những giải đấu lớn.
Nếu thế, HLV người Hàn Quốc này hẳn là người sẽ vỗ tay đầu tiên với quyết định của bầu Đức.
HAGL đã công cùn, thủ kém trước Sài Gòn FC như thế nào?