Bầu cử Tổng thống Pháp vừa khởi động đã có bất ngờ

Thùy Vân |

Mùa bầu cử Tổng thống Pháp 2017 chính thức bắt đầu bằng cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh hữu và trung dung diễn ra ngày 20/11.

Trái với những dự đoán và các cuộc thăm dò trước đó, kết quả cuộc bầu cử này thực sự gây bất ngờ ứng cử viên Francois Fillon giành được hơn 44% số phiếu bầu, dẫn đầu cuộc bầu cử, bỏ xa người đứng thứ 2 là thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé với 28,1% và người đứng thứ 3 là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy với 21,1%.

Bất ngờ ngay từ vòng 1

Với kết quả này, ông Francois Fillon và Alain Juppé sẽ tiếp tục cạnh tranh trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 sẽ được tổ chức vào ngày 27/11 để chọn ra ứng cử viên đại diện cho cánh hữu và các đảng trung dung tham dự cuộc đua vào điện Elysees tháng 4/2017. Còn cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ chấm dứt ước mơ quay trở lại điện Elysees một lần nữa.

Có nhiều nguyên nhân giúp cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 lần này của các đảng cánh hữu và trung dung thu hút được số cử tri Pháp đi bầu kỷ lục, hơn 4 triệu người, nhưng nhìn chung có thể đề cập 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là cuộc bầu cử sơ bộ này đã được truyền thông rất tốt.

Đây mới là lần đầu tiên cánh hữu Pháp tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ với hình thức và quy mô lớn như lần này. Có 7 ứng cử viên tham gia và cả 7 ứng cử viên này đã tham gia vào 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước bầu cử. Những cuộc tranh luận này thu hút sự chú ý rất lớn của truyền thông và dư luận Pháp bởi được truyền trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình lớn của Pháp và có sự góp mặt của những chính trị gia nổi tiếng như cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và 2 cựu Thủ tướng Alain Juppé và Francois Fillon.

Đây đều là các gương mặt nổi tiếng trên chính trường Pháp và các tranh luận đã diễn ra rất gay gắt, quyết liệt. Công tác tổ chức cũng được tiến hành rất quy mô với hơn 10.000 điểm bầu cử trên toàn bộ lãnh thổ Pháp, kể cả ở hải ngoại, với sự tham gia của 80.000 tình nguyện viên.

Nói cách khác là cuộc bầu cử sơ bộ này được tổ chức theo hình thức và quy mô không khác mấy so với bầu cử Tổng thống thực sự nên thu hút được sự quan tâm của dư luận Pháp. Nguyên nhân thứ hai, đó là cử tri Pháp đang thực sự rất bức xúc về nền chính trị cũng như tình hình kinh tế xã hội nước nhà.

Vì thế, việc họ đi bầu đông, trong đó có không ít người đến từ cánh tả, cho thấy cử tri Pháp thực sự đang muốn có những đổi thay mạnh mẽ sau 5 năm cánh tả cầm quyền thất bại. Đây là thông điệp rất nghiêm túc gửi đến chính quyền Pháp hiện nay.

Cuộc đua của những gương mặt thân quen

Đặc điểm của nền chính trị Pháp là các đảng phái truyền thống vẫn giữ vai trò rất lớn trong suốt nhiều năm qua, bên cánh tả là đảng Xã hội và cánh hữu là đảng Những người Cộng hoà (LR) mà trước đây mang tên là RPR hay UMP.

Vì thế, các chính trị gia muốn thăng tiến thì đều phải nằm trong các đảng phái lớn, hoạt động trong nhiều năm trời để tạo dựng mạng lưới quan hệ, tạo ảnh hưởng…

Nói cách khác là các đảng truyền thống ở Pháp hoạt động theo mô hình như một gia đình chính trị và rất khó có chỗ cho những cá nhân đột phá. Bên cạnh đó, truyền thống xã hội Pháp nặng về chủ nghĩa tinh hoa và tôn trọng thâm niên cũng khiến cho việc các gương mặt trẻ bứt phá là tương đối khó khăn. Những trường hợp như Emmanuel Macron mới đây là rất hãn hữu.

Trên thực tế, tham gia vào mùa bầu cử Tổng thống Pháp lần này ở tất cả các đảng phái cũng còn một vài gương mặt được coi là “trẻ” khác, như Benoit Hamon bên cánh tả hay Bruno Le Maire, Nathalie Kosciuszko Morizet bên cánh hữu, hay đặc biệt có thể tính cả Thủ tướng Manuel Valls dù ông này chưa chính thức tuyên bố ứng cử.

Tuy nhiên, tất cả những nhân vật này đều chưa tạo được một mạng lưới mạnh và uy tín đủ lớn, trừ ông Manuel Valls. Cũng phải nhắc đến một yếu tố kỹ thuật nhưng rất khó vượt qua đối với các chính trị gia trẻ: theo luật của Pháp, muốn ra tranh cử Tổng thống Pháp thì cần phải thu thập được chữ ký bảo trợ của ít nhất 500 dân biểu đến từ ít nhất 30 tỉnh khác nhau.

Toàn nước Pháp có khoảng 47.000 dân biểu, là các nghị sĩ, thượng nghị sĩ, thị trưởng các thành phố, nghị viên châu Âu, uỷ viên hội đồng vùng… Vì thế, nếu không có quan hệ và mạng lưới đủ rộng thì các chính trị gia trẻ không dễ vượt qua rào cản pháp luật này để ra ứng cử.

“Ngài Không ai cả” chiến thắng áp đảo

Ngay cả các chuyên gia chính trị Pháp cũng bất ngờ vì chiến thắng áp đảo của ông Fillon bởi thực tế là trước đó, hầu như không mấy người để ý đến chiến dịch tranh cử của ông Fillon, người bị báo chí Pháp gọi là “Ngài Không ai cả”, ý là không có vai trò gì.

Tuy nhiên, sau vòng 1 này thì các phân tích hầu hết đều nhận định ông Francois Fillon thắng là vì các lí do sau: ông đại diện cho một hình mẫu chính trị gia cánh hữu truyền thống, tức bảo vệ các giá trị cánh hữu như công giáo, giá trị gia đình, quan điểm kinh tế tự do.

So với ông Sarkozy, ông Fillon được đánh giá là “sạch sẽ”, ít scandal hơn và cũng ít mượn các quan điểm cực hữu của Mặt trận quốc gia để thu hút cử tri hơn ông Sarkozy.

So với ông Alain Juppé, ông Fillon được đánh giá là “cánh hữu” hơn bởi ông Juppé vẫn bị chỉ trích là quá ôn hoà, điển hình ở việc lôi kéo cánh trung dung và các cử tri cánh tả. Như vậy, ông Fillon là người trung hoà được cả hai ông Sarkozy và Juppé, vừa đại diện được cho cánh hữu truyền thống, vừa có kinh nghiệm lãnh đạo tầm cao vì đã là Thủ tướng Pháp trong 5 năm.

Tóm lại, đó là một chính trị gia đáng tin cậy hơn ông Sarkozy, mạnh mẽ hơn ông Juppé. Ngoài ra, phải nói rằng ông Fillon đã được hưởng lợi từ việc hai ông Sarkozy và Juppé đã dồn sức triệt hạ nhau khiến cả hai đều mất nhiều điểm trong con mắt cử tri.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến 2 chi tiết đáng chú ý trong chính sách tranh cử của ông Fillon mà có thể đã giúp ông bứt phá mạnh: đó là tuyên bố cải cách sốc nền kinh tế và về đối ngoại thì thân thiện với Nga.

Với việc giành hơn 44% phiếu bầu ở vòng 1, khả năng ông Fillon chiến thắng ông Juppé ở vòng 2 là rất lớn bởi khoảng cách 16% là rất khó san lấp trong vòng 1 tuần vì số chênh lệch đó đồng nghĩa ông Juppé phải huy động được thêm khoảng 500.000 cử tri mới ủng hộ mình. Điều này là cực kỳ khó khăn.

Vì thế, với cục diện hiện nay, có thể coi như ông Francois Fillon gần như chắc chắn sẽ là ứng cử viên của cánh hữu ra tranh cử Tổng thống Pháp vào năm sau.

Francois Fillon - đối thủ khó chịu nhất với bà Marine Le Pen

Đây cũng là kịch bản khó chịu nhất với đảng cực hữu Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen bởi trong suốt thời gian qua, chiến lược tranh cử của bà Marine Le Pen được xây dựng là nhằm đối phó với ông Alain Juppé hoặc ông Nicolas Sarkozy chứ không hề để ý đến ông Fillon.

Ngoài ra, việc cử tri cánh hữu ủng hộ mạnh mẽ ông Fillon cho thấy khả năng bà Le Pen lôi kéo được các cử tri cánh hữu bất mãn sẽ ít đi nhiều. Đối với cánh tả cầm quyền thì vấn đề lớn nhất của phe này bây giờ là làm sao lựa chọn được một ứng cử viên phù hợp chứ chưa phải là làm sao đương đầu với ông Fillon.

Thất bại của ông Nicolas Sarkozy, một cựu Tổng thống, và chiến thắng của ông Fillon, một cựu Thủ tướng, khiến nổi lên nhiều phân tích rằng có thể Tổng thống Francois Hollande sẽ bị cánh tả gây sức ép không ra tái tranh cử mà nhường vai trò đó cho Thủ tướng Manuel Valls bởi qua các cuộc bầu cử sơ bộ ở các đảng vừa qua, cử tri Pháp thể hiện là không muốn thấy các gương mặt cũ kỹ, cánh hữu là ông Sarkozy và vài tháng trước là bà Cecile Duflot bên đảng Xanh.

Nhưng, cho dù cánh tả lựa chọn ai ra tranh cử thì nhìn vào thực trạng trên chính trường Pháp hiện nay, ông Francois Fillon vẫn được xem là ứng cử viên nặng ký nhất, sau đó có thể là bà Marine Le Pen./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại