Bầu cử tổng thống Mỹ: Không chỉ là chuyện sức khỏe

Danh Đức |

Nếu cho rằng tuổi tác lại là một lợi thế cho tổng thống tương lai, liệu có thể hỏi ngược lại rằng tuổi trẻ liệu có phải là một bất lợi cho tổng thống tương lai?

Những dấu hỏi về sức khỏe của ứng cử viên Hillary Clinton sau sự cố hôm 11-9, tiếp nối những yêu cầu kiểm tra sức khỏe tâm thần ứng cử viên Donald Trump, có thể - trong góc nhìn "thuyết âm mưu" - là những đòn dưới thắt lưng của các đối thủ nhắm vào nhau hoặc do các thế lực bên ngoài giật dây.

Thế nhưng có một thực tế không liên quan gì đến "thuyết âm mưu" là cả hai ứng cử viên đều "thất thập cổ lai hi": bà Clinton sắp đến 69 tuổi, còn ông Trump đã qua 70.

Tất nhiên, có thể trả lời "nhằm nhò gì" khi mà tuổi thọ trung bình ngày nay trên thế giới hầu như đã vượt qua ngưỡng 70 và có thể yên trí rằng hai ứng cử viên trên, một khi đắc cử, sẽ dư sức đi hết nhiệm kỳ bốn năm tính từ tháng 1 năm tới.

Thế nhưng, trong một góc nhìn khác, không thể không so sánh tuổi hai ứng cử viên trên so với tuổi các tổng thống tiền nhiệm, tính từ sau Thế chiến thứ hai, khi nhậm chức.

Cụ thể, ông Barack Obama (Đảng Dân chủ) nhậm chức ở tuổi 48, ông Bush "con" (Đảng Cộng hòa) 55, ông Clinton (Đảng Dân chủ) 47, ông Bush "cha" (Đảng Cộng hòa) 65, ông Reagan (Đảng Cộng hòa) 70, ông Carter (Đảng Dân chủ) 53, ông Ford (Đảng Cộng hòa) 61, ông Nixon (Đảng Cộng hòa) 56, ông Johnson (Đảng Dân chủ) 58, ông Kennedy (Đảng Dân chủ) 44, ông Eisenhower (Đảng Cộng hòa) 63.

Có thể thấy, so với những người đi trước vào Nhà Trắng thuộc Đảng Dân chủ, tuổi của bà Clinton vào hàng U-70, hơi "bị" cao so với những người kia vốn ở hàng U-50 (ba người), tối đa là U-60 (hai người).

Việc ứng cử viên Clinton ấp ủ mộng trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ là một ấp ủ rất nữ quyền, nhưng nếu như thành hiện thực cách đây 8 năm thì có lẽ sẽ là "trên cả tuyệt vời", như việc ông Obama là tổng thống da màu đầu tiên!

Còn về phía Đảng Cộng hòa, vốn thường có các ứng viên lớn tuổi hơn Đảng Dân chủ, thì ông Trump cũng cao niên hơn các tiền bối của mình, trừ mỗi ông Reagan.

Từ hai so sánh đó có thể thắc mắc: phải chăng chính giới Mỹ nay hơi bị trọng tuổi khi mà các ứng cử viên cả hai đảng đều vào hàng 69, 70?

Ngay cả ông Bernie Sanders, đối thủ của bà Clinton trong nội bộ Đảng Dân chủ trước đây, cũng cao tuổi hơn cả bà Clinton, cũng như ông Trump thắng các đối thủ trẻ hơn bên phía Đảng Cộng hòa, phải chăng càng khẳng định hiện tượng "lớn tuổi hóa" của hàng ngũ ưu tú trong chính giới Mỹ?

Liệu có phải do ngày nay, nhờ y học tiến bộ và lối sống tối hảo mà thế hệ U-80 vẫn còn rất cường tráng, tinh anh ở vị trí lãnh đạo quốc gia? Song cũng có phải do khoảng cách giữa thế hệ U-80 này với các thế hệ sau không thể lấp đầy, để có được những ứng cử viên đắc cử vào hàng 40, 50 hay tối đa là 60 tuổi như từ sau Thế chiến thứ hai?

Không thể nói rằng xã hội Mỹ thiếu người tài, bằng cớ là nước Mỹ vẫn đang là "suối nguồn vô tận" của những khởi nghiệp trở thành tỉ phú từ tay trắng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực trí tuệ hàng đầu... Còn nếu việc trọng thị hai ứng cử viên này lại là "gu" của xã hội Mỹ ngày nay thì sao?

Theo một thăm dò của Hãng McClatchey-Marist, 71% cử tri đã đăng ký cho rằng tuổi tác lại là một lợi thế cho tổng thống tương lai; 67% cử tri không thấy có vấn đề gì khi ủng hộ các ứng cử viên ngoài 65 tuổi, thậm chí ông Sanders, 74 tuổi, lại được các cử tri trẻ hâm mộ!

Còn có thể đặt ra nhiều câu hỏi khác như: nếu cho rằng tuổi tác lại là một lợi thế cho tổng thống tương lai, liệu có thể hỏi ngược lại rằng tuổi trẻ liệu có phải là một bất lợi cho tổng thống tương lai? Liệu xu hướng này có liên quan gì đến hai nhiệm kỳ đã qua và sắp hết của ông Obama?

Có một câu ngạn ngữ Pháp: "Nếu người trẻ đủ am hiểu, nếu người già đủ sức!".

Bà Clinton trở lại cuộc đua

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã quay lại với chiến dịch tranh cử sau 4 ngày nghỉ ngơi vì bị viêm phổi, mất nước và choáng trong lễ kỷ niệm 11-9.

Ngay khi bước lên sân khấu để diễn thuyết trước đám đông cử tri tại Greensboro, Bắc Carolina, theo CNN, bà Clinton đã đề cập ngay đến tình trạng sức khỏe của mình và thừa nhận rằng ở nhà dưỡng bệnh trong thời điểm quan trọng này không phải là điều dễ chịu.

"Như các bạn biết đấy, gần đây tôi bị ho nhẹ, nhưng hóa ra là bị viêm phổi. Tôi đã cố gắng lướt bệnh, nhưng phải chấp nhận rằng tôi cần được nghỉ ngơi" - cựu ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.

Trong bài phát biểu, theo Reuters, bà Clinton nhấn mạnh mối quan tâm của bà đến trẻ con và gia đình, thừa nhận một số thiếu sót như việc lo toan chi li đến từng con số những vấn đề của các cử tri.

Tuy nhiên, quyết định không thông báo về chẩn đoán của bác sĩ đối với bệnh viêm phổi của bà trước ngày 11-9, cùng với việc phó tổng thống được bà đề cử Tim Kaine không biết trước tình hình sức khỏe của bà đã khiến bà hứng chịu một loạt chỉ trích mới về sự thiếu minh bạch.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy khoảng cách giữa hai ứng cử viên đang dần thu hẹp, trong khi chỉ chưa đầy 7 tuần nữa là đến cuộc bầu cử.

Cuộc khảo sát của CBS News / New York Times cho thấy bà Clinton chỉ dẫn trước ông Trump 2 điểm trong một cuộc thăm dò hai chiều các cử tri. Trang FiveThirtyEight cho biết cơ hội chiến thắng của bà Clinton hiện nay là 62,4% so với hôm 15-8 là 78,3%. (ANH THƯ)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại