Bầu cử Mỹ: Kịch hay còn ở phía trước

Hoàng Phương |

Ông Joe Biden đi vào lịch sử bầu cử Mỹ khi là ứng viên tổng thống nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất từ trước đến nay.

Bất chấp ứng viên Joe Biden ngày càng áp sát con số 270 phiếu đại cử tri, cuộc đua vào Nhà Trắng đang có dấu hiệu kéo dài sau khi chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump có một loạt động thái pháp lý nhằm cải thiện cơ hội chiến thắng của mình và gieo rắc hoài nghi về kết quả cuộc bầu cử.

Ông Biden rộng đường

Bước đi trên diễn ra sau khi đối thủ chiến thắng tại 2 bang quan trọng Wisconsin và Michigan để có được tổng cộng 264 phiếu đại cử tri, theo công bố của hãng tin AP và đài Fox News. Tuy nhiên, ngay cả con số 264 cũng gây tranh cãi vì kết quả tại bang Arizona (11 phiếu đại cử tri) được xem là vẫn chưa rõ ràng dù ông Biden được cho là đã thắng tại đó.

Gạt sang một bên những lùm xùm trên, kết quả cuộc bầu cử giờ đây phụ thuộc vào kết quả của 5 bang Nevada (6 phiếu đại cử tri), Bắc Carolina (15 phiếu), Georgia (16 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu), Alaska (3 phiếu).

Cơ hội vẫn còn đối với cả hai ứng viên nhưng ông Biden dĩ nhiên đang rộng đường chiến thắng hơn. Hai kịch bản khả dĩ nhất được báo The New York Times nói đến là ông Biden chỉ cần thắng thêm ở bang Nevada (nếu kết quả ở bang Arizona không thay đổi) hoặc bang Pennsylvania (trong trường hợp mất Arizona).

Tới gần 0 giờ ngày 5-11 (giờ Hà Nội), ông Biden vẫn dẫn trước sít sao ông Trump ở bang Nevada. Còn tại bang Pennsylvania, theo báo The Guardian (Anh), ông Biden đang rút dần khoảng cách với đối thủ khi có thêm phiếu được đếm.

Hoạt động đếm phiếu tại bang Pennsylvania dự kiến tiếp diễn thêm vài ngày nữa và vẫn còn một lượng lớn phiếu của cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ đang được đếm tại 2 thành phố Philadelphia và Pittsburgh.

Một kịch bản ít xảy ra hơn là ông Biden thắng ở cả 2 bang Nevada và Georgia, nơi số phiếu bầu qua thư của cử tri TP Atlanta và các vùng ngoại ô giúp cuộc đua trở nên sít sao hơn. Với 98% phiếu được đếm tại bang Georgia, theo kênh Fox News, ông Trump nhận được 49,62% phiếu bầu trong khi tỉ lệ này của ông Biden là 49,15% và cơ hội lật ngược tình thế của ứng viên Đảng Dân chủ vẫn còn. Nếu giành được 2 bang Nevada, Georgia hoặc 2 bang Nevada, Arizona, ông Biden không cần thắng ở Pennsylvania mà vẫn đủ phiếu đại cử tri cần thiết.

Trong khi đó, với 214 phiếu đại cử tri có được cho đến giờ (có đài công bố là 213), ông Trump chỉ còn con đường duy nhất là chinh phục được toàn bộ 4 bang chiến trường còn lại gồm Nevada, Bắc Carolina, Georgia, Pennsylvania (trong trường hợp kết quả bang Arizona không thay đổi).

Dù vẫn còn hàng triệu phiếu chưa được kiểm nhưng ông Biden đã kịp đi vào lịch sử khi là ứng viên nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất (hơn 72 triệu). Tại cuộc họp báo chiều tối 4-11 (giờ Washington), ông Biden tự tin cho biết ông kỳ vọng sẽ đắc cử nhưng không tuyên bố chiến thắng.

Trái lại, nhà lãnh đạo Mỹ tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng trước đó đã đưa ra tuyên bố sớm về chiến thắng, dẫn đến phản ứng mạnh của nhiều người, kể cả người của Đảng Cộng hòa. Ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, nhấn mạnh các bang sẽ mất thêm thời gian để tiến hành kiểm phiếu.

Nỗ lực cuối cùng của ông Trump?

Những gì diễn ra cho đến giờ có thể dẫn đến kịch bản khiến giới quan sát lo ngại ngay từ đầu. Cho dù ông Biden có đủ số phiếu đại cử tri cần thiết để vào Nhà Trắng, ông Trump vẫn không chịu thua và tìm cách đưa kết quả bầu cử ra Tòa án Tối cao.

Dù vậy, một số chuyên gia luật cho rằng hành động pháp lý nói trên của ông Trump chỉ là nỗ lực cuối cùng nhằm hiện thực hóa tuyên bố thắng cử sau khi gặp kết quả bất lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Adav Noti, chuyên gia tại Trung tâm Pháp lý tranh cử (một nhóm ủng hộ cải cách bầu cử Mỹ), hoài nghi về khả năng nỗ lực này tác động nhiều đến kết quả bầu cử.

Trong vụ kiện ở bang Pennsylvania, ê-kíp tranh cử của ông Trump phê phán quyết định cho phép kiểm đếm những lá phiếu gửi qua thư được nhận 3 ngày sau ngày bầu cử 3-11 nếu thư có đóng dấu bưu điện trong ngày này hoặc trước đó. Tuy nhiên, theo ông Noti, vụ kiện như thế lại không có tác dụng tại 2 bang chiến trường quan trọng khác là Wisconsin và Michigan vì giới chức tại đó không có quyết định tương tự. Ngoài ra, vụ kiện tại bang Pennsylvania có thể không còn ý nghĩa nếu ông Biden không cần thắng tại bang này mà vẫn có được ít nhất 270 phiếu đại cử tri cần thiết.

Tương tự, yêu cầu kiểm phiếu lại tại bang Wisconsin của chiến dịch tranh cử của ông Trump có thể không có tác dụng gì. Theo AP, lịch sử cho thấy các lần kiểm phiếu lại ở bang này chỉ khiến tổng số phiếu thay đổi vài trăm phiếu. Trong khi đó, ông Trump hiện thua ông Biden đến hơn 20.000 phiếu sau khi gần 3,3 triệu phiếu đã được kiểm.

Còn nhớ trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump nhận được thêm 131 phiếu sau lần kiểm phiếu lại ở bang Wisconsin. Ngược lại, lần kiểm phiếu lại ở bang Michigan khiến ông Trump mất 102 phiếu về tay bà Hillary Clinton trước khi Tòa án Tối cao của bang ra lệnh ngưng tiến trình này.

Ông John Pirich, luật sư đại diện chiến dịch tranh cử của ông Trump trong vụ kiểm phiếu lại tại bang Michigan 4 năm trước, nói với đài Al Jazeera rằng trong cuộc đua có trên 5 triệu phiếu bầu như ở bang Michigan, số phiếu sau khi đếm lại chỉ thay đổi khoảng 150 phiếu.

Nếu ông Trump không chịu thua...

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Biden thắng và ông Trump kiên quyết không nhận thua và tiếp tục "cố thủ" trong Nhà Trắng? Theo trang Vox, sẽ có 2 kịch bản xảy ra đối với vấn đề được quan tâm này. Trong trường hợp ông Biden chính thức được xác định là người chiến thắng bởi số phiếu đại cử tri nhận được và ông Trump không chấp nhận thất bại, một lựa chọn là ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021 như luật định rồi yêu cầu Sở Mật vụ dùng vũ lực trục xuất ông Trump khỏi Nhà Trắng.

Một kịch bản khác là các vụ kiện của chiến dịch tranh cử của ông Trump khiến Quốc hội Mỹ không thể chứng nhận kết quả phiếu đại cử tri 2 tuần trước ngày tổng thống mới nhậm chức như thường lệ.

Khi đó, nếu ông Trump quyết ở lại Nhà Trắng cho đến khi các vụ kiện được phân xử, sẽ không ai làm được gì cho đến khi bầu cử có kết quả. Nói cách khác, ông Trump có thể tiếp tục ở Nhà Trắng cho đến sau ngày chuyển giao quyền lực 20-1-2021 được hiến định. Tình hình sẽ còn thêm phức tạp nếu có một vụ kiện của ông Trump lên tới Tòa án Tối cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại