Bầu cử Mỹ: Bỏ phiếu qua thư được thực hiện như thế nào và liệu đây có phải là hình thức làm tăng nguy cơ gian lận?

Thiết kế: Hoài Linh - Bài: Lục Lam |

Quá trình bầu cử của năm 2020 sẽ khác so với những năm trước. Những nhân tố chủ chốt như phiếu phổ thông và cử tri đoàn vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng do tính chất của việc gửi phiếu bầu qua đường bưu điện nên kết quả sẽ có muộn hơn vài ngày, thậm chí là vài tuần.

Khi Ngày Bầu cử đang đến gần và số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng mạnh tại Mỹ, thì các cuộc tranh luận về cách người dân Mỹ nên bỏ phiếu một cách công bằng và an toàn đang diễn ra rất sôi nổi. Do ảnh hưởng của đại dịch, một số lượng lớn phiếu bầu dự kiến sẽ được gửi qua thư trước ngày 3/11.

Một số tiểu bang, bao gồm New Jersey, đang lần đầu tiên gửi phiếu bầu. Và trong 1 cuộc thăm dò hồi tháng 7, 2/3 người được hỏi cho biết họ vẫn muốn sử dụng hình thức bỏ phiếu này. Trong 2 đợt bầu cử liên bang trước qua, chỉ 1 trong 4 cử tri thực hiện bầu cử qua thư. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lại thường xuyên chỉ trích hình thức này, coi đây là một "cú lừa lớn". Các cuộc thăm dò được thực hiện trong năm nay cho thấy đảng Dân chủ lại ủng hộ việc bầu cử qua thư hơn là đảng Cộng hòa của ông Trump.

Theo cơ chế bầu cử trực tiếp như những năm trước, người dân Mỹ sẽ tập trung tại địa điểm bỏ phiếu ở địa phương của mình vào ngày thứ Ba cuối cùng của tháng 11, trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống. Thời gian bỏ phiếu thường kết thúc trước ở bờ Đông và sau đó là các bang phía Thái Bình Dương.

Trên thực tế, người dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống, bởi phiếu của họ là phiếu phổ thông đóng vai trò chọn ra đại cử tri để tập hợp thành Cử tri đoàn. Số lượng đại cử tri sẽ phụ thuộc vào dân số của mỗi bang, ví dụ bang đông dân nhất là California sẽ là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Do đó, ứng viên đắc cử Tổng thống sẽ không cần đến số lượng phiếu phổ thông nhiều nhất mà là lượng phiếu của Cử tri đoàn.

Tuy nhiên, quá trình bầu cử của năm 2020 sẽ khác so với những năm trước. Những nhân tố chủ chốt như phiếu phổ thông và cử tri đoàn vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng do tính chất của việc gửi phiếu bầu qua đường bưu điện nên kết quả sẽ có muộn hơn vài ngày, thậm chí là vài tuần.

Vậy bỏ phiếu qua thư được thực hiện như thế nào và liệu hình thức này có làm tăng nguy cơ gian lận như những gì ông Trump lo ngại hay không?

Bầu cử Mỹ: Bỏ phiếu qua thư được thực hiện như thế nào và liệu đây có phải là hình thức làm tăng nguy cơ gian lận? - Ảnh 1.

Bỏ phiếu qua thư là hình thức bầu cử có từ thời Nội chiến Mỹ, khi binh sĩ đang tham gia chiến trường không thể trực tiếp bỏ phiếu. Ngoài ra, các cử tri ở xa địa điểm bỏ phiếu hoặc có lý do chính đáng cũng được thực hiện bỏ phiếu qua thư. Đến những năm 1980, bang California đã cho phép cử tri bỏ phiếu qua thư mà không cần lý do.

Trước đây, cách thức này thường bị các bang hạn chế, bởi chỉ người già trên 65 tuổi, những người bị bệnh hoặc sống tại bang khác, nước ngoài mới được thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết các bang đã chấp nhận bỏ phiếu qua thư là một hình thức không thể thiếu. Theo ước tính, có khoảng 80 triệu phiếu bầu qua bưu điện sẽ được thực hiện trong cuộc bầu cử năm nay.

Có 9 bang và đặc khu Columbia (thủ đô Washington) sẽ bầu cử chủ yếu qua đường bưu điện, theo đó các cử tri đã đăng ký sẽ tự động nhận được lá phiếu qua thư trước khi cuộc bầu cử bắt đầu. 3/9 bang này – California, Washington và Vermont) sẽ triển khai bỏ phiếu qua thư vào tháng 11 và đây là các bang mang tính chiến lược với đảng Dân chủ.

Trong khi đó, có 26 bang yêu cầu cử tri đăng ký phiếu bầu nhưng không cần trình bày lý do chính đáng. 9 bang yêu cầu cử tri đăng ký và cho phép họ lấy lý do dịch Covid-19, trong khi có 6 bang cử tri sẽ bắt buộc cử tri đăng ký, lấy lý do khác ngoài dịch Covid-19. Những bang này chủ yếu nằm ở Trung Tây và bờ biển phía đông.

Bầu cử Mỹ: Bỏ phiếu qua thư được thực hiện như thế nào và liệu đây có phải là hình thức làm tăng nguy cơ gian lận? - Ảnh 2.

Indiana, Louisiana, Mississippim Tennessee và Texas là những bang đóng vai trò chủ chốt đối với đảng Cộng hòa. Người dân ở bang này phải có lý do khác ngoài Covid-19 để có thể bỏ phiếu vắng mặt, do đó hầu hết phải bỏ phiếu trực tiếp.

Tại các bang, thời điểm lá phiếu được gửi đến và chính thức được kiểm đếm cũng có sự khác biệt. Một nửa số bang yêu cầu phải nhận được phiếu gửi qua thư đúng hoặc trước ngày bầu cử, trong khi nửa còn lại yêu cầu phiếu phải được đóng dấu bưu điện đúng hoặc trước ngày bầu cử nhưng có thể nhận vào 1 ngày sau thời hạn đó. Nhiều bang thậm chí còn gia hạn thời gian lên đến 1 tuần do quá trình chuyển phát có thể gặp trục trặc. Một số bang có thể kiểm phiếu qua thư trước ngoài bầu cử nhưng hầu hết sẽ chỉ thực hiện khi các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa.

Tại Mỹ, bỏ phiếu qua thư là hình thức được quy định chặt chẽ. Các phiếu bầu được in trên loại giấy đặc biệt, phiếu phải được ký tên và niêm phong trong một phong bì riêng. Sau khi đưa ra lựa chọn và đóng phong bì, người gửi trực tiếp đến bưu điện hoặc để phong bì vào một hộp thư an toàn. Ngày bầu cử, các phiếu bầu này sẽ được tập hợp, đối chiếu với danh sách cử tri và kiểm đếm.

Các nhân viên kiểm phiếu sẽ kiểm tra thông tin trên lá phiếu qua thư một cách kỹ càng, đảm bảo mọi quy trình phải được thực hiện đúng cách. Họ phải kiểm tra thông tin đăng ký, ngày sinh và số thẻ an sinh xã hội của cử tri. Thậm chí, nhiều bang còn yêu cầu kiểm tra chéo với chữ ký trên hệ thống. Nếu có vấn đề, bộ phận kiểm phiếu sẽ liên hệ với cử tri. Quá trình này có thể kéo dài vài ngày, nên nếu lá phiếu gửi quá sát thời hạn mỗi bang đưa ra sẽ gặp rủi ro bị từ chối.

Bầu cử Mỹ: Bỏ phiếu qua thư được thực hiện như thế nào và liệu đây có phải là hình thức làm tăng nguy cơ gian lận? - Ảnh 3.

Dù bỏ phiếu qua thư là quá trình phức tạp và gây lo ngại cho Tổng thống Trump, nhưng gian lận lại là một tình huống hiếm khi xảy ra tại Mỹ. Theo công ty tư vấn The Heritage Foundation, từ năm 1979 đến 2020, trong tất cả những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, số trường hợp gian lận là chưa đến 1.300 trong số 250 triệu phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện.

Ví dụ, tại bang Oregon, đa số người dân của bang này đều bỏ phiếu qua thư từ năm 1998. Đến năm 2019, chính quyền bang ghi nhận có hơn 15 triệu phiếu bầu qua thư, nhưng trong đó chỉ có 14 trường hợp gian lận.

Ngoài ra, các chuyên gia về bầu cử cũng ít lo ngại về tình trạng gian lận, họ chú ý nhiều hơn khả năng gia tăng của số phiếu bị từ chối và tước quyền bầu cử. David Becker – giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Bầu cử, cho biết "các phiếu được đánh dấu bằng tay có tỷ lệ bị thống kê sai nhiều hơn", do đó dẫn đến các vấn đề về việc thiếu hoặc có quá nhiều phiếu. Ông nói, nhìn chung, điều này có thể ảnh hưởng đến những cử tri không thường xuyên hơn những cử tri thường xuyên – những người "da trắng, giàu có và lớn tuổi hơn."

Trước đó, Tổng thống Trump đã lên tiếng về hình thức bỏ phiếu qua thư, ông cho rằng đây là cách thức có lợi cho đảng Dân chủ bởi họ vốn ủng hộ hình thức này. Ông nói rằng: "Đảng Dân chủ thích việc bầu cử qua thư. Nếu chấp nhận nó, sẽ không có ứng viên đảng Cộng hòa nào được bầu tại Mỹ."

Bầu cử Mỹ: Bỏ phiếu qua thư được thực hiện như thế nào và liệu đây có phải là hình thức làm tăng nguy cơ gian lận? - Ảnh 4.

Theo một cuộc thăm dò của Đại học Monmouth, có tới 90% người ủng hộ đảng Dân chủ khuyến khích thực hiện bỏ phiếu qua thư, trong khi đảng Cộng hòa chỉ là 20%. Jake Grumbach – phó giáo sư khoa học chính trị - Đại học Washington cho biết: "Nhìn chung, số liệu thống kê cho thấy việc bỏ phiếu qua thư không tạo lợi thế cho một đảng phái nào."

Trong khi đó, theo nhiều thông kê, việc bỏ phiếu qua đường bưu điện tại Mỹ đã giúp gia tăng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thêm khoảng 2%. Theo số liệu của Dự án Bầu cử Mỹ, tính đến ngày 24/10, đã có hơn 50 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm. Giáo sư Michael McDonald đến Đại học Florida dự đoán số cử tri tham gia bỏ phiếu năm nay có thể lên tới 150 triệu người và đây là mức cao nhất kể từ năm 1908.

Dù tỷ lệ gian lận là không cao và bỏ phiếu qua thư cũng không phải là hình thức thiên vị đảng phái, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng rằng ngày 3/11 sẽ có thể giống với cuộc bầu cử năm 2000, khi người chiến thắng không được xác định vào đêm bầu cử. Cuối cùng, phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ được đưa ra trong vài tuần sau đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại