Nước Mỹ áp dụng một thể thức bầu cử tổng thống phức tạp, có thể nói là “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống và phó tổng thống mà bầu gián tiếp thông qua Đại cử tri đoàn, tức là cử tri tại các tiểu bang tham gia phổ thông đầu phiếu để bầu ra các Đại cử tri đại diện cho bang mình.
Các đại cử tri của các tiểu bang hình thành Đại cử tri đoàn để bầu tổng thống. Đại cử tri đoàn của Mỹ có 538 thành viên. Một ứng cử viên tổng thống Mỹ cần giành được ít nhất 270 phiếu Đại cử tri để giành chiến thắng. Đây được coi là thể thức bầu cử “truyền thống và mang đậm bản sắc Mỹ”.
“Ngày bầu cử” theo qui định là ngày Thứ 3 sau ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng 11 trong năm bầu cử. Cuộc bầu cử gần đây nhất diễn ra ngày 8/11/2016. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ diễn ra vào Thứ Ba, ngày 3/11/2020 tới.
Tuy nhiên, trước khi bước vào “Ngày bầu cử”, nước Mỹ sẽ trải qua giai đoạn kéo dài khoảng 6 tháng tại các tiểu bang gọi là quá trình bầu cử sơ bộ. Đây là giai đoạn bầu chọn trong nội bộ các đảng để cử tri bầu ứng cử viên tổng thống tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Bầu cử sơ bộ
Cử tri cũng như các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa không trực tiếp bầu chọn ứng cử viên tổng thống, thay vào đó họ bầu các đại biểu (delegate) đi dự Đại hội Đảng toàn quốc của đảng thông qua hai hình thức bầu cử sơ bộ chính gồm: họp kín (caucus) và bỏ phiếu sơ bộ (primary).
Họp kín (caucus) là cách bầu cử lâu đời, có từ thế kỷ 18 và mang đậm đặc thù nền chính trị Mỹ thủa lập quốc. Mọi cử tri và thành viên đăng ký của các đảng sẽ tập trung tại một địa điểm vào một thời điểm nhất định - có thể là trường học, phòng tập gym, nhà hàng hay tư gia – để bầu đại biểu.
Nét đặc biệt của hình thức họp kín là cử tri không bao giờ bỏ phiếu, thay vào đó họ bày tỏ lựa chọn của mình bằng cách giơ tay hoặc xếp thành hàng, sau đó các quan chức phụ trách bầu cử sẽ kiểm đếm. Chính cách thức này khiến họp kín mất nhiều thời gian.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, đảng Dân chủ chỉ còn áp dụng hình thức họp kín tại 6 tiểu bang gồm Maine, Kansas, Nevada, North Dakota, Wyoming và Iowa, giảm mạnh từ con số 16 bang trong cuộc bầu cử năm 2016.
Trong khi đó, thể thức bỏ phiếu sơ bộ (primary) được áp dụng từ đầu thế kỷ 20, sử dụng lá phiếu phổ thông (bỏ phiếu kín), được đánh giá là hình thức bầu cử công bằng, thuận tiện và dân chủ hơn. Hiện nay, hầu hết các bang áp dụng thể thức này, nhất là Đảng Cộng hòa.
Mỗi tiểu bang của Mỹ sẽ tự quyết định việc chọn thể thức tổ chức bầu cử sơ bộ họp kín, bỏ phiếu sơ bộ hay thậm chí phối hợp các hình thức này. Dù cách thức tiến hành khác nhau, song caucus và primary có điểm chung đó là đều nhằm bầu chọn đại biểu đi dự các Đại hội đảng toàn quốc của đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ứng cử viên tổng thống của hai đảng sẽ chính thức được các đại biểu, những người đại diện cho cử tri, bầu và công bố tại Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào mùa Hè, vài tháng trước “Ngày bầu cử”.
Các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: CNN
Đại biểu
Đại biểu là những thành viên của đảng được cử tri tín nhiệm bầu ra sau quá trình bầu cử sơ bộ tại các tiểu bang để đi dự Đại hội toàn quốc. Số lượng đại biểu của mỗi bang và vùng lãnh thổ nhiều ít khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố qui mô dân số.
Đảng Dân chủ sử dụng khái niệm Đại biểu thông thường (còn gọi là Đại biểu cam kết - Pledged Delegate) và Siêu đại biểu (Superdelegates). Trong cuộc bầu cử năm 2020, Những Chú Lừa (biệt danh của Đảng Dân chủ) có tổng cộng 3.979 đại biểu thông thường và 771 siêu đại biểu (là các quan chức, thống đốc hay nhà lập pháp hàng đầu của đảng và nghiễm nhiên không phải bầu).
Để được bầu làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho Đảng Dân chủ, một ứng cử viên phải giành được tối thiểu 1.991 phiếu đại biểu trong cuộc bỏ phiếu lần 1 tại Đại hội đảng toàn quốc.
Theo qui định mới do Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ thông qua năm 2018, các siêu đại biểu sẽ không được tham gia cuộc bỏ phiếu lần 1 để chọn ứng cử viên tổng thống. Trong trường hợp không có ứng viên nào giành đủ 1.991 phiếu đại biểu thông thường, các siêu đại biểu mới tham gia cuộc bỏ phiếu lần 2. Khi đó, ứng viên nào có được 2.373 phiếu sẽ giành chiến thắng.
Bên phía Đảng Cộng hòa đơn giản hơn. Những Chú Voi (biệt danh của Đảng Cộng hòa) sử dụng khái niệm Đại biểu cam kết và Đại biểu không cam kết (Unpledged Delegates). Trong cuộc bầu cử năm 2020, Đảng Cộng hòa có tổng cộng 2.441 đại biểu cam kết và 110 đại biểu không cam kết.
Để được bầu làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, một ứng viên phải giành được tối thiểu 1.277 phiếu đại biểu trong cuộc bỏ phiếu lần 1 tại Đại hội đảng toàn quốc.
Họp kín (caucus) là cách thức bầu cử sơ bộ mang nét đặc biệt của nền chính trị Mỹ. Ảnh: Brookings Institution
“Phát súng lệnh Iowa”
Iowa là tiểu bang thuộc miền Trung Tây của Mỹ. Iowa giáp với Minnesota về phía Bắc, Nebraska và Nam Dakota về phía Tây, Missouri về phía Nam, với Wisconsin và Illinois về phía Đông.
Tiểu bang này đứng thứ 26 về mặt diện tích và thứ 30 về dân số tại “xứ sở cờ hoa”. Trên bản đồ bầu cử, Đảng Dân chủ chỉ phân bổ 49 đại biểu (41 đại biểu thông thường và 8 siêu đại biểu) tại Iowa. Trong khi Đảng Cộng hòa có 40 đại biểu.
Dù vậy, Iowa đóng vai trò quan trọng các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Kể từ năm 1972, Đảng Dân chủ luôn chọn tiểu bang này là nơi đầu tiên tiến hành bầu cử sơ bộ (hình thức họp kín). Bốn năm sau, vào năm 1976, Đảng Cộng hòa cũng chọn Iowa làm nơi nổ “phát súng hiệu” trong mùa bầu cử của mình. Từ năm 1996 tới nay, ứng cử viên nào giành thắng lợi tại Iowa sau đó đều trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Theo giới quan sát, kết quả bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Iowa không chỉ mang tính “định hướng” cho cử tri trong tiến trình bầu cử sơ bộ tiếp theo tại các tiểu bang, mà còn là động lực để các nhà tài trợ lựa chọn và “bơm tiền” cho ứng cử viên tiềm năng nhất.
Cuộc bầu cử sơ bộ năm nay diễn ra vào ngày 3/2 (sáng 4/2 theo giờ Việt Nam) vừa qua. Tham gia cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên tại Iowa, Đảng Cộng hòa có 3 ứng cử viên gồm đương kim Tổng thống Donald Trump, cựu Thống đốc bang Massachusetts Bill Weld và cựu nghị sĩ bang Illinois Joe Walsh. Tổng thống Trump đang giữ thế áp đảo toàn diện với trên 97% số phiếu ủng hộ và đã “bỏ túi” 39 phiếu đại biểu. Trong khi ứng viên Bill Weld có 1 phiếu đại biểu, còn ứng viên Joe Walsh thậm chí đã tuyên bố bỏ cuộc.
Trong khi đó, bất ngờ nhỏ đã xảy ra bên cuộc đua của Đảng Dân chủ tại Iowa. Trong số 11 ứng cử viên tham gia tranh cử, chỉ có 5 người giành được trên 15% số phiếu ủng hộ theo luật định để được phân bổ ghế đại biểu.
Cụ thể, cựu Thị trưởng thành phố South Bend của tiểu bang Indiana, ông Pete Buttigieg hiện có 14 phiếu đại biểu; Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đứng thứ hai với 12 đại biểu; Nữ Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren có 8 đại biểu; cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành được 6 phiếu đại biểu và Thượng nghị sĩ bang Minnesota Amy Klobuchar có 1 phiếu.
Kết quả trên cho thấy các ứng cử viên được đánh giá cao hơn trước khi cuộc đua bắt đầu như ông Sanders hay ông Biden đã bất ngờ thất bại tại tiểu bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ.
Các ứng cử viên sẽ bước vào cuộc bầu cử sơ bộ thứ hai vào ngày 11/2 (tối 11/2 theo giờ Việt Nam) tại New Hampshire, tiểu bang đầu tiên tổ chức hình thức bỏ phiếu sơ bộ (primary).
Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ sẽ diễn ra từ ngày 13-16/7/2020 tại nhà thi đấu đa năng Fiserv Forum của thành phố Milwaukee thuộc tiểu bang miền Trung Tây Wisconsin.
Nhà thi đấu đa năng Fiserv Forum tại thành phố Milwaukee (bang Wisconsin), nơi diễn ra Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ tháng 7/2020. Ảnh: Billboard
Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa sẽ được tổ chức từ ngày 24-27/8/2020 tại Trung tâm Spectrum ở thành phố Charlotte của tiểu bang North Carolina, miền Đông Nam nước Mỹ.
Trung tâm Spectrum ở thành phố Charlotte của tiểu bang North Carolina, nơi diễn ra Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa tháng 8/2020. Ảnh: Carolina Journal
Sau khi Đảng Dân chủ và Cộng hòa bầu được ứng cử viên tổng thống, hai ứng viên sẽ tiến hành 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 59 trong lịch sử nước Mỹ - 3/11/2020.
Tổng thống đắc cử dự kiến làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.