Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 21-12 đăng bài "Bất thường đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021", các chuyên gia giáo dục lên tiếng cần xem xét quan hệ giữa người ôn tập cho thí sinh với cán bộ phụ trách ngân hàng đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Cần sớm làm rõ những bất thường
Biên bản làm việc của Tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ GD-ĐT, Bộ Công an xác minh thông tin báo chí phản ánh về đề thi môn sinh học nêu rõ: "Phân tích các câu hỏi trong đề duyệt chốt và các tư liệu trong các tệp dữ liệu trao đổi giữa ông Phan Khắc Nghệ và bà Phạm Thị My, ông Bùi Văn Sâm qua các năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2021 cho thấy ông Nghệ, bà My, ông Sâm đã có trao đổi các câu hỏi môn sinh học cho nhau, gắn nội dung câu hỏi vào các ô ngân hàng đề thi, hẹn gặp trực tiếp để liên hệ nội dung trao đổi liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT qua các năm, trong đó có năm 2021".
Phản hồi về kết luận này trong biên bản làm việc của tổ chuyên gia, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Hệ thống Giáo dục Học Mãi, cho biết rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ những bất thường, đặc biệt là mối quan hệ của thầy Phan Khắc Nghệ với người ra đề.
"Thầy Nghệ không phải thành viên tổ ra đề nhưng lại có nội dung ôn tập gần như trùng khớp với đề thi. Mối quan hệ này có thể liên quan mật thiết đến sự trùng khớp đề thi một cách bất thường như vậy" - thầy Hiền lên tiếng.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm ra đề "3 chung" của Bộ GD-ĐT, nhà giáo Nguyễn Phương Sửu nhấn mạnh từ những bất thường trong đề thi sinh của kỳ thi THPT năm nay, đặc biệt là ngay cả câu hỏi ngoài chương trình nhưng vẫn có trong video ôn tập của thầy Nghệ, cần xem xét quan hệ giữa người ôn tập cho thí sinh với cán bộ phụ trách ngân hàng đề của Bộ GD-ĐT.
Đồng quan điểm với ý kiến này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng dư luận nghi ngờ về mối quan hệ của thầy Nghệ và những người ra đề là hoàn toàn có cơ sở vì rất khó (hầu như không thể) xảy ra xác suất lặp nội dung cao gần như tuyệt đối như vậy.
Cần điều tra để tìm nguyên nhân do những cá nhân tham gia quá trình xây dựng các câu trắc nghiệm (thiết kế, thử nghiệm, hiệu chỉnh), đặc biệt là khi ghép các câu trắc nghiệm vào thành đề thi gây ra hay do quy trình làm đề (thiết kế, thử nghiệm và lựa chọn đề thi) xảy ra sai lầm.
Chẳng hạn như số đề thi quá ít do các câu trắc nghiệm không đủ để thiết kế, thử nghiệm và đã để con người can thiệp vào quá trình chọn đề thi trong số lượng đề thi không nhiều... "Tất nhiên, đó là những khả năng cần nghiên cứu cụ thể để có bằng chứng mới có thể kết luận được" - ông Vinh nói.
Thí sinh sau khi làm bài tổ hợp khoa học tự nhiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Lỗ hổng từ đâu?
Theo quy định hiện hành, đề thi tốt nghiệp THPT được xây dựng dựa trên ngân hàng câu hỏi. Nếu phần mềm không rút các câu hỏi một cách ngẫu nhiên theo quy định trong Quy chế thi của Bộ GD-ĐT mà chọn từ đề thì rất dễ dẫn đến tình trạng "bất thường".
Nhà giáo Nguyễn Phương Sửu cho rằng có 3 vấn đề cần quan tâm liên quan đến sự trùng lặp "kỳ quái" tới 92,5%. Một là, khả năng có sự rò rỉ hoặc trao đổi thông tin giữa người ôn tập và người ra đề cuối cùng. Hai là, ngân hàng của Bộ GD-ĐT không phải là ngân hàng câu hỏi mà là ngân hàng đề thi.
Chuyên gia này nhấn mạnh sự khác nhau rất lớn giữa ngân hàng câu hỏi và ngân hàng đề thi. Nếu ngân hàng chỉ gồm những câu hỏi, một khi đã hòa chung với hàng vạn câu hỏi khác trong ngân hàng thì sự trùng lặp (giữa câu hỏi ôn tập và câu hỏi trong đề chính thức) hay "trúng tủ" có xác suất cực kỳ thấp.
Song, nếu là ngân hàng đề thi thì sự trùng lặp có xác suất rất cao như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ba là, cần phải đặt câu hỏi việc rút câu hỏi (mà trong trường hợp này là đề thi) có hoàn toàn ngẫu nhiên và tự động, khách quan hay không?
Thầy Đinh Đức Hiền cũng đặt nghi vấn bất thường của đề thi môn sinh xuất phát từ việc không rút câu hỏi ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi mà bằng ngân hàng đề. "Bằng chứng là 4 mã đề được chọn trùng với nội dung ôn tập của thầy Nghệ, 12 đề còn lại trùng cực kỳ ít. Điều này khiến người bình thường cũng đặt nghi vấn có sự sắp xếp ở đây" - thầy Hiền nói. Nhà giáo này cũng nhấn mạnh lỗ hổng rất lớn hiện nay chính là việc Bộ GD-ĐT đã bỏ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa ra khỏi danh mục tài liệu bí mật nhà nước.
"Quy trình ra đề hiện nay đã khá chặt chẽ, song yếu tố chính vẫn là con người. Nếu không bảo đảm đúng quy trình, đúng nguyên tắc và lương tâm thì tất yếu sẽ dẫn đến sự mất công bằng, tiêu cực sẽ xảy ra" - thầy Đinh Đức Hiền nêu ý kiến. Một chuyên gia khảo thí lâu năm cho biết thêm việc Bộ GD-ĐT không ban hành quy chế bảo mật khi xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và loại ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm ra khỏi danh mục các tài liệu liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tạo điều kiện cho việc đề thi có thể bị đưa ra ngoài ngay trước kỳ thi.
Tỉ lệ câu trùng quá lớn
Theo các chuyên gia, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng (chiếm tỉ lệ 97,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ. Trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%). Các chuyên gia cũng chỉ ra sự bất thường, đặc biệt là một câu về diễn thế sinh thái (câu số 106 đề thô được chọn) có ở cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa. Tuy vậy, câu hỏi này cũng xuất hiện trong video của thầy Nghệ; trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (chiếm tỉ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ...