Sau khi Digiworld công bố số liệu tài chính, công ty chứng khoán HSC đã cho ra báo cáo đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Theo HSC, doanh thu phân phối điện thoại di động của Digiworld đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu từ điện thoại Xiaomi đạt khoảng 1.060 tỷ đồng, tăng 480% so với cùng kỳ và đóng góp 90% trong tổng doanh thu từ điện thoại.
Đầu năm 2017, Digiworld đã thay đổi chiến lược phân phối điện thoại di động, tập trung vào các thương hiệu sử dụng dịch vụ phát triển thị trường (MES) của công ty, bắt đầu từ Xiaomi khi công ty này thâm nhập thị trường Việt Nam. Xiaomi hiện có thị phần điện thoại di động khoảng 5% và đặt mục tiêu đạt thị phần 10% vào năm 2020.
HSC cho biết thêm, gần đây Digiworld đã áp dụng chương tình bán hàng mới cho điện thoại di động có tên gọi "bán hàng chớp nhoáng" (flash sale). Digiworld đã phối hợp với các doanh nghiệp thương mại điện tử, gồm Lazada và Tiki để thực hiện flash sale cho một số mẫu điện thoại di động Xiaomi.
Với Flash sale, Xiaomi chấp nhận chi mức chiết khấu lớn để có được lượng hàng tiêu thụ cao, giành được nhiều thị phần và có được sự nhận diện thương hiệu tốt, các doanh nghiệp thương mại điện tử đánh đổi lợi nhuận lấy giao dịch còn Digiworld giảm biên lợi nhuận để đổi lại việc được thanh toán nhanh chóng.
Dùng flash sale, tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng của Digiworld giảm nhẹ xuống 5,7% so với mức 6,6% cùng kỳ năm trước. Đổi lại, các chỉ số hoạt động khác của Digiworld được cải thiện, như số ngày thu tiền từ 47 xuống 33, số ngày tồn kho từ 79 xuống 56, số ngày quay vòng vốn lưu động từ 64 xuống 51.
HSC dự báo, doanh thu phân phối điện thoại của Digiworld năm nay có thể đạt 2.256 tỷ đồng, trong đó động lực chính là dòng sản phẩm thương hiệu Xiaomi.
HSC cho rằng, thị trường MES ở Việt Nam có tiềm năng lớn, bởi lẽ khi sử dụng dịch vụ của bên cung cấp chuyên nghiệp, các nhà sản xuất có thể sử dụng sự am hiểu thị trường của đối tác, cải thiện hiệu quả bán hàng và giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, việc sử dụng MES giúp các công ty tránh được những khó khăn về khác biệt ngôn ngữ, tập quán, quy định pháp lý, thủ tục địa phương, nguồn nhân lực và tài chính.
Điều này lý giải vì sao thậm chí những tập đoàn khổng lồ như Samsung, P&G, Nestle với nguồn nhân lực và tài chính sẵn có để thực hiện các hoạt động bán hàng vẫn tìm tới các dịch vụ MES từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp.