Chiều 4-10, Công an quận 1 đã phong tỏa hoàn toàn khu vực hẻm 29 để tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ xâm phạm chỗ ở người khác xảy ra ở nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1.
Đây là nơi mà Công an quận 1 xác định ông Nguyễn Hải Nam , phó chánh án quận 4 và Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng kiểm sát TP.HCM, có hành vi xâm phạm chỗ ở của bà Hoàng Thị Thu Thảo. Bà Thảo là người đang tiến hành việc mua căn nhà trên với người đang đứng tên làm chủ sở hữu là bà Hoàng Trọng Anh Chi.
Từ một số thông tin điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Nam và Tùng về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.
Một số chuyên gia đã có những ý kiến khác nhau về tội này.
Người bảo phải là chỗ ở hợp pháp
Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác là quyền con người được quy định trong hiến pháp. Đó là “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý” (khoản 2 Điều 22 Hiến pháp năm 2013). Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở được bảo vệ bằng pháp luật hành chính, dân sự, hình sự. Luật hình sự bảo vệ quyền này thông qua quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác tại Điều 158 BLHS 2017.
Chỗ ở của người khác được hiểu là nơi ở hợp pháp thường xuyên hoặc tạm trú, cố định hoặc di động. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được thể hiện ở các loại hành vi sau đây:
- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác: là hành vi vào và khám xét chỗ ở của công dân nhằm những mục đích khác nhau mà không được sự đồng ý của người này và trái với quy định của pháp luật. Hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác được thể hiện dưới những dạng sau:
• Hành vi của người không có thẩm quyền trong việc khám xét chỗ ở của người khác nhưng đã tự tiện vào khám xét chỗ ở của người khác một cách trái pháp luật;
• Hành vi của người tuy có thẩm quyền trong việc khám xét chỗ ở của người khác nhưng đã không tuân thủ các thủ tục mà pháp luật quy định.
- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ là hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác buộc một người phải rời bỏ nơi ở của họ một cách miễn cưỡng, trái với ý muốn của họ, trừ trường hợp cưỡng chế để thi hành một quyết định hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền (như cưỡng chế để thi hành bản án dân sự về chia tài sản thừa kế, cưỡng chế để thi hành quyết định tịch thu sung công quỹ...);
- Hành vi chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ. Hành vi lấn chiếm chỗ ở của người khác bằng cách lợi dụng chủ nhà đi vắng đã tự tiện phá khóa vào ở hoặc ngăn cản người bị hại vào nơi ở của họ.
- Hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác như hành vi tự ý vào nơi ở của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ.
Trong vụ án này, cần phải xác định rõ ông Tùng và ông Nam có xâm phạm chỗ ở hợp pháp của bà Thảo và các thành viên trong gia đình hay không. “Chỗ ở hợp pháp của ai?” là điểm mấu chốt để xem xét trong vụ án này có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác hay không.
Ông Lâm Hoàng Tùng (ảnh nhỏ trên) được áp giải đến buổi thực nghiệm hiện trường chiều 4-10. Ảnh: Nguyễn Tân
Cũng theo TS Tuấn, nếu việc mua bán nhà giữa bà Thảo và bà Chi chưa hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu thì về mặt pháp lý, căn nhà trên vẫn thuộc quyền sở hữu của bà Chi. Việc bà Thảo đưa trước tiền cọc chỉ là biện pháp để đảm bảo thực hiện hợp đồng mua bán nhà này. Do chưa xác định được bà Chi có thỏa thuận cho bà Thảo vào ở căn nhà trên hay không nên chúng ta chỉ có thể dự kiến các tình huống xảy ra.
Nếu bà Chi có thỏa thuận cho bà Thảo vào ở căn nhà này (dù chưa thực hiện đầy đủ thủ tục mua bán) thì việc bà Thảo vào ở là hợp pháp. Do đó, ông Tùng và ông Nam có hành vi xâm phạm chỗ ở hợp pháp của bà Thảo và các thành viên trong gia đình nên có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Trường hợp thứ hai là nếu bà Chi không có thỏa thuận cho bà Thảo vào ở căn nhà này và bà Thảo cứ vào ở trong căn nhà này (khi hợp đồng mua bán nhà chưa thực hiện xong) thì bà Thảo vào ở là bất hợp pháp. Trong tình huống này, ông Tùng và ông Nam không có hành vi xâm phạm chỗ ở hợp pháp của bà Thảo nên không có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Việc CQĐT xác định căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở của gia đình bà Thảo dựa trên căn cứ nào thì chưa rõ. Cần lưu ý, để xử lý hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác thì chỗ ở này phải là chỗ ở hợp pháp của người bị hại. Nếu có chứng cứ xác định chỗ ở của bà Thảo là hợp pháp thì ông Tùng và ông Nam có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác thể hiện ở các hành vi: Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ và xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Người nói không bắt buộc phải “hợp pháp”
Ông Nguyễn Văn Thuận (hòa giải viên tại TAND quận Tân Phú, nguyên Chánh án TAND quận Bình Tân) cho biết khách thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
Theo thông tin ban đầu thì bà Thảo mua nhà của bà Chi và dọn đến sống từ tháng 3-2019. Nếu đúng như báo chí phản ánh, ông Tùng đã có hành vi lấy lại nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuê người tháo cửa phòng, thiết bị nội thất… mang ra khỏi nhà, thuê công ty bảo vệ đưa những người đang sinh sống trong nhà ra ngoài khi không có sự đồng ý của bà Thảo thì hành vi này có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Điều 158 quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác liệt kê bốn nhóm hành vi. Người nào thực hiện một trong bốn nhóm hành vi đã liệt kê là xâm phạm chỗ ở của người khác. Điều luật chỉ nói “chỗ ở” chứ không nêu “chỗ ở hợp pháp”, vì vậy “hợp pháp” không phải là bắt buộc. Các cơ quan tố tụng không được diễn giải, tự thêm bớt từ ngữ vào. Hơn nữa, muốn biết hợp pháp hay không hợp pháp thì đó là tranh chấp quan hệ dân sự, phải trải qua quá trình giải quyết tại tòa án và do tòa phán quyết nếu các bên không thỏa thuận được.
Luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh: “Cấu thành tội này luật không quy định hợp pháp hay không mà là chỗ ở của họ bị xâm phạm, không phải xâm phạm quyền sở hữu tài sản cũng không phải xâm phạm quyền sử dụng nhà. Thậm chí có thể là chỗ đó, nhà đó xây dựng không phép hoặc lấn chiếm gầm cầu, mượn, ở nhờ không trả... nhưng là nơi ở của họ. Việc cưỡng chế phải do cơ quan có thẩm quyền theo trình tự luật định”. Nếu thấy việc ở nhà mình không trả hoặc chiếm hữu bất hợp pháp thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc tự ý cưỡng chế họ ra khỏi nhà vẫn có thể phạm tội này.
Dính tội vì tự ý dỡ nhà người khác...
Vợ chồng ông T. (Hưng Yên) có bảy con gái, phần ông T. còn có hai con trai riêng với bà H. Năm 1977, vợ chồng ông T. có xây căn nhà cấp bốn để ở, sau này bà H. và hai con trai cũng sống chung trong căn nhà này, các con gái đi lấy chồng sống nơi khác.
Năm 2013, sau khi hai con của bà H. được cha tặng cho và được UBND huyện cấp giấy chủ quyền, bà H. tiếp tục ở trong căn nhà cấp bốn nêu trên.
Bấy giờ, lấy lý do xây nhà thờ cho cha mẹ mình, hai con gái của ông T. đã đập phá căn nhà mà bà H. đang sinh sống, chỉ còn sót lại phần móng nhà. Hay tin, con trai bà H. ngăn cản và dựng lại một phần nhà bị đập trên móng nhà cũ cho mẹ anh tiếp tục ở.
Năm 2015, khi bà H. không có mặt ở nhà thì hai người con gái lại đến nhà và tự ý chuyển toàn bộ đồ sinh hoạt của bà H. (tủ quần áo, bếp gas…) ra ngoài đường. Khi bà H. và con trai phát hiện, ngăn cản thì hai người con gái vẫn không dừng lại mà tiếp tục tháo dỡ toàn bộ căn nhà. Tiếp đó, hai người con gái đã thuê thợ xây dựng lên căn nhà mới rồi khóa cửa nhà, rào xung quanh không cho bà H. vào ở nhà mới.
Án phúc thẩm năm 2018 của TAND tỉnh Hưng Yên đã xử y án sơ thẩm, tuyên phạt một người con gái chín tháng tù treo, một người 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo khoản 1 Điều 124 BLHS 1999.
Minh Anh