Năm 1928, Hoàng gia Anh thành lập điền trang Downham ở phía Đông Nam London. Tất cả những ngôi nhà lúc ấy đều được trồng thêm cây Trinh đằng (còn được gọi là cây thường xuân Mỹ, là một loại giống dây leo thuộc họ nho) như đặc điểm nhận dạng của điền trang, giúp những căn nhà trông ấn tượng hơn.
Lúc đó là thời trị vì của ông nội Nữ hoàng Elizabeth II - Vua George V.
Vào năm 1984, ông Michael và bà Teresa Lye chuyển đến điền trang này, quyết định mua một căn nhà ở đây với giá 24.000 bảng Anh. Vì chủ cũ của ngôi nhà đã dời đi được một thời gian, cây dây leo không có ai cắt tỉa nên bao phủ cả một góc ngôi nhà, thậm chí bò lan vào phía bên trong.
Căn nhà lọt thỏm trong mớ cây thường xuân nằm ở Bromley, phía Đông Nam London, của ông bà Michael - Teresa Lye (ảnh nhỏ) trở thành một địa điểm check-in quen thuộc. Ảnh: Daily Mail
Ông Michael (75 tuổi, từng làm việc trong lĩnh vực nhà ở xã hội) nhớ lại: "Khi chúng tôi đến xem ngôi nhà, một vài cửa sổ bị vỡ, dây leo bò khắp tường và lấn cả vào nhà". Bà Lye (72 tuổi) kể thêm rằng lúc bước vào phòng, dây leo bò trên trần nhà và dọc theo các bức tường.
Tuy nhiên, thay vì dỡ bỏ đám dây leo, ông bà Michael và Teresa Lye lại thấy ngôi nhà thật đáng yêu. Thế nên, hai vợ chồng quyết định để nguyên cho chúng tiếp tục mọc, chỉ cắt tỉa gọn gàng và sơn sửa lại tường nhà, cửa sổ.
Ông bà Michael và Teresa Lye là chủ nhân của ngôi nhà gây chú ý. Ảnh: Daily Mail
Gần 40 năm trôi qua, ngôi nhà hiện giờ được phủ kín bởi cây thường xuân. Các chuyên gia làm vườn khuyên can rằng dây leo đó phát triển rất nhanh và có thể sẽ lại phá hỏng ngôi nhà.
Theo trang homebuilding.co.uk, Đạo luật nông nghiệp của Vương quốc Anh liệt kê loài thực vật này là một loài xâm lấn không bản địa, khuyến cáo những người làm vườn tránh trồng nó. Đây là loài cây dây leo rụng lá, lá có màu đỏ và cam nổi bật vào mùa thu, có màu xanh vào mùa xuân và mùa hè.
Mặc dù thế, hai vợ chồng vẫn quyết định để chúng mọc tự nhiên, thỉnh thoảng mới nhờ người quen đến tỉa tót những chiếc lá che kín cửa sổ.
Bên ngoài căn nhà. Ảnh: SWNS
Ông bà Michael và Teresa tiết lộ mục đích thật sự khiến họ kiên quyết giữ lại dây leo này: đó là vì dây leo giống như tấm chắn cách nhiệt, giúp ngôi nhà giữ được sự ấm áp vào mùa đông mà không cần dùng đến máy sưởi.
Bà Lye nói: "Ngôi nhà rất đẹp và ấm áp. Ở bất cứ phòng nào cũng có hơi ấm tràn ngập. Đó là lý do tại sao chúng tôi có một chiếc quạt ở đây. Vào mùa đông, thậm chí có những ngày sẽ hơi ngột ngạt một chút".
Ông bà Michael và Teresa Lye. Ảnh: SWNS
Trang Yahoo dẫn nghiên cứu về những tòa nhà được bao phủ bởi thực vật (hay được gọi "tường sống") của Đại học Plymouth cho thấy "tường sống" giảm 30% nhiệt lượng thất thoát từ công trình, giúp cải thiện chất lượng không khí, tăng đa dạng sinh học và hấp thụ âm thanh.
Dù được xem là một giải pháp thú vị trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đồng thời là cách thức bảo vệ môi trường, nhưng ông Michael phải thừa nhận cách này không đuổi kịp chi phí nhiên liệu mỗi ngày một tăng. Ông Michael cứ nghe đến hóa đơn tiền điện và gas là ngán ngẩm.
Theo tờ The Independent, khi được hỏi rằng liệu hai vợ chồng có sợ những con bọ sẽ bay từ cửa sổ vào không, ông Michael hóm hỉnh trả lời: "Không đâu. Vì vợ tôi ngủ há miệng rất lớn nên chúng tôi hoàn toàn ổn".
Căn nhà được dây leo bao phủ nằm ở khu Bromley (phía Đông Nam London), đã trở thành một địa điểm nổi tiếng của địa phương và thường xuyên xuất hiện trên các nhóm cộng đồng trên Facebook như một nơi nhất định phải đến khi ghé qua địa phương này. Mỗi tuần đều có người đi ngang phải dừng lại để chụp một kiểu ảnh với ngôi nhà. Và ông bà Michael và Teresa Lye vô cùng vui vẻ vì điều đó.