Ngày 30/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, tại Việt Nam, tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.
Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch xanh cũng song hành với nhiều khó khăn và thách thức; đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. "Trong khi các số liệu vĩ mô chỉ ra bức tranh tươi sáng của tương lai xanh, thì một số nhóm cộng đồng có nguy cơ đối mặt với tác động tiêu cực của quá trình chuyển dịch, bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng nói.
Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh. Trong đó, tính bao trùm ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.
Ở cấp độ địa phương, tính đến năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của các vùng kinh tế có sự phát triển không đồng đều. Kéo theo đó, năng suất lao động cũng phân cực mạnh. Một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất cao, như: Bà Rịa - Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người/năm), TPHCM (305,5 triệu đồng/người/năm), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người/năm).
Trong khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động rất thấp, như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người/năm), Bến Tre (75 triệu đồng/người/năm). Sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương còn lớn.
GS, TS. Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, nguy cơ bị gạt ra ngoài lề, đối mặt với nhiều rủi ro. Ông Long cho rằng, nguy cơ “già trước khi giàu” là hiện hữu nếu thu nhập không được cải thiện nhanh chóng.
Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào thì việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm. Hiện, Việt Nam thuộc một trong những nước có tốc độ dân số già hóa nhanh (xét theo vị thế của một nước có thu nhập trung bình).
PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore - cảnh báo, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trên con đường đến tăng trưởng xanh. Điều đó trước hết thể hiện ở mặt tư duy còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng bao cấp, xin-cho, dựa quá nhiều vào mô hình truyền thống. Năng lực kiến tạo giá trị của Việt Nam cũng đang là vấn đề khi nguồn lực, năng lực, nỗ lực lớn nhưng lại chưa có chiến lược bài bản, chưa có động lực để làm tốt.
Trong bối cảnh đó, tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá là rất quan trọng. Ông Khương nhấn mạnh, nếu không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm.