Chị là Hồ Thị Phương Thảo, sinh năm 1981, quê ở Đại Lộc, Quảng Nam. Năm 6 tuổi, chị không may bị tai nạn khiến chân chị bị nhiễm trùng. Tuổi thơ của chị Thảo là chuỗi ngày đằng đẵng trong bệnh viện để chữa trị vì vết thương tái phát liên tục. Bệnh tật, ở viện nhiều hơn ở nhà khiến chị không có cơ hội để đến trường. Nhờ có bố mẹ là giáo viên nên chị được chỉ dạy cách đọc, viết, tính toán. Sách là cả thế giới của chị lúc đó.
Chị Hồ Thị Phương Thảo, chủ nhà hàng Happy Heart |
Đến năm 2001, do nhiễm trùng quá nặng, bác sỹ quyết định cắt một phần đôi chân của chị, từ đó cuộc đời chị gắn bó với đôi nạng.
Bước ngoặt của cuộc đời chị khi quyết định ra Đà Nẵng tìm việc làm. Chị Thảo nhớ lại: “Trở về nhà sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần đôi chân, tôi đã rất đau buồn. Vô tình nghe mọi người nói từ nay con Thảo sẽ là gánh nặng của ba mẹ nó suốt đời, tôi càng thương ba mẹ hơn, không muốn điều họ nói là thật nên lấy đó làm động lực.
Khi có một tổ chức hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tôi đã đăng ký ngay. Mặc dù không biết ra Đà Nẵng sẽ làm gì nhưng tôi vẫn muốn đi để tìm việc làm, kiếm tiền lo cho bản thân”.
Ra Đà Nẵng, chị bắt đầu cuộc sống tự lập, làm tất cả mọi việc. Chị xin vào làm tại tiệm bánh, cafe của cô chú người nước ngoài, đây cũng là nơi có nhiều người câm điếc, khiếm thính làm việc.
Anh Phan Tài Toàn (sinh năm 1979), bị câm điếc bẩm sinh. Anh có nhiều năm làm việc cùng chị Thảo. Anh Toàn có thể vừa phục vụ, thu ngân, kiêm đầu bếp. |
Ban đầu chị được phân công giao thực đơn cho khách, nhận gọi món. Sau đó, chị được giao chăm sóc khách hàng, đào tạo nhân viên, kết nối với người nhà của các bạn nhân viên câm điếc…Trong thời gian làm việc tại đây, chị Thảo đã tự mày mò học tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc.
Năm 2015, vợ chồng chủ nhà hàng quyết định trở về nước và sang nhượng lại cho chủ mới. Tuy nhiên, chủ mới muốn thay đổi lại mô hình khiến những nhân viên khuyết tật như chị đứng trước nguy cơ mất việc.
Không muốn mọi người bị thất nghiệp, chị tìm đến một người bạn Canada và được anh đồng ý mở nhà hàng với mô hình như trên để tạo việc làm cho người khuyết tật, câm điếc. Happy Heart chính thức ra đời từ đó và chị Thảo được anh tin tưởng giao quản lý nhà hàng.
Nhà hàng được nhiều khách nước ngoài ghé qua sử dụng dịch vụ |
Sau hơn 2 năm hoạt động khá suôn sẻ, đối tác của chị cũng muốn bán lại Happy Heart để về nước, một lần nữa không muốn bỏ rơi các bạn nhân viên và tâm huyết của mình trong bao nhiêu năm qua nên chị Thảo dùng toàn bộ số tiền tích cóp, vay mượn bạn bè để mua lại nhà hàng và trở thành bà chủ của Happy Heart.
Cuối năm 2019, chị chuyển nhà hàng về khu phố Tây An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) để kinh doanh.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng của chị Thảo có 15 nhân viên làm việc, hầu hết là người câm điếc. Điều đặc biệt là những người câm điếc được chị đào tạo, giao các công việc chính, gồm 4 đầu bếp, 2 người làm bánh mì, 2 người pha cafe.
“Tôi ưu tiên đào tạo các bạn câm điếc vì muốn các bạn có nghề, dù không làm ở đây thì các bạn vẫn có thể đi làm việc ở chỗ khác hoặc mở một tiệm bánh ngọt, quán cafe nhỏ của riêng mình”, chị Thảo cho hay.
Theo chị Thảo, việc đào tạo, hướng dẫn các bạn câm điếc, khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn bởi các bạn ít có điều kiện để được học bài bản và việc tiếp nhận thông tin bị hạn chế. Để các bạn tuân thủ nguyên tắc, nề nếp, phong cách làm việc chuyên nghiệp cần mất nhiều thời gian.
Nhân viên của nhà hàng đều là người khuyết tật |
“Đổi lại, các bạn rất chăm chỉ, luôn dành hết tình yêu khi chế biến món ăn cho khách. Sau khi khách ăn, các bạn luôn nhờ tôi hỏi khách cảm nhận như thế nào, có vừa lòng không”, chị Thảo cười nói.
Rồi khó khăn nữa khi có một số vị khách lần đầu đến quán, không biết nhân viên bị điếc, gọi nhưng nhân viên không nghe thấy nên phàn nàn với thái độ phục vụ. Những lúc như vậy chị Thảo luôn có mặt để hỗ trợ, giải thích cho khách hiểu.
“Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao không làm thông báo nhà hàng có người câm điếc làm việc để khách biết, ủng hộ nhưng tôi không làm vậy vì muốn các bạn câm điếc, khiếm thính nhận ra được giá trị riêng của các bạn, để các bạn nỗ lực đứng trên đôi chân của chính mình.
Hơn nữa, khi khách vào tôi không muốn khách hàng cảm thấy như đang hỗ trợ từ thiện, mà không quan tâm món ăn ngon hay dở. Tôi muốn họ đến và trải nghiệm đích thực, ăn những món ăn ngon, dịch vụ, phục vụ như những chỗ khác”, chị Thảo cho hay.
Dịch Covid-19 bùng phát, chị Thảo vẫn cố gắng cầm cự, duy trì. Chị chấp nhận lỗ để các nhân viên câm điếc có việc làm.
2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Thảo vẫn chấp nhận lỗ, duy trì nhà hàng để những người khuyết tật có việc làm. |
“Dù nhìn xung quanh bao nhiêu nhà hàng đóng cửa, tôi vẫn có niềm tin là mình sẽ vượt qua được. Tôi cứ nghĩ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn thì nhà hàng mình mạnh mẽ hơn.
Dịch Covid-19 khiến người nước ngoài về nước, nhà hàng bị mất đi một lượng khách lớn nhưng số khách mới cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Nhiều khách cách xa vài chục km, ở tận resort trong Quảng Nam cũng liên hệ đặt hàng món ăn. Bạn bè, khách hàng luôn quan tâm, ủng hộ nên mình có động lực để bước tiếp”, chị Thảo tâm sự.
Nói về kế hoạch sắp tới, chị Thảo cho biết, chị sẽ mở rộng lò bánh mì để đào tạo, giúp đỡ nhiều bạn khuyết tật hơn. Chị hi vọng, Happy Heart sẽ trở thành mái nhà cho các bạn khuyết tật, giúp các bạn học nghề, kỹ năng, ngôn ngữ giao tiếp để có thể hoà nhập với xã hội.
“Thành công của tôi không phải là nhà hàng có nhiều tiền mà chính là giúp các em nhân viên có kỹ năng, mạnh mẽ, tự tin hơn khi đi ra ngoài, hoà nhập cộng đồng. Các em làm việc và thấy được giá trị của mình”, chị Thảo bày tỏ.