Năm 2017 đã khép lại và thị trường chứng khoán đã nêu năm cái tên giàu có nhất trên sàn chứng khoán.
Lọt vào tốp tỉ phú thế giới
Đứng đầu danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC).
Trên thế giới, ông Vượng được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ước tính khoảng 4,2 tỉ USD. Đây là năm thứ năm ông có tên trong danh sách tỉ phú thế giới. Tại Việt Nam, ông đang sở hữu giá trị tài sản 119.000 tỉ đồng từ việc nắm 817 triệu cổ phiếu VIC.
Giá trị tài sản chỉ bằng một nửa người đứng đầu nhưng ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC với giá trị tài sản gần 59.000 tỉ đồng, vẫn được xếp thứ hai trong bảng danh sách.
Đáng chú ý, vị trí nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán của bà Phạm Thu Hương trong nhiều năm đã bị thay thế bởi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà lãnh đạo hãng bay giá rẻ VietJet, đồng thời nắm cả vị trí phó chủ tịch HĐQT HDBank, đang sở hữu khối tài sản lên đến 24.700 tỉ đồng.
Bà Phương Thảo xếp ở vị trí thứ ba và đây cũng là lần đầu tiên bà lọt vào tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Bà Phương Thảo cũng được tạp chí Forbes ghi nhận là tỉ phú thứ hai của Việt Nam với khối tài sản ước đạt 2,4 tỉ USD, xếp vào danh sách 1.000 tỉ phú trên thế giới.
Xếp vị trí thứ tư là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, với khối tài sản là 17.800 tỉ đồng.
Nhưng bất ngờ nhất có lẽ chính là vị trí thứ năm với một cái tên mới toanh là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vicostone (mã chứng khoán VCS), sở hữu 13.200 tỉ đồng.
Việc ông trở thành người giàu thứ năm lại không quá lạ khi giá trị giao dịch cổ phiếu trên thị trường của VCS đạt mức 228.000-257.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn cả cổ phiếu Vinamilk rất nhiều, trong khi ông Năng sở hữu đến 55,1 triệu cổ phiếu này.
Ba người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt. Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trịnh Văn Quyết và ông Phạm Nhật Vượng. Ảnh: TL
Dấu ấn cá nhân
Hai người đứng đầu trong danh sách đều nằm ở lĩnh vực bất động sản và đã hưởng lợi rất lớn từ thị trường bất động sản đang tăng trưởng tốt từ đầu năm đến giờ. Nhưng vẫn có thể dấu ấn cá nhân trong việc lãnh đạo và thực thi các chiến lược kinh doanh để dẫn dắt công ty ở vị thế hàng đầu là không thể phủ nhận.
Với VIC, ông Phạm Nhật Vượng đã gầy dựng được thương hiệu trong lĩnh vực bất động sản từ trung tâm thương mại, nhà ở, chung cư cho đến khách sạn. Từ nền tảng này, VIC còn lấn sân sang các mảng kinh doanh khác như y tế, giáo dục, bán lẻ, giải trí, nông nghiệp và ô tô.
Mặc dù là người đến sau nhưng bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã xây dựng một hãng bay giá rẻ có khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng với các hãng bay tên tuổi và bắt đầu lấn sân trên thị trường nước ngoài.
Sự thành công của VietJet một phần được bà Thảo xây dựng bằng cách áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến theo tiêu chuẩn ngành hàng không thế giới. Bà dám chấp nhận bỏ tiền thuê tư vấn nước ngoài để xác định được năng lực và khả năng vận hành của công ty so với thế giới.
Ông Trần Đình Long đã dẫn dắt Hòa Phát từ một công ty nhỏ trở thành một thương hiệu mạnh trong ngành thép bằng hệ thống quản trị bài bản. Đồng thời được đánh giá là có chiến lược đầu tư hợp lý khi xây dựng chuỗi giá trị khép kín trong ngành.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nhân sở hữu khối tài sản ngày càng lớn còn nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017. Mỗi lần giá trị cổ phiếu gia tăng là khối tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán sẽ tăng theo một cách tương ứng.
Chẳng hạn, nhờ vào việc tăng giá cổ phiếu và tỉ lệ sở hữu cổ phần cao nên khối tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng trong năm 2017 đã tăng lên 88.000 tỉ đồng; hay như ông Trịnh Văn Quyết cũng đã kiếm thêm hơn 21.000 tỉ đồng so với năm 2016.
Lên sẽ có xuống
Một số chuyên gia phân tích, hiện nay việc xếp người giàu nhất trên sàn chứng khoán bằng cách lấy tỉ lệ sở hữu cổ phiếu nhân với thị giá để ra tổng giá trị tài sản. Trong khi tính xác thực giá trị tài sản nhiều khi không hoàn toàn chính xác.
Đặc biệt, cần chú ý là có lên ắt có xuống và thực tế có nhiều người bị loại ra khỏi danh sách tốp 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Bầu Đức là một điển hình.
Chọn đầu tư nông nghiệp sai thời điểm, vay nợ nhiều, sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, sản phẩm làm ra rớt vào chu trình thấp điểm… dẫn đến thị trường chứng khoán đã phản ứng tiêu cực với cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai. Điều này khiến bầu Đức phải rời khỏi nhóm những người giàu trên sàn.
Hơn nữa, việc đổi ngôi vị giàu có trên sàn sẽ diễn ra nhanh chóng nếu các yếu tố không mấy tích cực tác động lên thị trường chứng khoán.
Trong đánh giá của mình, ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng cảnh báo: Mặc dù có nhiều cơ sở để lạc quan về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng vẫn cần luôn theo dõi để phòng ngừa rủi ro, những nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư.
“Khó ai có thể đoán trước được diễn biến bất thường và ảnh hưởng của tình hình đàm phán Brexit, tình hình Triều Tiên, Trung Đông hay nạn khủng bố, khủng hoảng nhập cư… đến phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên.
Nợ xấu của ngân hàng chưa thể xử lý một sớm một chiều và nguy cơ lạm phát cao vẫn luôn rình rập. Hệ lụy từ hiệu quả hoạt động thấp của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn cần thời gian khắc phục. Những rủi ro đó là hiện hữu và khó tiên đoán” - ông Dũng chia sẻ.
Một năm thăng hoa
Thị trường chứng khoán năm 2017 đã khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng. Sau một năm thăng hoa, số người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá trên 1.000 tỉ đồng đã vượt quá con số 50.
Nếu như năm 2016, chỉ cần sở hữu tối thiểu 2.500 tỉ đồng là đã đủ để đứng trong tốp 10 người giàu nhất thì năm 2017 tiêu chuẩn đã tăng gần gấp đôi, lên 5.000 tỉ đồng.
Tổng tài sản tốp 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017 đã lên đến 390.000 tỉ đồng (17,2 tỉ USD), tăng 150% so với cùng kỳ.
Danh sách người giàu trên sàn chứng khoán chủ yếu vẫn là những ông chủ trong lĩnh vực bất động sản. Trong khi tại nhiều nước, danh sách người giàu liên tục thay đổi vì có nhiều công ty công nghệ có khả năng tạo ra những thành công đột biến.