Tối qua (12/1), tập 20 chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn và thú vị. Chương trình tuần này dành một phần thời gian để tưởng nhớ cố NSND Tào Mạt, nhà soạn kịch tài hoa, người được mệnh danh là Vua chèo đất Bắc, kế thừa xuất sắc nghệ thuật chèo Việt Nam.
Cố NSND Tào Mạt
NSND Tự Long là người từng đóng các vở chèo của NSND Tào Mạt cách đây gần 20 năm.
Khi chương trình phát lại một trích đoạn chèo Bài ca giữ nước do NSND Tự Long đóng (vai quan tri châu), anh đã tỏ ra vô cùng bất ngờ và thốt lên: "Thằng nào ấy nhỉ?". Các nghệ sĩ khác cũng cười thích thú khi thấy Tự Long diễn chèo.
Bản thân NSND Tự Long khá ngạc nhiên và ngượng ngùng khi xem lại hình ảnh của mình cách đây 20 năm. Anh chia sẻ:
"Mọi người biết nhiều tới Nhà hát chèo Quân đội nhưng không biết NSND Tào Mạt là người đứng sau. Đây cũng là người đầu tiên viết chèo pho của Việt Nam, với tập chèo bộ ba Bài ca giữ nước.
Chèo Việt Nam có 7 vở nhưng đều là những vở sưu tầm từ mấy trăm năm trước, tập hợp lại mà thành, như vở Quan Âm Thị Kính, vở Lưu Bình Dương Lễ… Chỉ duy nhất bác Tào Mạt là người viết được bộ chèo pho từ trước đến nay.
Trích đoạn vở chèo cách đây 20 năm của NSND Tự Long
Trích đoạn vừa rồi tôi diễn là trích đoạn Lột mũ áo quan tri châu, trích trong tập 2 bộ Bài ca giữ nước. Tôi đóng trích đoạn trong clip đó cách đây cũng hai mươi năm rồi. Lúc đó, nhìn tôi vẫn còn trẻ con và gầy".
MC Lại Văn Sâm nghe vậy liền thốt lên: "NSND Tào Mạt không những viết kịch bản giỏi mà còn giỏi nhìn người. Ông chọn được đúng người để đưa Tự Long vào như thế cũng hay đấy. Bản chất của Tự Long bộc lộ sớm thế à?".
NSND Tự Long ngượng ngùng đáp: "Không phải, do tôi được truyền vai lại thôi chứ không phải NSND Tào Mạt chọn. NSND Tào Mạt có một cái giỏi là viết chèo theo phong cách riêng.
Bác ấy đã sưu tầm, chỉnh lý và đưa vào chèo những bài hát mang hơi thở của nhiều vùng miền đất nước. Bác ấy làm phong phú nghệ thuật chèo.
Phản ứng của NSND Tự Long khi thấy mình cách đây 20 năm
Trong bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước có một trích đoạn kinh điển, hoàn hảo, để lại nhiều giá trị phản ánh kinh khủng. Đó là trích đoạn Chôn hề. Nhân vật chính ở trích đoạn này là một tên hề già.
Tên hề này từ lúc trẻ đã được vào cung, ở đến tận lúc già, chứng kiến sự thay đổi của đất nước, con người.
Thông qua vai hề này, bác Tào Mạt nói nên nỗi lòng của người nghệ sĩ. Rằng ở đời nào nghệ sĩ vẫn là nghệ sĩ, nhưng dưới áp lực của mỗi chế độ, nghệ sĩ lại được đối xử một cách khác nhau. Bác ấy nói nên nỗi khổ, sự vất vả của người nghệ sĩ.
Vài tên hề kinh điển này được thể hiện thành công bởi NSND Ngọc Viễn. Cô ấy là người nữ duy nhất đóng được vai hề từ lúc trẻ tới lúc già. Điều này rất hay.
Tên hề già này về sau bị kẻ xấu vu oan cho tội ăn cắp để chôn sống. Đó là lí do vì sao trích đoạn này có tên Chôn hề. Đoạn tên hề bị chôn sống, chưa một diễn viên chèo nào thể hiện hay như cô Ngọc Viễn.
Bởi vậy, tôi mong cô Ngọc Viễn sẽ diễn lại đoạn bị chôn đó. Hôm nay chương trình không báo trước cho tôi, chứ biết trước thì tôi sẽ đóng luôn vai kẻ đi chôn tên hề".
Xuất hiện người từng được diện kiến đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu trên truyền hình
NSND Tự Long vừa dứt lời thì NSND Ngọc Viễn xuất hiện. Cô hồi bồi kể lại thời gian mình cùng NSND Tào Mạt đến nhà đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu và giáo sư Đặng Thai Mai để xin ý kiến viết kịch bản cho bộ chèo Bài ca giữ nước:
NSND Ngọc Viễn
"Tôi bắt đầu đóng vai hề già này từ năm 1979, đến 2012 là 32 năm. Tôi còn nhớ, từ lúc chú Tào Mạt bắt đầu dựng vở đầu tiên, chú lai tôi bằng cái xe đạp không phanh không chuông, cùng một bạn học trò và con gái chú.
Bốn người chúng tôi trên một chiếc xe đạp, đi sang gặp cụ Đặng Thai Mai để xin ý kiến cụ và được cụ đưa cho một quyển sách để về đọc rồi viết.
Sau đó, thầy trò tôi lại về thăm cụ Tố Hữu để xin ý kiến. Từ nhà cụ Tố Hữu, chú lai chúng tôi tới nhà đại tướng Võ Nguyên Giáp để hỏi.
Tôi kể ra đây để mọi người thấy, chú Tào Mạt đã kỳ công thế nào để thai nghén được ra tác phẩm chèo Bài ca giữ nước này".
Nhiều khán giả tỏ ra ngưỡng mộ câu chuyện của NSND Ngọc Viễn vì trước mặt họ là người từng được diện kiến đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu và giáo sư Đặng Thai Mai – những người có tầm ảnh hưởng lớn đến nước nhà.