Theo kết quả khảo sát toàn quốc do NPR/PBS News/Marist công bố ngày 5/10, Phó tổng thống Kamala Harris giành được 50% tỷ lệ ủng hộ trong nhóm cử tri có nhiều khả năng sẽ đi bỏ phiếu, trong khi đối với ông Donald Trump là 48%. Bà Harris hiện vẫn dẫn trước ông Trump nhưng khoảng cách 2 điểm phần trăm vẫn chỉ nằm trong phạm vi sai số cho phép.
Trong cuộc thăm dò được Fox New thực hiện vào 2 tuần trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump cũng thua đối thủ Hilary Clinton 3 điểm phần trăm. Song, kết quả bỏ phiếu năm đó đã đưa cựu Tổng thống tới thẳng phòng Bầu dục.
Nhiều nhà quan sát nhận định rằng, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay đã chạm tới “nút chết” khi không ứng viên nào tạo ra được ấn tượng đủ mạnh đối với cử tri, đủ để bỏ xa người còn lại trên các bảng thăm dò dư luận.
Những “bất ngờ tháng 10” trên đường đua Tổng thống
Chiến thắng có lẽ sẽ được quyết định với một cách biệt nhỏ nhất. Mỗi một cử tri mới quyết định tham gia, mỗi một cử tri còn do dự bị thuyết phục, đều có thể giúp cho một đấu thủ tung cú đấm hạ đo ván đối phương. Trong bối cảnh ấy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của những “bất ngờ tháng 10” đối với chính trường Mỹ.
Thuật ngữ “bất ngờ tháng 10” đã xuất hiện trong từ điển chính trị Mỹ gần nửa thế kỷ trở lại đây, chỉ những cuộc khủng hoảng hoặc bê bối chính trị có khả năng tạo nên những bước ngoặt mới trên chặng cuối của đường đua tranh cử.
Năm 2024 là một năm đầy biến động với nền chính trị Mỹ. Cuộc chiến ở Gaza đang có nguy cơ mở lan rộng, khi lực lượng Israel tăng tốc giao tranh với lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon và Iran đã phóng hàng trăm tên lửa vào Israel vào đầu tuần này.
Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thấy hồi kết hơn hơn 2 năm giao tranh khi cả Moscow và Kiev không tìm thấy tiếng nói chung trong các thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây trong chuyến thăm Washington hồi cuối tháng 9, bất chấp những lời cảnh báo hạt nhân cứng rắn từ phía Điện Kremlin có thể đẩy xung đột tiếp tục leo thang.
Hai cuộc chiến này đang gây ảnh hưởng lớn đến cục diện bầu cử tại Mỹ, buộc chính quyền ông Biden - bà Harris phải thận trọng trong mỗi quyết sách, nếu không muốn đối thủ Trump chiếm được lợi thế.
Trong khi cơn bão xung đột từ bên ngoài biên giới chưa kịp suy yếu, thì vào tuần trước, con bão Helene đã “xé toạc” hai bang chiến trường Georgia và Bắc Carolina. Do khu vực này đang nhận được nhiều sự chú ý trong cuộc đua năm nay, một thảm họa nhân đạo khiến hơn 130 thiệt mạng cũng nghiễm nhiên trở thành một vấn đề chính trị lớn.
Trận "so găng" tại Georgia và North Carolina
Phó Tổng thống Kamala Harris đã cam kết viện trợ dài hạn cho người dân địa phương khi dừng chân tại Georgia vào đầu tuần này và đã đến thăm những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão ở Bắc Carolina vào cuối tuần trước.
Cùng thời điểm, ông Trump cũng gặp Thống đốc Georgia Brian Kemp để thảo luận về những nỗ lực phục hồi sau cơn bão Helene, đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau bốn năm nhằm hòa giải mối bất hòa công khai giữa họ. Sau thất bại hồi năm 2020, cựu Tổng thống đã gọi điện cho ông Kemp, hối thúc ông thuyết phục các nhà lập pháp địa phương đảo ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden tại bang. Tuy nhiên, Thống đốc Georgia đã thẳng thừng từ chối.
Nếu ông Trump có thể bắt tay với người đứng đầu bang Georgia thì đó là một mối nguy lớn với bà Harris. Nhiều nhà quan sát nhận định, ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris có vẻ như “muốn nẫng tay trên” của đối thủ Trump tại hai tiểu bang này nhưng mục tiêu này có vẻ tương đối khó thực hiện. Chiến thắng tại Georgia và Bắc Carolina sẽ đem về 32 phiếu đại cử tri cho bất kỳ ứng viên nào giành được chúng.
Đối với ông Trump và đảng Cộng hòa, Georgia và Bắc Carolina về cơ bản đều là các tiểu bang “phải thắng”, song các cuộc thăm dò vẫn cho thấy hai ứng viên đang “ngang tài ngang sức”. Đây là một sự thay đổi lớn so với thời điểm đầu tháng 7 khi ông Trump thường được đánh giá cao hơn người kế nhiệm Biden trong các cuộc thăm dò khu vực.
Trong lần xuất hiện ở Georgia, cựu Tổng thống tuyên bố rằng người Mỹ đang mất tiền cứu trợ khẩn cấp vì chính quyền đương nhiệm đã dành số tiền này cho dân di cư. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh lượng người nhập cư không có giấy tờ tại biên giới Mỹ-Mexico đang tiếp tục gia tăng trở lại. Trên thực tế, hai chương trình riêng biệt có ngân sách riêng và đảng Dân chủ cũng lên tiếng cáo buộc đảng Cộng hòa đã phát tán "những lời nói dối trắng trợn" về vấn đề này.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump vẫn có thể tác động phần nào tới niềm tin của cử tri, trong bối cảnh thiệt hại sau bão vẫn chưa hoàn toàn được xử lý. Bất kỳ sự bất mãn nào của cử tri với nỗ lực phục hồi của chính phủ đều có khả năng ảnh hưởng đến kết quả ở hai trong số những tiểu bang đang thu hút nhiều sự quan tâm nhất cả nước.
Các cuộc xung đột ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ
Hy vọng về bất kỳ lệnh ngừng bắn nào nào ở Gaza hay cơ hội diễn ra hội nghị hòa bình có sự tham gia của Nga-Ukraine trước ngày bầu cử dường như đã bị dập tắt hoàn toàn. Hiện tại, Nhà Trắng đang nỗ lực kiềm chế hết mức có thể khả năng leo thang xung đột ở cả hai mặt trận này.
Việc chính quyền ông Biden-bà Harris tiếp tục cung cấp vũ khí Israel có thể nhận được phản ứng không mấy tích cực từ nhóm cử tri Mỹ gốc Ả Rập và các cử tri trẻ quan tâm đến vấn đề này. “Không ai muốn làn sóng phản chiến xuất hiện bên ngoài các địa điểm bỏ phiếu trong tháng 11 như cách chúng đã lan rộng khắp các khuôn viên đại học Mỹ hồi tháng 4”, nhà báo Anthony Zurcher của đài BBC nhận định.
Ngoài ra, xung đột ở Trung Đông cũng làm gia tăng lo ngại về vấn đề tài chính. Việc ông Biden đề cập đến khả năng Israel sẽ nhắm mục tiêu vào các nhà máy lọc dầu của Iran đã khiến giá dầu Mỹ tăng hơn 5% ngày 5/10.
Ông Zurcher cho rằng, một đòn tấn công vào kinh tế sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến kết quả bầu cử.
Nhìn chung, các cuộc thăm dò dư luận tiếp tục cho thấy kinh tế thu hút được nhiều sự quan tâm từ cử tri Mỹ. Trong khi kinh tế vẫn được coi là lợi thế của ông Trump, bà Harris và đảng Dân chủ vừa nhận tin tốt vào tuần trước khi số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%. Cuộc khảo sát mới nhất của Cook Political Report tại các tiểu bang dao động cũng chỉ ra rằng hai ứng cử viên lưỡng đảng đang giữ vị trí ngang nhau trên bảng xếp hạng trong việc xử lý lạm phát.
Tuy nhiên, Giáo sư David Greenberg từ Đại học Rutgers – một chuyên gia nghiên cứu về chính trị Mỹ, mối quan tâm của cử tri về nền kinh tế không chỉ dừng lại ở số liệu trên bảng thống kê.
“Dù những con số trên bảng thống kê cho thấy nền kinh tế nhìn chung đang tăng trưởng đều, vẫn có những khu vực bị tụt lại phía sau. Khi cử tri phàn nàn về vấn đề kinh tế, họ thực chất đang phàn nàn về những thất bại dài hơi hơn ở những khu vực như vậy - những cộng đồng phi công nghiệp hóa ở nông thôn. Đó là nút thắt khó tháo gỡ đối với bất kỳ ứng viên nào”, ông Greenberg nói.