Bất ngờ số nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI da giày lớn nhất Việt Nam sắp cắt giảm 3.000 công nhân

Nhã Mi |

Theo Bộ Tài chính, trong hai năm 2020-2021, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đều lỗ sau thuế, số lỗ năm sau cao hơn năm trước.

Bất ngờ số nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI da giày lớn nhất Việt Nam sắp cắt giảm 3.000 công nhân - Ảnh 1.

Ảnh: VGP

Theo báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính, trong hai năm 2020-2021, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đều lỗ sau thuế, số lỗ năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2020, số lỗ của doanh nghiệp này là hơn 800 tỷ đồng. Năm 2021, số lỗ của doanh nghiệp này tăng lên hơn 1.100 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, cả hai năm, doanh thu của công ty này vẫn ở mức cao. Năm 2020, doanh thu của Pouyuen Việt Nam đạt hơn 25.000 tỷ đồng; năm 2021 vẫn đạt hơn 19.900 tỷ đồng.

Nếu như năm 2020, số nộp ngân sách nhà nước của Pouyuen Việt Nam năm 2020 là 99 tỷ đồng, thì sang năm 2021 đã giảm tới 70%, chỉ còn 29 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất giày dép gặp khó khăn trong năm 2021 do dịch Covid-19 và giãn cách xã hội. Những doanh nghiệp này chịu thiệt hại lớn do phải ngừng, giảm sản xuất hoặc bị khách hàng huỷ đơn hàng xuất khẩu… Như vậy, Pouyuen Việt Nam cũng không tránh khỏi biến động chung của toàn ngành khi thể hiện sự suy giảm rõ rệt về kết quả kinh doanh.

Bộ Tài chính nhận định, dù chiếm có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng khu vực FDI vẫn tồn tại nhiều vấn đề như sử dụng vốn bằng vay nợ, đóng góp ngân sách chưa cao so với doanh thu và tính lan toả thấp... Dù tăng trưởng tổng tài sản của doanh nghiệp FDI năm 2021 so với năm 2020 tăng trên 1 triệu tỷ đồng, trên 13%, song tốc độ tăng của nợ phải trả của doanh nghiệp FDI cũng cao 14,7%.

Điều này cho thấy sự mở rộng tài sản của doanh nghiệp FDI đến từ khoản nợ nhiều hơn là từ nguồn vốn của nhà đầu tư, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Mặt khác, dù số nộp ngân sách năm 2021 của khu vực FDI tăng 9,3% so với năm trước song tốc độ tăng nộp ngân sách của FDI chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp FDI, cho thấy mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của họ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2021, đã có hơn 20.600 doanh nghiệp FDI công bố lỗ luỹ kế và lỗ mất vốn chủ sở hữu, trong đó hơn 16.250 doanh nghiệp là bị lỗ luỹ kế (chiếm 62% số doanh nghiệp) tăng 8% so với năm trước và số lỗ hơn 706.100 tỷ đồng. Cùng đó, hơn 4.400 doanh nghiệp bị lỗ mất vốn chủ sở hữu (chiếm 17% doanh nghiệp), số lỗ hơn 162.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Riêng trong năm 2021, số doanh nghiệp FDI báo lỗ là gần 14.300 doanh nghiệp, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp), tăng 11% so với năm 2020 và số lỗ hơn 168.300 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, dù có doanh thu và lợi nhuận trước thuế cao nhất khối FDI, song lại đang có số lỗ luỹ kế và lỗ mất vốn chủ sở hữu cao nhất, tổng số lỗ tính đến hết năm 2021 là trên 547.800 tỷ đồng.

Trong đó, hơn 6.140 doanh nghiệp báo lỗ luỹ kế (chiếm 38% tổng số doanh nghiệp báo lỗ luỹ kế), số lỗ hơn 464.800 tỷ đồng, (chiếm 66% tổng lỗ luỹ kế).

Có hơn 1.480 doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu (chiếm trên 34% số doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn), số lỗ là 83.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 51% tổng giá trị doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn).

Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, Công ty PouYuen Việt Nam sản xuất phụ liệu giày; vốn 100% Đài Loan (Trung Quốc); tổng số lao động hiện nay là 50.563 người. Với số lao động này, PouYuen là công ty da giày lớn nhất Việt Nam và quy mô lao động lớn nhất tại TP. HCM.

Do ít đơn hàng sản xuất nên năm 2023 Công ty PouYuen Việt Nam sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động hết hạn) với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 năm.

Công ty cũng đã trao đổi với Công đoàn cơ sở dự kiến trong tháng 2/2023 sẽ cắt, giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D (công nhân bị giảm lao động sẽ không làm việc nữa nhưng vẫn được Công ty chi trả lương cho đến khi nhận chế độ).

Về chế độ chính sách cho công nhân lao động thuộc đối tượng giảm lao động, Công đoàn cơ sở đề nghị công ty chi trả cho toàn bộ thời gian công nhân lao động làm việc tại công ty, mỗi năm làm việc 1 tháng tiền lương. Ban Giám đốc Công ty PouYuen Việt Nam tại Việt Nam đã đồng ý với đề xuất của Công đoàn cơ sở, nhưng hiện đang chờ ý kiến của tập đoàn mẹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại