Việt Nam nhận rất nhiều sự quan tâm từ phía doanh nghiệp Mỹ
Chia sẻ tại buổi họp báo chiều 21/3, Chủ tịch USABC cho biết, Việt Nam tăng trưởng cao bất chấp những khó khăn sau đại dịch COVID-19 là một trong những lý do quan trọng thu hút doanh nghiệp Mỹ.
Theo ông Ted Osius, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng giữa hai bên để hợp tác. Trong đó, có việc sẵn sàng đa dạng hoá chuỗi cung ứng về vấn đề an ninh, quốc phòng và các vấn đề khác của nền kinh tế.
Ông Ted Osius - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (thứ 3 từ trái qua) trả lời tại buổi họp báo (ảnh: NM).
Báo giới đặt câu hỏi vì sao phái đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam dịp này đông nhất từ trước đến nay? Liệu có phải là dấu hiệu cho thấy một làn sóng dịch chuyển đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam?
Trả lời vấn đề này, ông Ted Osius cho biết, trên thế giới có quan ngại suy thoái, còn Việt Nam vẫn tăng trưởng 8% năm ngoái và năm nay dự kiến tăng trưởng 6%. Có rất nhiều quan sát tới khu vực sôi động này.
“Rất nhiều sự quan tâm từ phía doanh nghiệp Mỹ. Chưa bao giờ chúng tôi bận như bây giờ”, ông Ted Osius nói và tiết lộ, nhiều công ty Mỹ trước chưa quan tâm đầu tư thì bây giờ cũng quan tâm hơn trước sự tăng trưởng của Việt Nam.
Theo Chủ tịch USAB, một số quốc gia trong khu vực trước thấy “phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam” và nay thấy Việt Nam là điển hình về tăng trưởng, cơ hội.
Ông Michael W. Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao của Hội đồng kiêm Giám đốc điều hành khu vực - nói thêm, đại dịch dẫn đến tăng nhu cầu về số hoá, mở rộng cho sự quan tâm của Mỹ đến Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng cũng tăng lên sau đại dịch.
Các "đại bàng" nói gì?
Được biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, có 52 công ty Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Boeing, Apple, Meta, Pfizer, SpaceX, Amazon Web Services, Apple, Bay Global Strategies, Bell...
Tham dự họp báo, đại diện AES – một tập đoàn về năng lượng lớn của Mỹ có mặt trong phái đoàn này – cũng cho biết, họ quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.
“Năng lượng sẽ tiếp tục chiếm vị trí trọng tâm trong các cuộc thảo luận của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam. Tiến bộ trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam”, đại diện AES nhấn mạnh.
Khi trả lời câu hỏi vì sao tham gia phái đoàn này, đại diện Meta cho biết, nền kinh tế Việt Nam thực sự chuyển đổi và có điểm mạnh về chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam cũng là quốc gia mà đại diện tập đoàn này tin “vào tương lai phát triển”. “Chúng tôi tin vào một tương lai cực kỳ sáng lạn”, đại diện Meta nói.
Trong khi đó, Tập đoàn Boeing cho biết họ quan tâm tới lĩnh vực hàng không bền vững. Các cuộc thảo luận tới sẽ tập trung vào các cách khử cacbon cho ngành hàng không, mang lại hiệu quả hoạt động và con đường tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo với trọng tâm là nhiên liệu hàng không bền vững và công nghệ tiên tiến.
Đại diện của UPS, cho biết đã và đang kết nối các doanh nghiệp tại Việt Nam với khách hàng và các cơ hội trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua. Chúng tôi tự hào góp phần sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, ông Squall Wang - Giám đốc điều hành UPS Việt Nam nói.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách và đối tác trong toàn ngành logistics để phát huy những thành tựu đã đạt được và tạo ra một môi trường giao thương đem đến sự tăng trưởng bền vững, cùng có lợi cho tất cả mọi người trong dài hạn”, ông Squall Wang nói.