Bất ngờ hé lộ số tiền Sai Gon Co.op đã bỏ ra để thâu tóm chuỗi 18 siêu thị Pháp thuộc top Fortune 500 trong thương vụ M&A đình đám 2019

Trọng Nghĩa |

Đây là một thương vụ M&A đình đám khi lần đầu tiên doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận lại một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới.

Chuỗi bán lẻ cùng thời với VinMart, sau 5 năm thua lỗ đành ngậm ngùi rời Việt Nam

Năm 2015, tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail có mặt tại Việt Nam gần như cùng thời điểm với sự ra đời của hệ thống siêu thị VinMart (nay là WinMart). Với nền tảng được thành lập từ năm 1960, hệ thống siêu thị Auchan được xem là một trong những thương hiệu bán lẻ lớn nhất của Pháp.

Chiến lược của Auchan khi vào Việt Nam là chọn cách bắt tay với các tập đoàn bất động sản lớn, hợp tác xây dựng siêu thị ngay tại chung cư của chủ đầu tư. Ở miền Nam, Auchan hợp tác với CT Group để mở siêu thị tại các chung cư như I-Home ở Gò Vấp, chung cư Lê Thành ở Bình Tân; hay nhà phát triển bất động sản khác tại các chung cư như Sunny Plaza Gò Vấp, Era Town quận 7, Useful Tân Bình…

Tại thị trường miền Bắc, Auchan hợp tác với Công ty Cổ phần Hóa Dầu Quân Đội (Mipec) mở siêu thị đầu tiên tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên, Hà Nội.

Giữa năm 2018, ông Jean-Manuel Cros, Giám đốc nhân sự của Auchan Retail Việt Nam khi đó từng khẳng định lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ này. Cho đến tháng 10/2018, Auchan thậm chí còn đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên 300 trong vòng 4 năm tiếp theo, tập trung chính ở Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên, đến cuối năm đó, sau khi đánh giá lại thị trường, công ty mẹ Auchan đã buộc phải cắt giảm một số thị trường không sinh lời, trong đó có Việt Nam. Khó khăn tại Việt Nam là do Auchan không tìm được mô hình kinh doanh phù hợp.

Mặc dù là một tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới nằm trong danh sách Fortune 500 với gần 330.000 nhân viên làm việc ở khoảng 900 đại siêu thị, 860 siêu thị mini và 370 trung tâm thương mại trên 17 quốc gia, sau ba năm chính thức khai trương siêu thị đầu tiên, tính đến cuối năm 2018, Auchan cũng chỉ mới có 21 cửa hàng tại Hà Nội, Tây Ninh và TP.HCM.

Ở thời điểm khi Auchan quyết định rút khỏi Việt Nam vào giữa năm 2019, con số này chỉ còn 18 cửa hàng, tạo ra doanh thu 45 triệu EUR và thua lỗ.

Bất ngờ hé lộ số tiền Sai Gon Co.op đã bỏ ra để thâu tóm chuỗi 18 siêu thị Pháp thuộc top Fortune 500 trong thương vụ M&A đình đám 2019- Ảnh 1.

Chuỗi bán lẻ Auchan

Vài tháng sau đó, đến tháng 5/2019, Auchan Retail công bố về kế hoạch thoái vốn tại Việt Nam, đối tác nhận chuyển nhượng là Saigon Co.op. Không tiết lộ giá trị chuyển nhượng nhưng phía Saigon Co.op thông tin với truyền thông cho biết, hai bên đã thỏa thuận hoàn tất về giá. Saigon Co.op sẽ quản trị thương hiệu Auchan tại Việt Nam đến đầu năm 2020.

Toàn bộ hệ thống, nhân sự, hàng hóa của Auchan tại Việt Nam được Saigon Co.op quản lý. Các thành viên của Auchan sẽ được chuyển đổi sang thành viên của Saigon Co.op theo nguyện vọng. Hai nhà bán lẻ cũng cho biết sẵn sàng thảo luận để mở ra cơ hội hợp tác khác trong tương lai.

Bất ngờ hé lộ số tiền Sai Gon Co.op đã bỏ ra để thâu tóm chuỗi 18 siêu thị Pháp thuộc top Fortune 500 trong thương vụ M&A đình đám 2019- Ảnh 3.

Lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận lại một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới

Sau khi tiếp nhận 18 siêu thị của Auchan, bên mua đã khai trương mới các điểm bán này dưới định danh siêu thị Co.opmart, Co.optra, Finelife.

Giá trị thương vụ là bao nhiêu?

Thương vụ M&A đình đám này từng được quan tâm nhiều trong năm 2019, tuy nhiên, thời điểm đó giá trị thương vụ không được tiết lộ. Các bên truyền thông chỉ dẫn lời giới chuyên môn phân tích đây không hẳn là thương vụ M&A đầu tư để bán, mà “tháo chạy” khỏi thị trường, mang tính thanh lý hàng tồn, nên nhận định mức giá (có lẽ) thấp.

Về mặt lý thuyết, nếu Auchan xây dựng chuỗi để bán, thì Saigon Co.op không đủ sức để mua. Hơn nữa, vì là doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Saigon Co.op không dễ tham gia một thương vụ M&A.

4 năm sau khi Auchan đã về tay Saigon Co.op, tại Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023, giá trị của thương vụ này đã được tiết lộ. Theo đó, Báo đầu tư thông tin giới thiệu về thương vụ này như sau: "Năm 2019, Saigon Co.op đã đạt thỏa thuận chuyển giao tất cả hoạt động bán lẻ Auchan tại thị trường Việt Nam với tổng giá trị lên tới 150 triệu USD".

Bất ngờ hé lộ số tiền Sai Gon Co.op đã bỏ ra để thâu tóm chuỗi 18 siêu thị Pháp thuộc top Fortune 500 trong thương vụ M&A đình đám 2019- Ảnh 5.

Chuỗi bán lẻ Co.opmart

Saigon Co.op - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM là đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart, một trong những chuỗi bán lẻ Việt có tuổi đời hơn 30 năm và thị phần lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi tiếp nhận Auchan, hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op rất thuận lợi. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của chuỗi bán lẻ này đạt trên 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại thị trường TP.HCM, doanh thu của hệ thống Co.opmart chiếm trên 45% thị phần ở kênh siêu thị.

Song song với chuỗi Co.opmart, Saigon Co.op phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại như cửa hàng thực phẩm Co.op Food, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers,… phủ kín hầu hết các phân khúc bán lẻ trước sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà bán lẻ ngoại.

Năm 2022, Saigon Co.op đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ vào doanh số chung của đơn vị.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ: “Kết quả kinh doanh năm 2022 và Tết Quý Mão 2023 chứng minh Saigon Co.op tiếp tục là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Năm 2023, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử và logictics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại