Khi cánh cửa lập nghiệp quê nhà quá hẹp, nhiều người ở vùng nông thôn đã ồ ạt rời quê lên thành phố mang theo khát vọng về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, không phải ai cũng may mắn được về quê cha đất tổ, cùng nhau sum vầy với gia đình và người thân.
Mới đây, một tài khoản Tiktok đã chia sẻ câu chuyện cụ ông đã 39 năm không được về quê ăn Tết chỉ vì một chữ "nghèo", nhìn mọi người lỉnh kỉnh đồ đạc, rộn ràng về quê, những giọt nước mắt tủi thân, chạnh lòng của ông cứ thế lăn dài.
Được biết, theo chia sẻ trong video, cụ ông rời quê đi mưu sinh từ năm 1984, trong chiếc thuyền tạm bợ trên sông là nơi mà hai vợ chồng ông tá túc suốt nhiều năm qua. Từ hồi lên thành phố, ông không có công việc ổn định nào, cứ lay lắt ai thuê gì làm đó, không đủ xoay sở các chi phí. Ấy vậy mà cũng ráng trụ được tới giờ.
Chiếc thuyền tạm bợ trôi trên sông là nơi hai vợ chồng ông bà đang sinh sống
“Điều kiện của tôi không có, muốn về cũng không được. Sắp tới 19 này mỗi người anh em trong nhà phải đóng góp tiền để sửa sang mộ tổ mà tôi không có. Nói thật là về nó khó lắm. Mình về người không thì rất dở. Tôi quá muốn về nhưng vì mình nghèo…” Ông cụ nghẹn ngào tâm sự.
Vì hoàn cảnh, nhiều năm qua hai vợ chồng ông chưa thể về quê đón Tét.
Suốt 39 năm qua, không biết bao nhiêu lần ông gạt đi những giọt nước mắt khi thấy mọi người lỉnh kỉnh đồ đạc, quà bánh, lần lượt về quê đoàn tụ cùng gia đình, còn hai vợ chồng ông thì ở lại. Trái tim ông như nhói lại khi nghĩ tới cảnh người thân ở quê mong ngóng những ngày đầu năm khi mình chẳng thể nào về.
Ông kể rằng quê ông ở Phú Xuyên (Hà Nội). Với ông ngày giỗ tổ cũng là ngày giỗ người bố mình, nên hôm đó còn vui còn hơn cả Tết khi vừa có thể về nhà, vừa được thăm lại người thân, anh em họ hàng. Khuôn mặt phúc hậu của ông khi nói về gia đình, quê hương đã lộ rõ sự hạnh phúc, niềm vui và cả những nỗi nhớ nhung, khắc khoải của một người con xa quê nhiều năm.
Nụ cười rạng rỡ và phúc hậu của ông khi nhắc đến nơi "chôn rau cắt rốn"
Vỡ òa trong niềm hạnh phúc
Biết hoàn cảnh của ông, một anh chàng tốt bụng đã đứng ra hỗ trợ, giúp ông hoàn thành ước mong của mình. Khi hay tin có người sẽ giúp mình về quê, ông vui lắm. Đây như một phép màu xảy ra khiến ông vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Ngay từ sáng sớm, anh chàng đã chạy đến chiếc thuyền lụp xụp để gọi ông nhanh ra bến xe, kịp lên chuyến xe khách. Lần này về nhà, bà không đi cùng nên ông chỉ đi một mình. Trên chiếc xe đạp rất cũ, ông đèo bà ra bến xe rồi sau đó bà sẽ tự đạp về.
Hình ảnh hai vợ chồng ông bà trên chiếc xe đạp đã cũ khiến nhiều người phải xúc động.
Vì ông không có giấy tờ tuỳ thân hay điện thoại di động để liên lạc nên bà còn cẩn thận xin số điện thoại của anh chàng đó, rồi ghi vào tờ giấy, để trong túi áo khoác. Dù không theo ông về nhưng có lẽ bà cũng rất vui vì chồng của mình đã có cơ hội về quê hương sau suốt 39 năm ròng rã.
“Tôi cũng không bao giờ nghĩ là có ngày này. Hôm nay là ngày quá hạnh phúc. Cả đêm qua tôi không ngủ được”. Ông tâm sự.
Ngay sau khi câu chuyện này được chia sẻ rộng rãi đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía mọi người. Ai cũng cảm động và thương xót với hoàn cảnh khó khăn, số phận nghiệt ngã của hai ông bà. Nhưng đồng thời cũng làm sáng lên tình thân giữa những con người không cùng máu mủ.
Đối với những người lao động nghèo phải mưu sinh nơi xa xứ, Tết đến xuân về là khoảng thời gian hiếm hoi để mọi người nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, cũng là dịp để đoàn viên gia đình. Những người lao động ở nơi xa mong được về quê hương để đón Tết cùng bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt, họ hàng, người thân là mong muốn chính đáng và đáng trân trọng.