Bất mãn vì ở nhà chống COVID-19, dân Mỹ biểu tình đòi ngừng giãn cách xã hội

Thi Anh |

Hàng trăm người biểu tình Mỹ hô hào phản đối quyết định kéo dài thời hạn lệnh "ở nhà an toàn hơn" để chống COVID-19.

"Hãy cho chúng tôi làm việc!

Các cuộc biểu tình yêu cầu chấm dứt các biện pháp yêu cầu công dân ở nhà đang lan tới Texas trong khi thống đốc New York nhận định, có thể bang này đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất.

Theo Reuters, nhiều người Mỹ đã bắt đầu có hành động phản đối trước các biện pháp mà nước này đang áp dụng để kiểm soát sự lây lan của COVID-19.

Ngày 18/4, hàng chục người biểu tình đã tụ tập ở thủ phủ Austin của Texas và hô vang: "Nước Mỹ! Nước Mỹ!", "Hãy cho chúng tôi làm việc!"

Ở Brookfield, Wisconsin, hàng trăm người biểu tình hô hào trong khi đứng dọc theo một con đường lớn và vẫy cờ Mỹ để biểu tình phản đối quyết định kéo dài thời hạn lệnh "ở nhà an toàn hơn" của bang này.

Trước đó, nhiều cuộc biểu tình lẻ tẻ đã nổ ra ở thủ phủ của Ohio, Minnesota, Michigan và Virgina. Reuters cho biết, người biểu tình phần lớn đều không tuân thủ quy định giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang - đi ngược lại khuyến cáo của giới chức y tế..

Mới đây, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy đã chỉ trích 1 quan chức ở Quận Atlantic vì bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội về tác động từ quyết định đóng cửa đối với nền kinh tế địa phương, vốn phụ thuộc vào các sòng bài casino. Đại diện Jim Curcio giải thích rằng các bình luận của ông chỉ là quan điểm cá nhân.

"Tôi đã sống ở đây cả cuộc đời và khi rơi vào suy thoái, có vẻ như chúng tôi là đối tượng cuối cùng vượt qua. Người dân bị ảnh hưởng nặng nề và những người dễ bị tổn thương thì hứng chịu nhiều nhất", Curcio nói với Reuters, "Những chuyện đang diễn ra đối với khu vực tư khiến tôi đau lòng".

Tín hiệu tích cực

Hơn 22 triệu người Mỹ đã nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp trong tháng vừa qua khi quyết định đóng cửa doanh nghiệp và trường học, cùng những giới hạn di chuyển nghiêm ngặt tác động nặng nề tới nền kinh tế.

Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu của Đại học Washington cho thấy, việc tuân thủ chặt chẽ các biện pháp được áp đặt trên 42/50 bang của Mỹ là 1 nguyên nhân chủ chốt đằng sau những tín hiệu tích cực về số người tử vong do COVID-19 ở Mỹ.

Theo mô hình này, tính đến ngày 4/8 có khả năng sẽ có 60.308 người tử vong do COVID-19 ở Mỹ, giảm 12% so với dự báo trước đó.

Một số bang, bao gồm Ohio, Michigan, Texas và Florida, tuyên bố, họ đang hướng tới mục tiêu mở cửa lại một phần nền kinh tế, có lẽ khoảng 1/5 hoặc sớm hơn nhưng vẫn cẩn trọng.

Thống đốc Florida Ron DeSantis đã cho mở cửa lại một vài bãi biển kèm theo một số quy định hạn chế từ tối 17/4 nhưng trường học vẫn đóng cửa và tiếp tục học từ xa trong thời gian còn lại của năm học.

Thống đốc Texas Greg Abbot cũng kéo dài thời gian đóng cửa trường học tới cuối năm học.

Reuters cho hay, một số bang không ban hành lệnh yêu cầu người dân ở nhà đã cho thấy sự ra tăng rõ rệt trong số ca bệnh mới.

Các chuyên gia y tế cho rằng, để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai khi người dân quay trở lại làm việc, thì cần phải có sẵn các biện pháp xét nghiệm mở rộng để theo dõi lây nhiễm, cũng như theo dõi tiếp xúc và xét nghiệm kháng thể nhằm tìm hiểu xem ai đã bị nhiễm bệnh trước đó và có thể có sức đề kháng.

Trong khi đó, New York, nơi ghi nhận gần 1/2 số ca COVID-19 ở Mỹ, đã có những tín hiệu tích cực.

New York ngày 18/4 có 540 trường hợp tử vong do COVID-19, giảm so với con số 630 ca trước đó 1 ngày và cũng là số ca tử vong thấp nhất được ghi nhận trong 1 ngày ở bang này kể từ 1/4. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực và sử dụng máy thở cũng giảm.

"Nếu bạn nhìn vào 3 ngày vừa qua, bạn có thể cho rằng chúng ta đã qua đỉnh và chúng ta đang bắt đầu giảm, đó là 1 tin rất tốt", Thống đốc New York Andrew Cuomo nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ là nước có nhiều ca bệnh nhất thế giới, với hơn 720.000 ca mắc COVID-19 và hơn 37.000 người tử vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại