Những vụ scandal liên tiếp có dính dáng tới du khách nước ngoài thời gian gần đây đã khiến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
Vụ anh chàng lơ xe đuổi du khách người Pháp khỏi xe bằng thái độ hung hăng thậm chí còn dẫn tới rất nhiều bài viết lớn từ các blogger du lịch nổi tiếng. Họ khuyên du khách không nên sử dụng xe bus trong hành trình khám phá Việt Nam.
Trong cơn giận dữ của các du khách nước ngoài, một lời xin lỗi chân thành dù không thể giải quyết dứt điểm vấn đề, nhưng cũng phần nào xoa dịu và thể hiện lòng hiếu khách của người Việt.
Có lẽ xuất phát từ suy nghĩ này, người Việt trở nên ưa thích việc kéo nhau vào xin lỗi du khách một cách thái quá. Nếu chỉ là một lời xin lỗi thì không phải là vấn đề lớn.
Tôi có thể ngay lập tức trích ra một ví dụ về sự thiếu tự nhiên khi chúng ta kéo nhau vào xin lỗi du khách: Một anh chàng người Úc chụp ảnh đống rác mà ai đó đã đổ trộm trước cửa căn hộ anh thuê tại Tây Hồ, Hà Nội. Dĩ nhiên caption đi theo là sự khó chịu.
Lập tức, một người Việt nhảy bổ vào post của anh ta: "Oh, I am sorry". Theo cách suy nghĩ bình thường, anh bạn Úc hỏi lại: "Tại sao bạn lại xin lỗi. Bạn đổ rác vào nhà tôi à".
Anh bạn Việt kia lúng túng đáp trả: "Không, tôi không đổ, tôi chỉ thay mặt người Việt xin lỗi anh".
"Tôi hiểu bạn muốn nói gì. Nhưng không cần phải xin lỗi việc mà bạn không hề làm. Tôi không nghĩ bạn có thể thay mặt kẻ đã đổ rác vào nhà tôi cũng như cả đất nước bạn", anh bạn Úc trả lời.
Bây giờ chuyển sang một ví dụ khác. Chính tôi trong chuyến đi công tác tại Ukraine bị taxi lừa gạt mất gấp 3 lần khoản tiền cần trả để đi từ sân bay về trung tâm. Tôi đem chuyện này kể cho một vài người địa phương, và đoán xem họ phản ứng thế nào.
Họ không hề xin lỗi tôi. Họ chỉ "cảm thấy đáng tiếc vì sự việc đó đã xảy ra". Tại sao chúng tôi phải xin lỗi thay cho một tên lừa gạt?
Một vài người thậm chí còn gọi tôi là "một du khách thiếu kỹ năng". Thay vì than vãn, tốt hơn hãy coi đó là một bài học để không bao giờ bị lừa thêm lần nữa.
Sự khác biệt là quá rõ ràng. "Quyền lựa chọn ở trong tay bạn. Nếu bạn chọn sai thì đó là lỗi của bạn, không phải lỗi của đất nước đó", đây là câu nói nổi tiếng của một blogger về du lịch nổi tiếng.
Hơn thế nữa, có một điều mà chúng ta cần làm rõ ở đây: du khách nước ngoài, hay đơn giản hơn thì gọi họ là "tây" thực tế cũng chỉ là con người giống chúng ta. Họ có thể đến từ những đất nước văn minh hơn Việt Nam, nhưng không có nghĩa là họ thuộc tầng lớp cao hơn chúng ta.
Khoảng 1 tuần trước, trang Facebook khá nổi tiếng của những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam từng tranh cãi dữ dội câu chuyện: Một anh Tây đã lớn tiếng mắng mỏ và thậm chí còn đánh một bác xe ôm già vì người này cố tình đi ngược chiều.
Đa phần bình luận đều chỉ trích thái độ của vị khách tây này và cho rằng, anh ta không thể tự cho mình cái quyền trừng phạt người tham gia giao thông thay thế pháp luật được. Một vài phân tích sâu hơn cho rằng, anh ta tự coi mình thuộc tầng lớp cao hơn và được phép lên mặt với những người bản địa có phần kém văn minh hơn nơi anh ta sinh ra.
Tôi là một thành viên rất có thâm niên của Couch Surfing (một tổ chức lớn chuyên đón tiếp du khách) và nhờ đó, tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều du khách. Rất nhiều người vẫn giữ được sự lịch thiệp và trân trọng trước sự trọng thị của người Việt.
Hãy đối xử với du khách bằng sự hiếu khách, trọng thị, nhưng đừng nhún nhường, tự ti!
Tuy nhiên cũng không ít vị khách phương xa coi Việt Nam là môi trường lý tưởng để quậy phá, để phạm pháp.
Tâm lý này được tạo thành chính nhờ những người Việt đội tây lên đầu. Bất kể đúng sai thế nào, tây cứ phàn nàn là tây đúng, và sẽ lập tức có những người đổ xô kéo vào xin lỗi. Vô tình thiện ý của chúng ta trở thành một dấu hiệu cho sự yếu đuối, kém cỏi.
Vậy nên, hãy đối xử với du khách bằng sự hiếu khách, trọng thị, nhưng đừng nhún nhường, tự ti…