Theo bài công bố trên Astrophysical Journal Letters, đáng tiếc rằng tín hiệu radio (vô tuyến) được ghi nhận có thể không đến từ một nền văn minh ngoài Trái Đất, mà đến từ hiện tượng gọi là "tương tác phụ Alfvénic"
Ảnh đồ họa mô tả siêu Trái Đất là nguồn phát tín hiệu radio mà địa cầu đã bắt được, cùng với ngôi sao mẹ cực gần của nó - Ảnh: Danielle Futselaar
Hành tinh bí ẩn đó là một siêu Trái Đất mang tên Gliese 1151b, có khối lượng gấp 2,5 lần hành tinh chúng ta. Nó quay quanh một sao lùn M4.5 nằm cách chúng ta 26 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Đại Hùng Tinh. Gliese 1151b quay cực gần sao mẹ, chỉ cần 2,02 ngày là đi hết một vòng.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư Duvrath Mahadevan từ Khoa Thiên văn và vật lý thiên văn Đại học Bang Pennsylvania cho biết các hành tinh có quỹ đạo gần sao mẹ như thế sẽ bị "nhúng" trong một cơn gió sao được từ hóa từ vành sao đang mở rộng.
Bản thân hành tinh cũng làm nhiễm loạn dòng chảy của gió sao từ hóa, tạo nên nguồn năng lượng lớn tác động ngược lại sao mẹ.
Tương tác đầy năng lượng này là nguyên nhân phát xạ vô tuyến trở nên cực kỳ mạnh mẽ, đến mức một hành tinh ở cách xa như Trái Đất cũng bắt được.
Theo Sci-News, phát hiện thú vị này là nhờ công của LOFAR, là một siêu kính viễn vọng vô tuyến mảng tần số thấp đặt tại Hà Lan. Các nhà khoa học đã dùng thêm nhiều thiết bị quan sát khác từ Mỹ và châu Âu để xác nhận siêu Trái Đất bí ẩn này: Máy truy tìm hành tinh có thể sống được (HPF) đặt trên Kính viễn vọng 10m Hobby-Eberly tại Đài Quan sát McDonald, máy quang phổ HARP-N tại Đài Thiên văn Gallileo và Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh TESS của NASA.