Chia sẻ với Infonet về thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho hay, tình hình thị trường bất động sản sau đợt dịch bệnh dù đang trong nhịp hồi nhưng còn rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Việt Nam Thịnh Vượng: Thị trường còn khó khăn đến sang năm
Mặc dù thị trường bất động sản đang trong nhịp phục hồi sau đại dịch, nhưng thị trường nhìn chung sẽ khó khăn so với năm 2019, đặc biệt sang năm 2021 thị trường bất động sản vẫn sẽ tiếp tục gặp khó.
Khi nguồn cầu giảm, giá nhà có giảm nhưng giảm không đáng kể bởi thuế đất 2020 đã tăng, nhiều tỉnh thành đã tăng khung thuế đất nên đầu vào của chủ đầu tư đã bị tăng, chưa kể những dự án M&A cũng phải mua lại với giá cao.
Thông thường, khi thị trường có chuyển biến xấu thì giá nhà sẽ không tăng, vì thế để các chủ đầu tư giảm giá nhà thì rất khó.
Chủ đầu tư chỉ có thể tăng thêm khuyến mại, hỗ trợ lãi suất hay quà tặng cho người mua nhà, chứ khó giảm giá. Mặt khác, để những nhà đầu tư cũ có biên lợi nhuận thì xu hướng của các chủ đầu tư làm dự án sẽ phải tăng giá.
Thế nhưng thị trường thứ cấp sẽ có thể giảm giá bởi thị trường này bị ảnh hưởng bởi cung cầu nhiều hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của batdongsan.com.vn: Chung cư, nhà riêng vẫn có sự tăng trưởng tốt
Ông Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản những tháng cuối năm có thể sẽ diễn biến theo 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, theo dự báo lạc quan của Chính phủ, khi nền kinh tế có thể tăng trưởng từ 4,4-5,2% và đến tháng 4/2020 chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh và các đối tác thương mại sẽ phục hồi trong quý 3.
Theo đó, giá bất động sản ít biến động, không có sự giảm giá. Các loại hình bị ảnh hưởng nhiều chỉ là những loại hình bất động sản đầu tư, căn nhà mặt phố có giá trị lớn hay đất nền dự án. Còn với những bất động sản như chung cư, nhà riêng vẫn có sự tăng trưởng tốt.
Khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức 4,4-5,2% thì những bất động sản đầu tư cũng như khu vực đất nền giá rẻ vẫn có thể thu hút được sự quan tâm đáng kể trong 6 tháng cuối năm.
Kịch bản thứ hai, kém lạc quan hơn khi nền kinh tế tăng trưởng từ 3,6 - 4,4% và các đối tác thương mại chỉ phục hồi vào quý 4/2020. Giá bất động sản 6 tháng cuối năm có thể giảm nhẹ, nhưng mức giảm chỉ dưới 5%. Các loại hình bất động sản đầu tư vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Còn các bất động sản để ở bị ảnh hưởng ít nhất khi thu hút được nhiều nhu cầu ở thực của người mua nhà như chung cư bình dân, trung cấp hay nhà riêng vừa túi tiền.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Phân khúc căn hộ khó giảm giá, chỉ có thể đi ngang
Thị trường bất động sản nói chung ảm đạm, người mua chưa xuống tiền, băn khoăn về giá, có trường hợp còn chờ giảm giá, còn người bán lại không thể giảm giá nhiều, nếu chỉ giảm vài phần trăm thì chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục người mua.
Tuy nhiên, cũng có một số phân khúc vẫn phát triển mạnh như các khu vực sân bay Long Thành, một phần của Đồng Nai kéo tới Phú Mỹ... thị trường này trước đây chưa tăng mạnh nhưng hiện lại đang được nhiều dự án hạ tầng dồn dập tới như sân bay, đường cao tốc hay sự chuyển dịch về khu công nghiệp.
Ông Hiển cho rằng, phân khúc căn hộ khó giảm giá, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, giá chỉ có thể đi ngang. Còn phân khúc đất nền ở những vùng ven mà người ta kỳ vọng về hạ tầng để tăng giá nhưng không đưa vào dòng tiền được thì có khả năng sẽ giảm, nhất là những miếng đất lớn mà họ ôm ở những vùng không có động lực.
Nhà phố chưa giảm giá nhưng chịu áp lực giảm giá rất lớn khi nhiều mặt bằng bị khách thuê trả lại và khó tìm được khách thuê mới dù đã giảm giá 30% giá thuê, thậm chí có nơi giảm đến 50% giá thuê.