Dịch bệnh kéo dài, nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi để có thể ‘bắt đáy thị trường’, liệu thị trường bất động sản có sắp giảm giá, ‘cắt lỗ’ mạnh thời gian tới?
Chia sẻ với PV Infonet, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sàn Việt An Hòa, cho hay, dịch bệnh xảy ra lần này là lần thứ 4 nên đối với bên bán hàng họ đã có kinh nghiệm hơn từ những đợt dịch trước.
80% nhà đầu tư chuyên nghiệp đã có phương án phòng ngừa rủi ro nếu dịch kéo dài 1-2 tháng sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Mặc dù dịch bệnh nhưng theo chuyên gia, đất nền, nhà liền thổ chưa có hiện tượng ‘cắt lỗ’, chỉ có hiện tượng giảm giá. (Ảnh minh họa)
Với người đi mua, họ kỳ vọng sẽ mua được bất động sản giá tốt trong đợt dịch này bởi bất động sản vẫn là kênh đầu tư hàng đầu.“Vì thế, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng hiện tại trên thị trường hiếm thấy có bất động sản nào giảm giá thành”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, nếu dịch bệnh kéo dài hơn thời hạn 1-2 tháng nữa thì nhà đầu tư bất động sản sẽ gặp khó khăn. Do đó, cuối tháng 8 đến tháng 9, sẽ có những nhà đầu tư bất động sản gặp khó khăn, đó là thời điểm để người mua có thể lựa chọn bất động sản vừa ý.
“Nếu bất động sản giảm giá 10-15% đó là mức giá hợp lý, có thể mua ngay trong tháng 8, tháng 9. Còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài hơn thì có thể đợi đến tháng 9, tháng 10, giá bất động sản có thể giảm nữa. Nhưng con số giảm bao nhiêu thì chưa biết, tôi nghĩ mức giảm giá cao nhất chỉ có thể giảm từ 10-20%”, ông Quang nhận định.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay, các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp hầu như đều nắm trong tay 4-5 sản phẩm nên chỉ bán ra 1 sản phẩm để có tiền mặt phòng ngừa rủi ro.
“Nếu muốn mua bất động sản tốt với giá thấp thì thời điểm này có thể lựa những sản phẩm bất động sản có giá trên 20 tỷ đồng bởi loại sản phẩm này người bán thường sẵn sàng giảm giá mạnh, rất dễ thương lượng, có thể giảm 10-15% rất nhanh”, ông Quang cho hay.
Cũng theo ông Quang, hiện những sản phẩm bất động sản có giá trên 20 tỷ đồng trên thị trường hiện đang rao bán với mức giá giảm khoảng 5-7%.
“Đối với đất nền, nhà liền thổ thì tôi chưa thấy có hiện tượng ‘cắt lỗ’, chỉ có hiện tượng giảm giá. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm 4-5 tháng nữa, lúc đó mới có chuyện ‘cắt lỗ’ trên thị trường. Chuyện ‘cắt lỗ’ này sẽ rơi vào các dự án, nhất là phân khúc căn hộ chung cư bởi căn hộ phải đóng tiền theo tiến độ 2-3 tháng một lần nên áp lực rất lớn”, ông Quang nói.
Ông Quang cho rằng, đầu tư đất nền ở thời điểm này cũng là cơ hội tốt. Nếu như trước đây thị trường là của người bán thì hiện thị trường đang của người mua. Đến tháng 8, tháng 9 có thể lựa chọn sản phẩm tốt, vừa ý, đầy đủ pháp lý.
Đặc biệt, có thể thương lượng giá tốt với người bán. Tuy nhiên, ông Quang khuyên đầu tư bất động sản vào thời điểm này thì đừng nghĩ đến chuyện vay vốn ngân hàng.
Thị trường bất động sản phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. Theo ông Quang, từ năm 2015 đến nay, các chủ đầu tư năm nào cũng tăng trưởng 30-50%, nên nếu doanh nghiệp có dòng tiền tốt, dự trữ được lượng tiền mặt có thể tồn tại được 6 tháng thì có thể vượt qua đợt dịch này.
“Thị trường bất động sản sau dịch sẽ có 2 xu hướng, 30% doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn, 50% doanh nghiệp bắt đầu hoạt động bình thường lại và chỉ có 20% doanh nghiệp sẽ có lợi trong đợt dịch này bởi có một số chủ đầu tư có lượng tiền mặt lớn nên đây là cơ hội tốt để M&A bất động sản”, ông Quang nói.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Giá bất động sản thời gian qua tăng lên một phần do hiện tượng khan hiếm hàng hóa trên thị trường, nhất là việc phê duyệt các dự án mới ở các địa phương bị chậm từ năm 2019 đến nay chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Trong khi đó, lực cầu trên thị trường lại có sự tăng đột biến vì nhiều ngành khác cũng ‘nhảy’ vào đầu tư bất động sản khi cho rằng đây là kênh đầu tư an toàn, có thể sinh lợi. Cầu tăng, cung thiếu thì bất động sản tăng giá. Chính vì thế, ông Đính nhận định, bất động sản đứng trước áp lực khó giảm giá.
"Vì thế, việc chờ giá bất động sản xuống để ‘bắt đáy” là khó, trừ một số trường hợp nhà đầu tư lỡ rót tiền vào dòng sản phẩm cao cấp quá lâu mà thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì bị áp lực tín dụng, áp dụng trả nợ buộc họ phải bán rẻ, phải ‘cắt lỗ’.
Nhưng một số trường hợp này thì không phản ánh bản chất thật của toàn thị trường bất động sản”, ông Đính phân tích thêm.