Vấn đề Syria
Theo tạp chí Chính sách Đối ngoại (Mỹ) ngày 16/8, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gặp nhau đầu tuần trước tại St. Petersburg để hàn gắn mối quan hệ vốn bị xấu đi nhanh chóng kể từ khi Ankara bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu Su-24 của Moskva hồi tháng 11 ngoái trên biên giới với Syria.
Nhưng cho đến nay có ít tín hiệu về sự tan băng lớn giữa Moskva và Ankara tại Liên hợp quốc (LHQ), nơi mà Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin đã sử dụng một phiên họp kín của Hội đồng Bảo an (HĐBA) hồi tuần trước chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc cho phép những điều mà ông tuyên bố là tiếp tục cung cấp vũ khí và những kẻ khủng bố vào Syria.
Sự chỉ trích bí mật của Moskva đối với Ankara đã không được báo cáo trước đó.
Sự chỉ trích trên cũng đã nhấn mạnh những căng thẳng tồn tại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tại thời điểm khi họ đang nỗ lực đưa mối quan hệ giữa hai nước trở lại đúng hướng sau gần 1 năm cáo buộc và đe dọa công khai lẫn nhau.
Điều này cũng phản ánh thực tế rằng Moskva và Ankara vẫn còn chia rẽ sâu sắc về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đã và đang nhận được sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Nga khi các lực lượng của ông chiến đấu với những phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ vũ trang và hậu thuẫn.
Một nhà ngoại giao cấp cao tại HĐBA cho biết, người Nga đã "rất cứng rắn" với Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên họp trên.
Theo nhà ngoại giao này, những tuyên bố của ông Churkin đã lặp lại "luận cứ của Nga trước đó" rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang là nước chủ yếu cho phép những kẻ cực đoan tìm cách đưa vũ khí và phiến quân vào Syria.
Một nhà ngoại giao khác nhấn mạnh: "Ông Churkin vẫn tiếp tục (nói) về việc làm thế nào mà tất cả những thứ này vẫn vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ và không ai trong số các bạn làm bất kỳ điều gì về vấn đề này".
Ông Churkin đã hối thúc những nước ủng hộ lực lượng đối lập Syria, trong đó có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt mối quan hệ với một số phiến quân chống ông Assad mà họ ủng hộ.
Vấn đề người Kurd
Sau phiên họp kín, ông Churkin cũng hối thúc Ankara xem xét lại vai trò của người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan ở Syria và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cho phép nhóm này tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình do LHQ bảo trợ. Ankara coi Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria là tổ chức khủng bố.
Nhưng cả Nga, trong đó cho phép người Kurd Syria mở văn phòng đại diện tại Moskva vào tháng 2/2016, và Mỹ đã tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với PYD và cánh quân sự của nhóm này - các Đơn vị Tự vệ Nhân dân (YPG).
Phát biểu với các phóng viên hôm 9/8, nhà ngoại giao Nga trên nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ "cần phải hiểu rằng việc người Kurd tham gia đàm phán là một trong những điều quan trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Có một số yếu tố phức tạp trong tâm trí của người dân ở Ankara, nhưng đây là điều mà chúng tôi cho rằng cần phải được thực hiện càng nhanh càng tốt".
Về phần mình, Ankara cho rằng PYD – bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức mẹ của Đảng Công nhân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) và đang tích cực chống lại sự thúc đẩy xây dựng một nhà nước của người Kurd ở Syria vì lo ngại điều này sẽ kích động người Kurd thiểu số ở chính Thổ Nhĩ Kỳ - không phải là một phần của phe đối lập hợp pháp Syria và rằng nếu họ thực sự đóng bất kỳ vai trò nào trong các cuộc đàm phán, họ nên là phần trong phái đoàn của chính phủ Syria.
Andrew Tabler, một chuyên gia về chính sách của Mỹ đối với Syria tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, bình luận rằng những nhận xét của ông Churkin đã phản ánh khả năng ông Erdogan và Tổng thống Putin đã không vượt qua được những khác biệt lớn của họ về việc làm thế nào để giải quyết cuộc xung đột tại Syria.
Vị chuyên gia này khẳng định: "Có vẻ là vấn đề đó không được giải quyết".
Mặc dù vẫn tồn tại nhiều sự khác biệt, Moskva và Ankara có rất nhiều điều để hỗ trợ nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng hạn chế đáng kể năng lực của các lực lượng chống chính phủ Syria thông qua việc ngừng cung cấp vũ khí và chiến binh qua biên giới. Và Moskva có thể giúp hạn chế khả năng của các chiến binh người Kurd Syria trong việc giành được ảnh hưởng và quyền lực ở Syria.
Cơ sở cho sự thỏa hiệp trên là Nga sẽ phải chấm dứt hợp tác với các phiến quân người Kurd vốn là lực lượng hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chấp nhận việc ông Assad tiếp tục cầm quyền hoặc một người khác được Moskva chấp nhận. Đó sẽ là một viên thuốc khó nuốt đối với Tổng thống Erdogan.
Richard Gowan, một chuyên gia của LHQ tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận xét rằng một số lời chỉ trích của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ là hợp lý vì nhìn chung Ankara không muốn kiểm soát biên giới của họ với Syria trong suốt cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua.
Ông Gowan kết luận: "Có một số điều ông Churkin nói đúng. Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ gần như không thể kiểm soát tất cả các tuyến đường mà những kẻ cực đoan sử dụng để đưa người và vũ khí vào Syria".