Nguồn tin ngoại giao cho biết, các điều khoản của gói trừng phạt mới ngay khi được công bố đã gây chia rẽ giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu. Trong khi Italy và Đức ủng hộ đề xuất miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu đối với cao su tổng hợp của Nga, Ba Lan là quốc gia đi đầu nhóm phản đối đề xuất này. Theo quan điểm của Ba Lan việc miễn trừ sẽ khiến các biện pháp trừng phạt trở nên vô nghĩa.
Ảnh minh họa: Reuters
Không chỉ đề xuất miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu đối với cao su tổng hợp của Nga, đề xuất trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga cũng đang vấp phải sự phản đối của không ít các nước thành viên, trong đó có Hungary. Hungary vốn mua phần lớn năng lượng từ Nga, có kế hoạch mở rộng nhà máy điện hạt nhân ở thị trấn Paks, trong đó có 2 lò phản ứng, với mỗi lò có công suất 1,2 gigawatt do Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga xây dựng, để hỗ trợ cho 4 lò hiện đang hoạt động.
Trong một tuyên bố Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ: “EU không nên thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Nga bởi điều khoản này sẽ gây phương hại đến lợi ích của Hungary. Tất cả các biện pháp trừng phạt được đưa ra phải đảm bảo lợi ích của các thành viên”.
Dự kiến, đại diện các nước Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp trở lại vào lúc 16h ngày mai (giờ Việt Nam) để thống nhất quan điểm nhằm sớm thông qua gói trừng phạt mới.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Liên minh châu Âu đã triển khai 9 vòng trừng phạt Nga trong đó nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ. Tần suất các gói trừng phạt tăng dần lên theo thời gian, song tác động của các lệnh trừng phạt được xem là không có nhiều tác động đến Nga và thường gây tranh cãi giữa các nước thành viên khối này.
Điều này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập trong thông điệp liên bang hôm 21/2 vừa qua: "Như tôi đã nói, phương Tây đã quay lưng lại với Nga không chỉ về quân sự và lực lượng thông tin mà còn về kinh tế. Nhưng họ đã không đạt được mục tiêu của mình ở bất cứ đâu và sẽ không thể làm được điều đó. Hơn nữa, những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga đã tự trừng phạt chính họ khi gây ra tình trạng tăng giá, mất việc làm, đóng cửa doanh nghiệp và khủng hoảng năng lượng ở quốc gia của họ”.
Trước đó, các quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu cũng đã nhiều lần thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt. Trong một tuyên bố hôm 20/2 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã nói rằng cuộc thảo luận về các hình phạt mới nhắm vào Nga đã trở nên khó khăn hơn khi khối này không còn lĩnh vực nào để nhắm mục tiêu. /.