Tối qua (9/9), đêm chung kết cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam 2018 đã chính thức diễn ra sau nhiều ngày tháng chuẩn bị và thử thách.
Khác với tất cả các mùa thi trước, ở mùa thi năm nay, các thí sinh lọt vào top 8 sẽ phải thực hiện phần thi trả lời ứng xử. Điều này sẽ giúp họ bộc lộ tố chất giao tiếp, bản lĩnh sân khấu của mình.
Tuy nhiên, vì ít khi đứng trước đám đông và không mạnh giao tiếp, ăn nói nên một số thí sinh tỏ ra khá ấp úng, run rẩy và trả lời ngô nghê, nhát gừng. Nhiều câu trả lời của họ đã khiến khán giả không khỏi buồn cười và thất vọng.
Các thí sinh được chia theo nhóm để trả lời. Mỗi nhóm gồm 4 thí sinh. Nhóm đầu tiên nhận được câu hỏi là: Bạn nghĩ thế nào về đạo đức của một người làm nghề người mẫu nói riêng và làm nghệ thuật nói chung? Nếu may mắn trở thành quán quân cuộc thi Siêu mẫu năm nay, bạn nghĩ thế nào về trách nhiệm của siêu mẫu?
Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Bích (SBD 27) tỏ ra hơi thiếu tự tin, nhưng vẫn cố hoàn thành phần trả lời của mình. Cô nói:
"Đối với em, đạo đức của một người mẫu là không làm những điều trái pháp luật, trái với đạo lí của con người Việt Nam. Một người mẫu khi nói ra một điều gì đó nên cẩn trọng lời nói của mình và nên để ý sự đối xử của mình với người xung quanh.
Nguyễn Thị Ngọc Bích (SBD 27).
Nếu năm nay em trở thành siêu mẫu, em sẽ rèn luyện đạo đức, nhân phẩm của mình và mang thời trang Việt Nam ra thế giới".
Thí sinh Lưu Phương Hà (SBD 14) hơi rụt rè nên chọn cách trả lời ngắn nhưng vẫn khá lê thê, thiếu mạch lạc:
"Theo em, nghề nghiệp nào cũng có đạo đức riêng. Riêng với em về nghề người mẫu, mọi người thường có ý nghĩ không hay, không tốt về nghề này, thì phải sống như thế nào cho có lòng tự trọng, có lương tâm và khiến mọi người nghĩ khác về nghề của mình, không nghĩ sai về con đường mình đi".
Lưu Phương Hà (SBD 14)
Nguyễn Thị Thu Hiền (SBD 22) nhận được nhiều tiếng vỗ tay từ phía khán giả nhờ khả năng trả lời lưu loát của mình:
"Là một người mẫu cũng như công dân, chúng ta cần đại diện cho pháp luật.
Là người đại diện cho cái đẹp, chúng ta phải có lối sống đẹp, đạo đức tốt, ứng xử với đồng nghiệp văn minh, để trở thành mẫu người lí tưởng, ảnh hưởng tới cộng đồng.
Nguyễn Thị Thu Hiền (SBD 22)
Là một người mẫu, phải có lập trường vững vàng để phân biệt được thời trang và phản cảm, để giúp khán giả có cái nhìn khách quan, lạc quan hơn về nghề người mẫu. Đó là trách nhiệm và con đường em muốn hướng tới".
Lê Bảo Ngọc (SBD 25) có lẽ là thí sinh gây cười nhiều nhất và khiến khán giả thất vọng nhất bởi màn trả lời ấp úng, lan man, lộn xộn, lặp từ, câu nọ xọ câu kia của mình.
Lê Bảo Ngọc (SBD 25) không ít lần phải ngừng nói vì ấp úng
Lê Bảo Ngọc thậm chí còn phải ngừng rất lâu sau mỗi câu trả lời để suy nghĩ, lấy lại can đảm và luôn phải để MC nhắc nhở, giải thích hộ. Cô nói:
"Theo em nghĩ, là một người mẫu thì cần giữ ý thức của một danh dự và phải có tính tốt. Em nghĩ cần rèn luyện một sức khỏe, một trí tuệ tốt, để trau dồi một hình ảnh tốt.
Em nghĩ, ở người mẫu cần có một đức tính là đức tính yêu thương mình và yêu thương xã hội, những người xung quanh.
Em nghĩ, đó là những điều cần thiết cho một người mẫu, và đã là người mẫu thì cần giữ gìn phẩm chất của mình, không để bị vùi dập".
Mọi người đều phải vỗ tay cổ vũ tinh thần cho Bảo Ngọc.
Khi Bảo Ngọc nói đến câu cuối cùng, MC Phí Linh đã phải lên tiếng giải thích hộ ý diễn đạt của cô.
Sau đó, MC Phí Linh phải thừa nhận rằng, các thí sinh siêu mẫu Việt Nam khá ngô nghê, trả lời không giống cuộc thi hoa hậu.
Nhóm thí sinh tiếp theo nhận được câu hỏi: Một người mẫu hàng đầu cần có những phẩm chất gì?
Nhóm thí sinh này trả lời tốt hơn hẳn nhóm trước. Thí sinh Trịnh Văn Bảo (SBD 29) trả lời khá đầy đủ:
"Để trở thành một người mẫu hàng đầu cần có những phẩm chất sau. Thứ nhất là tính chuyên nghiệp, luôn đúng giờ, đúng mực trong mọi mối quan hệ.
Trịnh Văn Bảo (SBD 29)
Thứ hai là lòng yêu nghề, phải có đam mê mới vượt qua được thử thách, đôi khi là những cám dỗ trong nghề để đi tới thành công.
Thứ ba là phải kiên trì, sáng tạo, không được bỏ cuộc trước khó khăn, luôn tìm kiếm năng lượng của bản thân và hiểu nhà thiết kế".
Thí sinh Võ Đông Hạ (SBD 21) gây ấn tượng với tiêu chí 3 không, 3 luôn của mình.
"Theo em, để trở thành một người mẫu thì ngoài đáp ứng yêu cầu khắt khe về chỉ số hình thể, quan trọng nhất vẫn là giữ được đạo đức và thái độ chuyên nghiệp khi làm nghề.
Thí sinh Võ Đông Hạ (SBD 21)
Trong 2 năm vừa qua, em may mắn được sống với nghề. Em đã giữ nguyên tắc cho mình là 3 không và 3 luôn. 3 không là không ngừng đổi mới, không ngừng học hỏi và không được bỏ cuộc. 3 luôn là luôn xuất hiện trẻ trung, luôn hợp tác trong công việc và luôn giữ đạo đức nghề nghiệp".
Nguyễn Trần Khánh Vân (SBD 08) nhấn mạnh vào sự tử tế khi nói:
"Theo em, để trở thành một siêu mẫu thì ngoài tính chuyên nghiệp, kĩ năng, ngoại hình cần có sự tử tế, tử tế trong công việc, với người xung quanh và trong cuộc sống.
Nguyễn Trần Khánh Vân (SBD 08)
Nếu có sự tử tế, chắc chắn bạn sẽ trở thành người thành công và luôn được sự yêu mến, đón nhận từ khán giả".
Vũ Thúy Quỳnh (SBD 10) lại tỏ ra khá ấp úng trong cách trả lời. Cô nói:
"Đối với em, người mẫu cần phải có ngoại hình, khuôn mặt, khả năng trình diễn. Nhưng nếu muốn trở thành một siêu mẫu thì như vậy chưa đủ. Chúng ta cần có sự chăm chỉ, đạo đức.
Chúng ta cũng cần có sự thông minh, vì đã là người mẫu hàng đầu thì sẽ đại diện cho nhiều nhãn hàng, mình phải làm sao để cho khán giả yêu thích nhãn hàng đấy".