Lực lượng cảnh vệ bảo vệ cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, trong chuyến thăm của ông tại Việt Nam vào tháng 10-2022 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Từ một số chiến sĩ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo trung ương trong kháng chiến chống Pháp, Cục Cảnh vệ được chính thức thành lập vào ngày 16-2-1953. Bộ tư lệnh Cảnh vệ ngày nay trực thuộc Bộ Công an.
Làm "lá chắn sống"
Với thâm niên 10 năm làm sĩ quan bảo vệ tiếp cận, thiếu tá Đặng Hồng Nhung - cán bộ Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế - đã cùng đồng đội tham gia bảo vệ hàng trăm sự kiện chính trị quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức. Chị Nhung còn trực tiếp bảo vệ tiếp cận trên 20 người là nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Có những cuộc họp, hội đàm diễn ra trong 2-3 tiếng đồng hồ nhưng lực lượng cảnh vệ phải triển khai nhiệm vụ trước và sau sự kiện nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Có hôm Nhung phải đứng liên tục từ 6h sáng đến hơn 23h đêm.
Do yêu cầu nhiệm vụ, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống, lực lượng cảnh vệ phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành, các địa phương, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân.
Để đảm bảo sự thành công cần có sự hiệp đồng tác chiến giữa Cục Cảnh vệ và các đơn vị trong Bộ tư lệnh Cảnh vệ như: Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật bảo vệ, Phòng Bảo vệ tiếp cận lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phòng Bảo vệ các sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế...
Làm sĩ quan tiếp cận không hề dễ dàng, bởi để hoàn thành nhiệm vụ, sĩ quan tiếp cận phải nghiên cứu, tìm hiểu sở thích, tính cách, phong tục, tập quán... của đối tượng cảnh vệ để có biện pháp hợp lý trong quá trình bảo vệ.
Thiếu tá Đặng Hồng Nhung chia sẻ nhiệm vụ của sĩ quan cảnh vệ là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ 24/24 trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam, giống như "lá chắn sống" sẵn sàng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này.
Vì vậy, cảnh vệ vừa phải tập trung cao độ để xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ có thể xảy ra nhưng đồng thời vẫn phải giữ phong thái lịch lãm như nhân viên ngoại giao với kỹ năng giao tiếp, ứng xử linh hoạt, để phù hợp với văn hóa quốc gia, tính cách, sở thích, tạo cảm giác thoải mái, gần gũi tin tưởng cho người được bảo vệ.
Để làm được điều đó, một sĩ quan tiếp cận cần có sự mềm mỏng, ứng biến linh hoạt, khả năng quan sát tinh tường, luôn giữ phong thái như một nhân viên ngoại giao và có phông văn hóa rộng, am hiểu chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước...
Bảo vệ lãnh đạo Việt Nam
Ít ai hiểu được tính chất công việc, sự vất vả của các chiến sĩ Bộ tư lệnh Cảnh vệ bởi đây là công việc thầm lặng, tuyệt đối giữ bí mật... Một trong những đơn vị quan trọng của Bộ tư lệnh Cảnh vệ là Phòng Bảo vệ tiếp cận lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Lê Văn Phùng, phó trưởng Phòng Bảo vệ tiếp cận lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cho biết để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoạt động ở trong nước cũng như ở nước ngoài, bộ tư lệnh phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và lực lượng an ninh nước sở lại tiến hành công tác tiền trạm.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ đảm bảo sát với tình hình thực tế nhằm ngăn chặn, loại bỏ mọi nguy cơ, yếu tố gây nguy hiểm đến sự an toàn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc chủ động các kế hoạch, phương án bảo vệ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sĩ quan tiếp cận phải luôn trong trạng thái tinh thần cảnh giác cao, quan sát tinh tường, phản ứng nhanh nhạy bởi "chậm một giây, làm sai một chi tiết nhỏ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng".
"Đã làm cảnh vệ thì ai cũng khắc cốt ghi tâm phương châm sống, làm việc là còn Đảng là còn mình, chỉ được phép làm đúng, không được phép sai, không có cơ hội sửa sai" - thượng tá Phùng nhấn mạnh.
Lời cảm ơn của Hoàng hậu Nhật Bản
Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong khi làm nhiệm vụ, thiếu tá Nhung cho biết chị ấn tượng nhất với Hoàng hậu Nhật Bản Michiko khi bà cùng chồng là Nhà vua Akihito thăm Việt Nam năm 2019. Khi đó, đoàn tháp tùng Nhật hoàng đặt ra các yêu cầu đặc biệt về an ninh phải theo phong cách hoàng gia. Bản thân chị lúc đó cũng cảm thấy khá bối rối, lo lắng.
Tuy nhiên, bằng sự mềm mỏng, ứng biến linh hoạt, khả năng quan sát tinh tường và có phông văn hóa rộng, am hiểu chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước..., chị đã tạo được niềm tin với hoàng hậu.
"Kết thúc chuyến thăm, Hoàng hậu Nhật Bản hết sức hài lòng với biện pháp bảo vệ, ứng xử rất chuyên nghiệp của tôi. Trước khi lên máy bay về nước, hoàng hậu đã nói với tôi: "Cảm ơn bạn rất nhiều"" - thiếu tá Nhung kể.
Kiểm nghiệm thực phẩm nghiêm ngặt
Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc - trưởng Phòng Kỹ thuật bảo vệ thuộc Bộ tư lệnh Cảnh vệ trong quá trình bảo vệ các lãnh đạo, nguyên thủ là kiểm nghiệm thực phẩm. "Chúng tôi kiểm tra thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Việc này đòi hỏi phải có sự chính xác tuyệt đối. Vì vậy, quy trình kiểm thực luôn phải tuân thủ 3 bước: trước khi chế biến, trong khi chế biến và trước khi ăn", trung tá Cúc cho biết.
Trung tá Cúc lấy ví dụ, trong sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama sang Việt Nam năm 2016, ông ghé quán bún chả trên phố Hà Nội để thưởng thức món ăn này. Trước khi ông Obama dùng món bún chả, để đảm bảo an toàn, lực lượng cảnh vệ Việt Nam đã dùng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt.