Bảo vệ Ronaldo, hiến binh GNR thà bắn nhầm còn hơn bỏ sót (kỳ 2)

Mộc Miên |

Một đại đội tinh nhuệ nhất của Lực lượng hiến binh quốc gia GNR do trung tướng Manuel Mateus Costa da Silva Couto chỉ huy được đưa sang Pháp bảo vệ Cristiano Ronaldo 24/24…

Chống khủng bố quá sức với người Pháp?

"Hủy bỏ EURO 2016 đồng nghĩa với đầu hàng khủng bố. Chuyện này chưa bao giờ được đem ra thảo luận" - ông Pierre-Henry Brandet, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Pháp khẳng định.

Nhằm xóa tan bầu không khí lo ngại, chính quyền Pháp cam kết đảm bảo an ninh tối đa cho ngày hội bóng đá châu Âu bằng 73.000 nhân viên cảnh sát và 10.000 binh sĩ bảo vệ tại sân.

13.000 nhân viên an ninh đến từ 45 công ty an ninh tư nhân uy tín trên toàn nước Pháp và 1.000 tình nguyện viên cũng được huy động. Tổng cộng, gần 100.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai trên hơn 100 địa điểm nằm rải rác khắp nước Pháp.

Các biện pháp an ninh công nghệ cao như máy bay không người lái, hệ thống camera, cửa từ an ninh cũng được bố trí khắp các địa điểm tổ chức EURO 2016. 

Cơ quan an ninh cũng chuẩn bị đối phó với kịch bản phần tử khủng bố sử dụng máy bay không người lái mang theo vũ khí hóa học tấn công từ trên các khán đài.

Bảo vệ Ronaldo, hiến binh GNR thà bắn nhầm còn hơn bỏ sót (kỳ 2) - Ảnh 1.

Dù được huy động tối đa, song lực lượng an ninh Pháp vẫn không đủ để bảo vệ tuyệt đối Euro 2016.

Nhưng như thế đã đủ an toàn? Nước Pháp có bao nhiêu kẻ thù cực đoan muốn "thổi tung EURO 2016" để gây tiếng vang lớn như Gregoire Moutaux?

Theo giới quan sát, hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về Pháp trong 1 tháng diễn ra VCK EURO thì việc đảm bảo an toàn 100% cho họ trước "họng súng" khủng bố là điều không hề đơn giản.

Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Chiến Lược Quốc Tế (IRIS) cho rằng: "EURO 2016 là miếng mồi ngon của khủng bố. Bạn bảo vệ 1.000 mục tiêu, và chính là mục tiêu thứ 1.001 sẽ bị nhắm đến".

Ông Yves Trotignon - cựu nhân viên cơ quan tình báo Pháp DGSE đánh giá: "Ai cũng sợ khủng bố và họ có lý". 

Trong khi đó một nhân viên thuộc một đơn vị an ninh cho VCK hoang mang: "Làm sao có thể bảo vệ an toàn tất cả? Phải bao nhiêu người chết mới có thể hủy bỏ giải đấu? Chúng tôi thực sự khủng hoảng".

Khi EURO 2016 đã cận kề thì "Bóng ma Charlie Hebdo" hay đêm Paris đẫm máu 13/11 lại làm hoang mang ngay cả lực lượng an ninh, bởi những kẻ như Gregoire Moutaux là nhiều không kể xiết.

Ai bảo vệ cho Ronaldo trước họng súng khủng bố?

Nhưng như đã cập ở bài viết trước, cơ quan tình báo Bồ Đào Nha - CISMIL còn phát hiện ra âm mưu kinh hoàng của các tổ chức khủng bố, đó là ngoài người hâm mộ, các đội bóng cũng nằm trong mục tiêu tấn công.

Trong số các đội bóng, đúng như lo lại của HLV Fernando Santos, Bồ Đào Nha là mục tiêu tấn công số 1 của khủng bố vì ĐT này sở hữu ngôi sao nổi tiếng nhất: Cristiano Ronaldo.

Gregoire Moutaux - phần tử cực đoan người Pháp bị Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) bắt ở nước này hôm 21/05 còn được CISMIL phát hiện có liên quan tới kế hoạch ám sát Cristiano Ronaldo, mang mật danh "Y85-C Luo".

Người Bồ Đào Nha không thể coi thường khủng bố, khi mà theo thông tin tuyệt mật mà CISMIL nhận được thì hàng trăm tay súng đã được đào tạo bài bản cho kế hoạch "Y85-C Luo" trong suốt 1 năm qua ở căn cứ quân sự bị bỏ hoang của Liên Xô nằm rải rác ở miền Tây Ukraine.

Bảo vệ Ronaldo, hiến binh GNR thà bắn nhầm còn hơn bỏ sót (kỳ 2) - Ảnh 2.

Lực lượng hiến binh quốc gia GNR cực kỳ tinh nhuệ là con át chủ bài để đảm bảo an ninh cho đội tuyển Bồ Đào Nha, và đặc biệt là Cristiano Ronaldo.

Ronaldo bị hạ sát là một chiến thắng lớn của khủng bố. Với người Bồ, CR7 không chỉ là cầu thủ vĩ đại, mà còn là một biểu tượng có giá trị cả về mặt hình ảnh và thương mại.

Vậy liệu lực lượng an ninh dày đặc ở Pháp có thể bảo vệ an toàn cho Ronaldo cùng ĐT Bồ Đào Nha trong suốt chiến dịch EURO kéo dài cả tháng?

Theo tờ Observador (BĐN), nhận được tin tức tình báo trong bối cảnh an ninh quá bất ổn tại Pháp, chính quyền BĐN quyết định điều quân sang Pháp bảo vệ Ronaldo cùng đồng đội 24/24.

Đội quân bảo vệ CR7 gồm 1 đại đội tinh nhuệ của lực lượng hiến binh quốc gia GNR (Guarda Nacional Republicana) và 2 tiểu đội thuộc lực lượng an ninh quốc gia PSP (A Polícia de Segurança Pública).

Một quan chức liên đoàn bóng đá BĐN xác nhận với Observador: 

"Vì Cristiano Ronaldo, ĐT Bồ Đào Nha trở thành đội bóng đối mặt nguy cơ khủng bố lớn nhất. Bộ Nội vụ Pháp và Bồ Đào Nha đã đạt được thỏa thuận chung, theo đó GNR và PSP sẽ bảo vệ ĐT Bồ Đào Nha trong suốt thời gian đội bóng tham dự VCK EURO".

Giết nhầm hơn bỏ sót!

Sự xuất hiện của quân hiến binh GNR sẽ giúp Ronaldo cùng các đồng đội "kê cao gối ngủ" và chỉ việc tập trung tối đa cho mục tiêu vinh quang trên đất Pháp?

GNR là đội quân hiến binh tinh nhuệ, một lực lượng lai giữa quân đội và cảnh sát. Khác với quân hiến binh của các quốc gia châu Âu khác như Pháp (GIGN), GNR không chỉ trực thuộc Bộ Quốc phòng mà còn thuộc quản lý của Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha.

Ngoài tham gia các hoạt động chống tội phạm đặc biệt, quân hiến binh GNR còn là lực lượng chống khủng bố đặc biệt của quân đội BĐN.

Phạm vi hoạt động của GNR cũng không bó hẹp trong biên giới BĐN. Lực lượng này từng tham gia hoạt động giữ gìn an ninh và chống khủng bố tại Đông Timor (từ năm 2000), Iraq (2003-2005) hay Afghanistan (2012).

Theo Observador, chỉ huy đại đội hiến binh GNR bảo vệ Ronaldo tại Pháp là Miguel Branco - viên trung úy từng có kinh nghiệm chiến đấu với khủng bố ở Iraq và Afghanistan.

Bảo vệ Ronaldo, hiến binh GNR thà bắn nhầm còn hơn bỏ sót (kỳ 2) - Ảnh 3.

Theo chỉ huy Miguel Branco, nhiệm vụ bảo vệ Ronaldo tại kỳ Euro lần này không hề dễ dàng.

Ngày 21/6/2012, Ronaldo tỏa sáng với bàn thắng duy nhất ở SVĐ Quốc gia Warsaw, giúp Bồ Đào Nha đánh bại Czech 1-0 để tiến vào bán kết EURO trên đất Ba Lan. Cũng trong ngày hôm đó, nhưng là ở chiến trường Helmand, Afghanistan, xe của Miguel Branco dính bom tự chế của Taliban.

Ngực Branco đầy máu vì những vết cứa của mảnh bom, nhưng viên trung úy này vẫn cùng đồng đội chiến đấu, đẩy lùi quân Taliban rồi mới tới điều trị tại bệnh viện việt dã ở Camp Bastion của quân đội Anh.

Nhiệm vụ của Branco năm nay cũng chẳng nhẹ hàng hơn. 

Do tình hình phức tạp ở Pháp, quân hiến binh "được phép nổ súng tiêu diệt bất cứ đối tượng nào khả nghi" và hằng ngày, trung úy Bravo phải báo cáo tình hình từ nước Pháp về Bồ Đào Nha cho trung tướng tư lệnh GNR - Mateus Costa da Silva Couto.

Mọi nơi, mọi lúc trong thời điểm diễn ra VCK EURO, việc ngăn chặn một kẻ tử vì đạo bất thình lình xuất hiện với khẩu AK-47 trên tay hay TNT đầy người, nói như Yves Trotignon là "bất khả thi".

Nhưng khi bên cạnh Cristiano Ronaldo và đồng đội là cả một đại đội hiến binh GNR thì có lẽ, âm mưu "Y85-C Luo" cũng là "bất khả thi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại