Người Nga đang "cắm mắt" đầy tuyến đầu!
Thời gian gần đây, người Nga đang tích cực triển khai các tổ hợp giám sát tầm xa Murom-P trên tuyến đầu ở Ukraine.
Những "con mắt" này theo dõi tất cả các hành động của phía bên kia và khi có bất kì "mối nguy hiểm" nào xâm nhập vùng phủ sóng của nó, các cảnh báo lập tức được đưa ra.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2016 khi Lục quân Nga đưa tổ hợp an ninh - kỹ thuật Murom-1SV vào trang bị. Và 2 năm sau, bản nâng cấp Murom-P cũng đã tới tay FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga) mà cụ thể là lực lượng biên phòng trực thuộc cơ quan này.
Các ưu điểm của những "con mắt" này bao gồm khả năng triển khai lắp đặt nhanh chóng và hoạt động lâu dài ở chế độ tự động.
Các tổ hợp Murom được trang bị các cảm biến âm thanh, ánh sáng và rung động để đưa ra các cảnh báo cho người giám sát trong trường hợp xảy ra sự kiện đáng báo động.
Có thể ví dụ bằng việc nó sẽ phản ứng gần như tức thời khi phát hiện con người xâm nhập khu vực giám sát.
Tính cơ động của tổ hợp được đảm bảo bởi thiết kế dạng module, có thể nhanh chóng triển khai hoặc gấp gọn của các thành phần.
Ngoài việc được cấp điện bằng ắc quy hoặc máy phát điện, tính tự chủ của tổ hợp thể hiện thông qua nguồn điện từ tấm pin năng lượng mặt trời. Việc truyền tải cảnh báo thông qua liên lạc vô tuyến với trạm điều khiển do con người vận hành từ xa.
Có thể nói thứ quan trọng nhất trong tổ hợp là Radar STS-172.
Hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, nó cùng các thuật toán xử lý dữ liệu vô tuyến sẽ đưa ra các thông số chính xác như khoảng cách đến các mục tiêu (bao gồm con người, xe cơ giới, máy bay, tàu thuyền) cũng như vẽ lại tuyến đường di chuyển của nó.
Radar cũng cho phép quét các khu vực được kiểm soát ở chế độ thủ công và tự động. Ở chế độ tự động, STS-172 sẽ quét các vị trí được cài đặt trước và sau khi phát hiện và theo dõi mục tiêu, nó sẽ ra lệnh cho 2 camera quang học và nhiệt ghi hình.
Máy tính xách tay chuyên dụng của người điều khiển sẽ được liên tục kết nối với tổ hợp thông qua liên lạc hữu tuyến (dây cáp) hoặc vô tuyến từ khoảng cách từ 100 đến 8.000 mét.
Điều này đảm bảo không có thương vong về con người nếu tổ hợp bị tấn công, cũng như khả năng giám sát từ ngoài tầm bắn của vũ khí bộ binh.
"Chọc mù" Murom-P như thế nào?
Người Nga đang tăng tốc triển khai các tổ hợp Murom-P trên khắp các khu vực do họ kiểm soát cũng như biên giới với Ukraine.
Thoạt nhìn thì có vẻ như đó chỉ là một mục tiêu ít giá trị nhưng thực tế là những thứ được người Nga đặt trên các ngọn cây, trên nóc các tòa nhà, các tháp viễn thông này có thể quan sát mọi động thái của phía Ukraine trong phạm vi lên tới 10 km.
Có thể nói việc xác định và phá hủy tổ hợp giám sát này đang dần trở nên quan trọng.
Và có một giải pháp khá đơn giản để vô hiệu hóa chúng - đó là sử dụng FPV Drone (Máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất) trang bị thiết bị nổ tự chế (IED).
Vào cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine Alexander Kamyshin đã tiết lộ một kế hoạch tham vọng là vào năm 2024, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này sẽ chuyển giao cho quân đội hơn 1 triệu máy bay không người lái (UAV/Drone).
Và đa phần chúng sẽ là FPV Drone.
Tuy nhiên trong bài viết cũng do Militarnyi đăng tải vào đầu tháng 2/2024, cây viết có bút danh "Yann" đã chỉ ra 3 điểm yếu trong FPV Drone của Ukraine.
Chúng bao gồm việc thiếu đào tạo, khả năng tương tác giữa các đơn vị kém, tần số hoạt động đang bị các tổ hợp EW (tác chiến điện tử) Nga chế áp, IED không an toàn và kém hiệu quả...
FPV Drone của Ukraine hạ gục các tổ hợp Murom-P của Nga (Nguồn: Militarnyi).