"Khi khám phá Europa, chúng tôi quan tâm đến độ mặn và thành phần của đại dương, bởi vì đó là một trong những điều sẽ chi phối khả năng sinh sống tiềm năng của nó hoặc thậm chí là kiểu sự sống có thể có ở đó" - Sci-News dẫn lời tác giả chính Natalie Wolfenbarger từ Viện Vật lý địa cầu của Trường ĐH Texas ở Austin - Mỹ, lý giải mục tiêu của công trình.
Băng prazil ở Nam Cực, rất có thể giống y hệt cấu trúc trên thế giới ngoài hành tinh thú vị Europa - Ảnh: HELEN GLAZE
Để tìm hiểu điều đó, họ đã xem xét xem lớp vỏ băng giá bọc bên ngoài đại dương của Europa được tạo nên như thế nào. Kết quả cho thấy ít nhất một phần của lớp vỏ bí ẩn này được tạo nên bởi tuyết tinh khiết đã nổi lên lớp trên của đại dương, thay vì rơi xuống.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Astrobiology gọi đó là lớp "băng frazil", một dạng tích tụ mềm của các tinh thể băng, cũng được tìm thấy bên dưới các tảng băng trên Trái đất.
Theo Live Science, băng frazil chứa một phần muối được tìm thấy trong băng ở các thềm băng trên Trái đất, nhưng ít mặn hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học đã nghĩ về vỏ băng của Europa trước đây.
Việc băng frazil phổ biến trên Europa tạo ra khác biệt lớn trong thành phần vỏ băng của mặt trăng sự sống này. Trong khi băng kết tụ có thể chứa đến 10% muối của nước biển xung quanh, băng frazil ít hơn nhiều, chỉ 0,1%.
Lớp băng ít muối này không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc và độ bền của lớp vỏ băng, mà còn ảnh hưởng đến thành bại của radar của tàu Europa Clipper, "chiến binh" mà NASA định sử dụng để nắm bắt trực tiếp sự sống trên mặt trăng Sao Mộc này.
Biết rõ được thành phần lớp vỏ cũng giúp các nhà điều hành nhiệm vụ Europa Clipper tương lai hiệu chỉnh hệ thống phù hợp hơn để nắm bắt đúng kiểu sự sống có thể hiện diện.
Europa từ lâu dã được NASA gọi là "Trái đất phiên bản ngoài hành tinh" bởi sở hữu nhiều điều kiện vô cùng giống Trái đất. Thế giới thú vị nhất mà các nhà khoa học trông chờ là một đại dương ngầm có thể ấm áp và ngập tràn sự sống, được bảo vệ tốt khỏi bức xạ và giá lạnh bởi lớp vỏ băng giá.