Báo TQ: Đài Loan từng dự định mô phỏng "Thần Phong", tấn công hạt nhân tự sát Đại lục

Thủy Thu |

Đài Loan dự định dựa theo chiến thuật phi công cảm tử Thần Phong (Nhật Bản), dùng chiến đấu cơ IDF mang đầu đạn hạt nhân tấn công tự sát vào Đại lục, báo Trung Quốc nhận định.

Ngày 8/1 vừa qua, tờ Liberty Times (Đài Loan) đưa tin, nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Viện khoa học trung ương Đài Loan - ông Trương Hiến Nghĩa bất ngờ tiết lộ, Đài Loan từng lên kế hoạch tấn công Đại Lục.

Cụ thể, Đài Loan dự định sẽ mô phỏng theo chiến thuật phi công cảm tử Thần Phong (Kamikaze) của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2, dùng chiến đấu cơ IDF mang đầu đạn hạt nhân tấn công tự sát vào Đại lục.

Vấn đề hạt nhân

Tờ The Paper (Trung Quốc) cho hay, vào năm 1964, sau thành công vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bắc Kinh, Tưởng Giới Thạch đã vô cùng lo sợ nên bí mật khởi động chiến dịch bồi dưỡng nhân tài và thúc đẩy "kế hoạch Hsinchu" nhằm nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, để triển khai kế hoạch này, Đài Loan cần giải quyết hai mệnh đề khó: Thiếu trang thiết bị kỹ thuật và nguyên liệu hạt nhân.

Do đó, Đài Bắc dưới danh nghĩa sản xuất chương trình hạt nhân dân dụng đã quyết định cử người đến Israel, thành lập "Ủy ban năng lượng nguyên tử song phương". Ngoài ra, Đài Loan cũng bắt tay với Tây Đức để phát triển lĩnh vực vũ khí hạt nhân dân dụng này.

Tuy nhiên, khi đó Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) phát hiện ra Đài Bắc có dự định đàm phán với với Công ty Siemens (Tây Đức), xây dựng lò phản ứng hạt nhân có công suất 200mw nên một mặt đã gây áp lực lên Tây Đức, một mặt theo dõi chặt chẽ kế hoạch của Đài Loan.

Báo TQ: Đài Loan từng dự định mô phỏng Thần Phong, tấn công hạt nhân tự sát Đại lục - Ảnh 1.

Trương Hiến Nghĩa.

Tờ này cũng cho hay, đến năm 1973, Washington quyết định cử phái đoàn sang ngăn chặn kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân của Đài Bắc do lo ngại động thái này có thể ảnh hưởng đến xã hội quốc tế cũng như tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Đài.

Đến cuối tháng 8/1976, hàng loạt các đầu báo nổi tiếng tại Mỹ như Washington Post, New York Times, Baltimore Sun đưa tin, Đài Loan đang bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân. Quốc hội Mỹ sau đó đã vội vã điện cho Đài Bắc.

Đến 14/9, Đại sứ Mỹ tại Đài Loan Leonard S. Unger đã gặp mặt lãnh đạo Đài Loan bấy giờ là Tưởng Kinh Quốc. Tuy nhiên Tưởng Kinh Quốc vẫn khẳng định chính quyền của ông không tiến hành sản xuất vũ khí hạt nhân.

Năm 1977, khi ứng cử viên đảng Dân chủ Jimmy Carter trở thành Tổng thống Mỹ, Washington đã chính thức quyết định sẽ mạnh tay với Đài Loan nhằm ngăn chặn vùng lãnh thổ này phát triển chương trình hạt nhân.

Tháng 5/1977, một đoàn nghiên cứu hạt nhân của Mỹ tới Đài để đàm phán về kế hoạch hợp tác nghiên cứu sản xuất vũ khí hạt nhân dân dụng.

Đài Loan khi đó đã bày tỏ thái độ hợp tác và đồng ý hủy bỏ cơ sở kế hoạch chiết xuất plutonium - nguyên liệu quan trọng để chế tạo bom nguyên tử.

Tuy nhiên, do nhận thấy hình thức hợp tác này khó ổn định nên Washington buộc duy trì thái độ cảnh giác với chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của Đài Loan.

Cuối năm 1977, Mỹ càng có thái độ cứng rắn hơn với vấn đề hạt nhân Đài Loan, trong đó có việc yêu cầu Đài Bắc không tiến hành hoạt động phân tích hóa học nguyên liệu phóng xạ nhằm ngăn chặn việc chiết xuất plutonium.

Tháng 3/1978, chính quyền Carter ký Đạo luật không phổ biến vũ khí hạt nhân với mục đích chấm dứt tình trạng xuất khẩu hạt nhân từ các tổ chức năng lượng quốc tế hay những thực thể có thỏa thuận an ninh chung với Mỹ. Đài Loan là một trong số đó.

Tháng 9/1978, Washington tiếp tục gửi cảnh cáo đến Đài Bắc: Nếu Mỹ cảm thấy Đài Loan thiếu hợp tác, Washington sẽ gây áp lực khiến Đài Bắc khó khăn trong việc xuất khẩu nguyên liệu sản xuất hạt nhân mà vùng lãnh thổ này đang sở hữu.

Theo The Paper, đối mặt với áp lực từ Washington, Tưởng Kinh Quốc tuy bất mãn nhưng vẫn đồng ý đảm bảo sẽ không tham gia vào chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời còn mời các chuyên gia Mỹ tới Đài để giám sát.

"Phi đội Thần phong"

Tờ Guancha Syndicate (Trung Quốc) cho biết, nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Viện khoa học Đài Loan Trương Hiến Nghĩa là một trong những người tham gia chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân để triển khai kế hoạch tấn công tự sát Đại lục bằng "phi đội Thần phong".

Theo đó, ngay sau khi đến Mỹ vào ngày 12/1/1988, Trương Hiến Nghĩa đã cung cấp tài liệu liên quan về kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân của Đài Loan cho  CIA.

Nhanh chóng ngày 15/1, Mỹ cùng với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiến hành kiểm tra bất ngờ Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Viện khoa học Đài Loan.

Ngay sau đó, tổ chức này đã yêu cầu Đài Bắc tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân cũng như tiến hành các thao tác cần thiết nhằm ngăn chặn Đài Loan chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Chính việc này đã khiến chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân hạng nặng của chính quyền Tưởng Kinh Quốc bị phá sản.

Tuy nhiên, theo Liberty Times, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Trương Hiến Nghĩa đã tiết lộ, việc "đổ bể" trên không đồng nghĩa với việc Đài Bắc không thể tấn công hạt nhân Đại lục.

Theo Trương, Viện khoa học Đài Loan khi đó đã từng nghiên cứu sản xuất bom hạt nhân hạng nhẹ.

"Sở dĩ chúng tôi (Đài Loan) lựa chọn máy bay chiến đấu nội địa IDF là vì chúng tôi có đủ khả năng thay đổi bán kính tác chiến. Khi đó, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng phạm vi bán kính tác chiến lên hơn 1000km. Như vậy mới đạt hiệu quả trong quá trình thả bom", Liberty Times dẫn lời Trương.

Báo TQ: Đài Loan từng dự định mô phỏng Thần Phong, tấn công hạt nhân tự sát Đại lục - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu IDF của Đài Loan. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Trương cho hay, do IDF nếu vừa mang thêm bình xăng phụ, vừa mang thêm đầu đạn sẽ không thể hoạt động hiệu quả nên Đài Bắc khi đó đã nghĩ đến kế hoạch "mô phỏng theo chiến thuật phi công cảm tử Thần Phong (Kamikaze) của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2, dùng chiến đấu cơ IDF mang đầu đạn hạt nhân tấn công tự sát vào Đại lục".

Trương tiết lộ, khi đó những tình nguyện viên tham gia kế hoạch này đều không biết thứ họ phải mang theo là vũ khí hạt nhân mà chỉ biết "đây là một nhiệm vụ một chiều và khi đã cất cánh có thể sẽ không bao giờ quay trở lại".

Nhưng kế hoạch tấn công hạt nhân tự sát vào Đại lục đã không thành công do cuộc thăm viếng bất ngờ của Washington và IAEA vào tháng 1/1988.

Đài Loan phủ nhận

Tờ Guancha dẫn lời một tướng lĩnh Đài Loan khẳng định rằng, không tồn tại kế hoạch dùng hạt nhân tấn công Trung Quốc đại lục, bởi vùng lãnh thổ này luôn duy trì chính sách "không sản xuất, không sở hữu và không sử dụng vũ khí hạt nhân".

Báo Trung Quốc cũng trích lời phát biểu của người phát ngôn đảng Dân tiến cầm quyền La Chí Chính rằng, "ngay khi Đài Loan bước tới ngưỡng cửa hạt nhân, Washington đã ra tay ngăn chặn nên không thể có việc như Trương Hiến Nghĩa tiết lộ".

Tuy nhiên, giới truyền thông Trung Quốc vẫn tin rằng, Đài Loan thực sự có sản xuất vũ khí hạt nhân và từng có ý định triển khai tấn công đại lục bằng vũ khí này.

Theo Guancha, do kinh ngạc trước sức mạnh của loại hình vũ khí hạt nhân sau vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima của quân đội Mỹ (1945), Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh thành lập tổ cố vấn phụ trách triển khai, nghiên cứu chương trình hạt nhân.

"Đối với gia đình Tưởng Giới Thạch, chưa thể nghiên cứu thành công bom hạt nhân để tấn công Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc là một sự hối tiếc rất lớn", Guancha bình luận.

Tờ này tiết lộ thêm, vào tháng 9/1963, lãnh đạo Đài Loan khi đó là Tưởng Kinh Quốc đã tiến hành thăm viếng Mỹ và trong hầu hết các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Mỹ, ông này đều đề cập đến vấn đề tấn công hạt nhân vào Đại lục.

Đặc biệt, ngay trước ngày hội kiến Tổng thống John Kennedy, Tưởng Kinh Quốc cũng nêu vấn đề này với CIA.

Đến ngày 11/9, khi gặp mặt trực tiếp Tổng thống Kennedy, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành thảo luận vấn đề tấn công hạt nhân Đại lục. Tuy nhiên, Tổng thống Kennedy đã nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch.

Sau đó, tại buổi dạ tiệc ngày 20/9, Washington đã có câu trả lời cho Đài Bắc. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk cho biết, nếu Mỹ bắt tay Đài Loan tấn công Trung Quốc đại lục, Bắc Kinh nhất định sẽ dốc sức trả đũa nên kế hoạch này không thể thực hiện.

Báo Trung Quốc cho biết thêm, bất chấp sự từ chối từ Washington, Tưởng Kinh Quốc tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất hạt nhân mang tên "Taoyuan". Tuy nhiên, do Trương Hiến Nghĩa "đào tẩu" đến Mỹ nên kế hoạch của Đài Bắc bị thất bại.

"Ngày 12/1/1988 Trương Hiến Nghĩa bỏ sang Mỹ; ngày 13/1/1988 Tưởng Kinh Quốc từ trần khiến kế hoạch dùng máy bay IDF mang đầu đạn hạt nhân tấn công tự sát Đại lục của Đài Loan vì thế cũng đổ bể theo", Guancha viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại