Hôm 13/6, sau khi thông tin Chủ tịch kiêm CEO của An Bang, ông Ngô Tiểu Huy "bị đưa đi để phục vụ điều tra", các nhân viên của Ủy ban quản lý giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) được cho là đã bắt đầu triển khai điều tra trong tập đoàn bảo hiểm giá trị 2.200 tỉ nhân dân tệ này.
Cùng ngày, tờ Liêm Chính Liễu Vọng - tạp chí chống tham nhũng duy nhất của các tỉnh thành Trung Quốc được phép phát hành công khai - đăng bài viết "Chống tham nhũng trong ngành tài chính mới bắt đầu, còn chưa tới cao trào" của giáo sư Mao Chiêu Huy, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách trong sạch và tham nhũng, thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc, mang nhiều ẩn ý.
Trong bài, ông Mao đề cập giả thuyết rằng cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc mùa hè năm 2015 là một vụ "đảo chính kinh tế" do công ty chứng khoán thuộc dạng đầu tàu ở nước này dẫn dắt.
Vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhà đầu tư thất thoát hàng nghìn tỉ tệ, biến giai đoạn này trở thành "thách thức vô cùng lớn" đối với thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc, đại diện là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các nhóm quan chức có lợi ích trong bộ máy nhà nước Trung Quốc bị cáo buộc bắt tay với những "ông lớn" trong lĩnh vực tài chính để gây ra biến động thị trường, nhằm tạo khủng hoảng tài chính khiến nhà đầu tư "trắng tay" hàng loạt, làm phá sản các doanh nghiệp và xuất hiện tình trạng thất nghiệp trên diện rộng, biến đây thành trách nhiệm của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Ngô Tiểu Huy bị cho là có dính líu trong âm mưu này, cùng với nhà tài phiệt Tiêu Kiến Hoa - người đứng đầu Tomorrow Group, hiện cũng đang bị tạm giữ để điều tra về cáo buộc hối lộ và thao túng thị trường.
Tờ Bưu diện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 17/6 cho biết, nhà chức trách đặc biệt quan tâm đến vai trò của ông Tiêu trong biến động thị trường 2015, làm gia tăng lo ngại rủi ro về chính trị và tài chính trong Trung Nam Hải.
Tỉ phú Trung Quốc Ngô Tiểu Huy (Ảnh: Reuters)
Bắc Kinh nhằm vào các tập đoàn "có bối cảnh chính trị"
Nhà kinh tế học Trung Quốc Hà Thanh Liên, hiện sống tại Mỹ, đăng bài phân tích trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nói rằng di sản mà ông Tập Cận Bình nhận được khi lên nắm quyền bao gồm hàng trăm công ty do các gia tộc cách mạng ở Trung Quốc kinh doanh hoặc tham gia cổ phần.
Đãi ngộ dành cho các doanh nghiệp "có bổi cảnh chính trị" như thế nào trên thực tế đã trở thành đòn bẩy cho những nhóm muốn chống lại chính sách của Bắc Kinh.
Với việc ông Ngô Tiểu Huy, cháu rể của cố lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, phải rời vị trí lãnh đạo tập đoàn An Bang, dư luận bắt đầu quan tâm đến bước tiếp theo Bắc Kinh sẽ xử lý những công ty dạng này ra sao.
Theo bà Hà, ông Tập Cận Bình giữ quan điểm các gia tộc cách mạng cần rút khỏi lĩnh vực kinh doanh, bằng chứng là chị gái và anh rể của nhà lãnh đạo này đã bán hết cổ phần và rút khỏi doanh nghiệp của tỉ phú bất động sản Vương Kiện Lâm. Tuy vậy, nỗ lực thực hiện điều này ở phạm vi lớn là rất khó khăn, thậm chí bất khả thi.
"Bất cập trong ngành tài chính Trung Quốc tồn tại ở khắp các lĩnh vực như bất động sản, nợ, bảo hiểm, thị trường chứng khoán, ngân hàng... động vào một vấn đề có thể gây phản ứng dây chuyền. Nếu xuất hiện rủi ro tài chính ở một mắt xích nào đó thì có thể gây nguy hiểm cho giá trị tài sản của mọi gia đình," bà Hà Thanh Liên viết.
Chính phủ Trung Quốc phải đặt ưu tiên hàng đầu là gìn giữ an ninh tài chính, khiến những tập đoàn giá trị hàng trăm tỉ USD như An Bang khó lọt vào danh sách bị xử lý. Chính vì vậy, vụ việc ông Ngô Tiểu Huy là một tín hiệu mới, báo hiệu các doanh nghiệp khổng lồ bị "sờ gáy", sau khi ông Tập đã được xác nhận là "lãnh đạo hạt nhân" của ĐCSTQ, tương đương với vị thế của ông Đặng Tiểu Bình trong quá khứ.
Sau khi ông Tập trở thành lãnh đạo ở Đại hội khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, một bộ phận gia đình hậu duệ cách mạng đã rút khỏi thương trường theo kêu gọi, nhưng An Bang lại tiếp tục mở rộng và cố gắng bành trướng ra nước ngoài.
Hôm 26/4 vừa qua, Ngô Tiểu Huy trả lời phỏng vấn báo Tân Kinh (Trung Quốc) hé lộ tài sản bảo hiểm ở nước ngoài của An Bang là hơn 900 tỉ tệ, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài.