Ông Vũ Minh Châu được biết đến là Tổng giám đốc của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, một trong 5 đại gia vàng nắm giữ thị trường vàng bạc đá quý tại Hà Nội gồm Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hồng Quân và Bảo Tín Hoàng Long.
Cả 5 "trùm vàng" trên đều là anh, chị em ruột của một gia đình 6 người con trong gia tộc họ Vũ, là con của bà Lương Thị Điểm - người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho thương hiệu vàng Bảo Tín nổi tiếng khắp cả nước.
Gây dựng "cơ ngơi vàng" từ mẹt ốc luộc, thúng khoai lang
Bà Lương Thị Điểm (sinh năm 1936 tại Thường Tín, Hà Nội) đã nếm trải những cay đắng khổ cực của một thời đất nước chưa độc lập, tha phương cầu thực, buôn thúng bán mẹt, hàng ngày bán ốc luộc, khoai lang, nước chè... ở cổng chợ Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội); và từng bước gây dựng lên "cơ đồ" Bảo Tín vang danh như ngày hôm nay.
Bà Lương Thị Điểm từng tâm sự: "Ban đầu ngồi bán hàng ở cổng chợ, tiền nhàn rỗi trong dân, người ta chọn mặt gửi vàng đưa tôi buôn bán, rồi người ta biết mang tới tận nhà bán. Mình làm việc có tín, có tâm nên dần dần, nhiều người tin tưởng, có người vào tận nhà nhờ bán hộ vàng".
Cửa hàng vàng đầu tiên của bà ngày đó gọi là "Nhà vàng Bảo Tín", sau đó mới phát triển thành doanh nghiệp và ngày càng lớn mạnh với 5 nhánh "Bảo Tín" của 5 người con. Trong đó ông Vũ Minh Châu, người con cả của bà Lương Thị Điểm, là người đầu tiên bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh vàng và thương hiệu Bảo Tín Minh Châu của ông cũng lớn mạnh nhất so với 4 "nhánh" Bảo Tín còn lại.
Đại gia vàng có xuất phát điểm từ thợ sửa xe
Ông Vũ Minh Châu sinh năm 1953 trong gia đình có 6 anh chị em. Từ năm 11 tuổi, ông đã biết kiếm tiền để trang trải nhu cầu ăn học và quần áo của bản thân. Năm 15 tuổi, sau giờ học ông sửa xe đạp, đi câu tôm, cua, cá để chia sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Năm 1971, khi đang học lớp 9, ông Vũ Minh Châu nhập ngũ, sau 6 năm sinh hoạt trong môi trường quân đội, ông rời quân ngũ. Ông từng có 8 năm làm công nhân tại Công ty Vận tải Thương nghiệp. Trước khi bắt đầu với cửa hàng kim hoàn đầu tiên, ông là thợ sửa chữa và khôi phục lại những chiếc xe lam cũ.
Ông từng chia sẻ với báo chí, vì gia đình ông chỉ buôn bán vàng theo hình thức trao tay chứ không chế tác nên ông tự học từ thợ kim hoàn cách đánh nhẫn. Ông tự mua đồ nghề về tập đánh, từ đánh nhôm, đồng sau đánh bạc, quen rồi thì chuyển sang vàng. Chiếc nhẫn vàng đầu tiên của ông mất khoảng 1 tháng để hoàn thiện.
Năm 1989, cửa hàng kinh doanh Bảo Tín Minh Châu đầu tiên ra đời tại 29 Trần Nhân Tông Hà Nội. Sau 6 năm, ông nâng cấp từ doanh nghiệp tư nhân lên Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu.
Đến nay với hơn 30 năm phát triển, thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đã có hơn 5 cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội và rất nhiều đại lý trải dài khắp miền Bắc.
"Ông trùm buôn vàng" không thích nói về vàng hay những điều hoa mỹ, xa xỉ
Sở hữu thương hiệu "Bảo Tín Minh Châu" nhưng ông Vũ Minh Châu lại không nói nhiều về vàng. Thậm chí trang sức phụ kiện đắt tiền ông cũng không đeo trên người. Ông từng chia sẻ trên báo Pháp luật và Xã hội: "Dù tôi kinh doanh vàng, nhưng quan điểm của tôi, dùng trang sức sao cho thanh lịch, cho sang trọng, chứ không phải đắp vàng lên người cho ra vẻ quyền quý. Còn phương châm sống của tôi, còn một vài thứ còn giá trị hơn vàng, đó là sức khỏe, là giá trị của niềm tin, của lòng người".
Điều ông quan tâm là những chiêm nghiệm trong cuộc sống. Với ông, cuộc sống thực sự có nhiều điều còn quý giá hơn vàng, đặc biệt là sức khỏe và văn hóa, phương châm sống của mỗi người.
Bắt đầu từ nòng cốt của công ty là chính những nhân viên đồng hành cùng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, nam phải như thầy giáo, nữ như cô giáo, tóc để đen tự nhiên, không nhuộm màu, không uốn tỉa, không xăm môi, phun mày. Nam không xăm trổ, không cắt tóc cua, để đầu trọc, các kiểu dị, phá cách; nữ không mặc váy quá ngắn, không được mặc quần bó sát, cạp trễ. Điều này có trong 14 lời Huấn thị và Định hướng văn hóa công ty do ông Vũ Minh Châu quy định và được in trang trọng, đóng khung treo tường.
Đích thân ông Vũ Minh Châu còn tự tay lựa chọn vải và thiết kế quần áo kiểu dáng thanh lịch, văn minh để đặt may cho nhân viên. Chia sẻ về nét văn hóa đặc biệt của công ty, ông cho biết, Bảo Tín Minh Châu muốn xây dựng một nét văn hóa đặc biệt, ở đó tôn vinh giá trị truyền thống, giữ gìn, phát huy những nét đẹp là bản sắc dân tộc.
Vì thế mỗi thành viên công ty phải đẹp từ đạo đức, tư cách đến vẻ bề ngoài. Vẻ bề ngoài thể hiện ở cách ăn mặc, đầu tóc, trang điểm. Phải là nét đẹp tự nhiên trong sáng, đáng tin cậy và đặc biệt phải khỏe mới đẹp được.
Người thân hay gia đình của nhân viên công ty đều được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt, được đích thân ông tặng đồ dùng, thực phẩm chăm sóc sức khỏe hay những thực phẩm sạch từ khắp các vùng miền mà ông mua được.
"Làm kinh doanh hay bất cứ việc gì cũng phải tự biết cách chăm sóc sức khỏe và mọi người xung quanh để họ cùng khỏe, cùng sống vui với mình. Cuộc sống như thế mới thực sự có ý nghĩa", ông Vũ Minh Châu từng nói về quan điểm sống của mình trên báo Pháp Luật như vậy.