Bão số 7 gây mưa rất to tại nhiều địa phương

Nhóm PV/VOV |

14h chiều 18/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ NN&PTNN kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số tuyến đê xung yếu trên địa bàn Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, tối nay (18/10), bão số 7 sẽ gây mưa to đến rất to tại các địa phương như: Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Hiện, chính quyền các địa phương đang khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh bão và chuẩn bị các phương án ứng phó.

Quảng Ninh và Hải Phòng là nơi ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão

Được dự báo là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống bão, chủ động các phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu bão vào đất liền.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện 21/CĐ-UBND về chủ động đối phó với cơ bão số 7, đồng thời thành lập 6 đoàn công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn trực tiếp xuống tất cả các địa phương trong tỉnh chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 7.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi và các lồng bè nuôi trồng thủy sản về các nơi neo đậu trú tránh an toàn; vận động người dân chằng buộc, gia cố nhà cửa; di dời người dân trông coi tại các lều trại, bè nuôi trồng thủy sản vào bờ; di dời người dân tránh xa các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá, những khu vực trũng thấp ven biển; đảm bảo an toàn cho lao động tại các khu công nghiệp.

7h sáng ny (18/10), toàn bộ hơn 500 phương tiện vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long đã về nơi tránh trú bão theo quy định của tỉnh.

Hơn 3.000 ha lúa chín của nhân dân chưa thu hoạch xong đã được các lực lượng quân đội đóng chân trên địa bàn huy động cán bộ chiến sĩ, phương tiện máy móc hỗ trợ thu hoạch trước khi bão về.

Các địa phương hiện đang bố trí lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ chủ động phòng chống bão số 07, sẵn sàng lực lượng khắc phục những vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở có thể xảy ra khi bão đổ bộ. Quảng Ninh cũng dừng tất cả các cuộc họp không quan trọng để tập trung phòng chống bão.

Thành phố Hải Phòng cũng bố trí 5 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Thành phố trực tiếp đi kiểm tra những điểm xung yếu trên địa bàn đặc biệt là các địa điểm có nguy cơ ngập lụt cao, kịp thời chỉ đạo có các phương án chống ngập khi lượng mưa lớn xảy ra.

Thành phố huy động huy động 2.000 dân quân tự vệ và quân đội, máy gặt tại các địa phương khác để gặt lúa mùa cho 2 huyện Thủy Nguyên và Kiến An.

Từ ngày 17/10, các phương tiện đánh bắt xa bờ trên đảo Bạch Long Vỹ đã về nơi tránh trú an toàn; tàu cứu hộ cứu nạn cũng đã được điều động ra Vịnh Lan Hạ - Cát Bà, để ứng phó với những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Để chủ động đối phó với diễn biến của bão số 7, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung triển khai phòng chống bão từ ngày hôm nay (18/10).

Các địa phương, nhất là thành phố Nam Định và các huyện ven biển triển khai phương án di dời người và tài sản ra khỏi những nhà nguy hiểm, khu nhà không đảm bảo an toàn; có phương án sơ tán dân tại các vùng cửa sông, ven biển, ngoài đê, người ở trong đê tại các điểm xung yếu, du khách tại các khu du lịch đến nơi an toàn; kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, người trên tàu thuyền đánh cá; Chủ động tiêu rút nước đệm, đảm bảo mực nước khống chế theo phương án được duyệt; sẵn sàng phương tiện, nhân lực chống úng bảo vệ lúa mùa và rau màu vụ đông.

Ông Đặng Ngọc Thắng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết: “Chúng tôi cấm biển từ 19h ngày 17/10 đến 17h ngày 18/10 di dời toàn bộ dân cư và lồng bè ở ngoài vào nơi an toàn.

Bây giờ tất cả các thành viên Ban Chỉ huy đã xuống địa bàn triển khai chống bão”.

Hiện tại, Nam Định có 77.000 ha và đã gặt được 42%. Chúng tôi cố gắng trong ngày hôm nay gặt đạt được khoảng 60% trên tổng diện tích 77.000 ha. Chúng tôi cũng chỉ đạo các công ty thủy nông tiêu kiệt nước đệm để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa từ 100 đến 200 mm”.

Tại tỉnh Thái Bình, đến sáng nay, lực lượng Biên phòng tỉnh đã thông tin cho toàn bộ tàu thuyền trên biển biết hướng đi và diễn biến của bão số 7.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình đã tổ chức 2 đội, một đội trên cạn tuyên truyền bằng loa tay cho ngư dân và một đội trực tiếp thực hiện trên sông, trên biển bằng phương tiện ca-nô nhằm triển khai các phương án đến tận ngư dân, nhất là bà con trông coi chòi ngao, sinh sống ngoài đê biển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Sẽ đưa toàn bộ gần 1.300 tàu, thuyền, với 3.560 lao động về trú bão an toàn

Dự kiến 18h chiều nay (18/10), Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình sẽ đưa toàn bộ gần 1.300 tàu, thuyền, với 3.560 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản về nơi neo tránh trú bão an toàn.

Thượng tá Trần Ngọc Anh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình cho biết: “Hơn 1.000 tàu thuyền đã nắm được thông tin về cơn bão số 7 này và đã đi vào neo đậu an toàn tại tỉnh Thái Bình.

Hiện có 50 phương tiện với 251 lao động hiện đang neo đậu tại cảng Hải Phòng. Đến thời điểm này, tất cả các số phương tiện đều đã liên lạc được và vào nơi trú bão an toàn”.

Theo Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến sáng nay (18/10), Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.739 phương tiện, tàu, thuyền/288.683 người và 3.080 lồng bè nuôi trồng thủy sản/3.678 người biết thông tin, vị trí, hướng di chuyển của bão số 7 để chủ động các biện pháp phòng, tránh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại