Năm 2021, khoảng 40% giày dép Adidas được sản xuất tại Việt Nam. Đây là kết quả của quá trình Adidas đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong suốt thập kỷ qua, nhằm tìm kiếm lực lượng lao động có mức lương phù hợp để sản xuất hàng hóa.
Không chỉ riêng Adidas, đây cũng là xu hướng chung trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc khi mức lương tại 1 số thị trường truyền thống đã tăng lên.
Adidas đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thích nghi với biến động thị trường. Ảnh: GQ.
Một số nguyên nhân nữa khiến các doanh nghiệp phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng là cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ - Trung cùng nhiều hệ lụy tới hoạt động kinh doanh toàn cầu và thêm vào đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do hạn chế biên giới để phòng dịch Covid-19. Tất cả những điều này khiến thị trường phải thích nghi để tồn tại và phát triển.
Là một doanh nghiệp lớn, Adidas đã đi đầu trong cấu trúc chuỗi cung ứng của mình tại Việt Nam. Việc tìm hiểu cách làm của Adidas có thể mang lại những hiểu biết quan trọng về cơ sở hạ tầng, nguồn lao động sẵn có và lựa chọn địa điểm cho các công ty sản xuất đồ thể thao đang tìm cách thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Adidas sản xuất gì ở Việt Nam?
Adidas sản xuất quần áo, giày dép và phụ kiện tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, Adidas có bảy nhà máy sản xuất phụ kiện và sử dụng 15.552 lao động. Họ cũng có 24 nhà máy sản xuất hàng may mặc và sử dụng 63.513 lao động cùng 21 nhà máy sản xuất giày dép với 114.233 công nhân.
Ngoài ra, với tư cách là nhà tài trợ chính thức của World Cup 2022, Adidas cũng đã đưa một số nhà cung cấp chính tại Việt Nam vào danh sách các nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao, trang phục và giày dép cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới năm ngoái.
Về phía các nhà cung cấp, tính đến tháng 7 năm 2022, Adidas có 51 nhà cung cấp chính tại Việt Nam, sử dụng hơn 190.000 công nhân Việt Nam. Các nhà máy này chủ yếu tập trung ở phía Nam tại các trung tâm sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Lý giải việc hoạt động của Adidas tập trung nhiều tại khu vực phía nam Việt Nam, trang Vietnam-Briefing cho rằng đó là vì hệ thống cảng của Thành phố Hồ Chí Minh rất rộng lớn. Năm 2019, Cảng Sài Gòn xếp thứ 26 trong số các cảng lớn nhất thế giới và đứng thứ năm trong khu vực ASEAN.
Cảng Cái Mép-Thị Vải, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80 km về phía Nam, cũng giúp vận chuyển hàng hóa ra vào Việt Nam. Là một cảng nước sâu, Cái Mép-Thị Vải cho phép các tàu lớn hơn cập cảng. Điều này giúp có hàng hóa khối lượng lớn hơn có thể được vận chuyển dễ dàng hơn và có thể làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển.
Thêm vào đó, cảng Cái Mép-Thị Vải, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng tiếp giáp với Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh - hai địa phương có nhiều nhà cung cấp nhất cho Adidas tại Việt Nam.
Nhìn chung, các cảng thuộc TP.Hồ Chí Minh và khu vực lân cận chiếm khoảng 67% sản lượng cảng biển của Việt Nam.
Thêm vào đó, là một trung tâm sản xuất hàng dệt may, miền Nam Việt Nam đã phát triển một lực lượng lao động có tay nghề tương đối cao trong sản xuất hàng may mặc. Nguồn lao động này cũng có chi phí thấp, mang lại lợi ích to lớn cho các công ty sản xuất hàng may mặc ở quốc gia Đông Nam Á này.
Trung tâm dân số lớn nhất của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nằm ở phía nam của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh có dân số gần 9 triệu người vào năm 2019 theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Do đó, lực lượng lao động ở đây tương đối dồi dào.
Quan hệ hợp tác của Adidas và Việt Nam
Adidas đã liên tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra trong hơn một thập kỷ và chiến lược này đã đưa Việt Nam trở thành một trung tâm lớn về sản xuất đồ thể thao.
Điều này mang lại lợi ích chung cho cả Adidas và Việt Nam, trong đó Adidas được hưởng lợi từ việc chi phí đầu vào thấp hơn và Việt Nam được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn.
Và mối quan hệ hợp tác này dự kiến sẽ còn phát triển. Vào tháng 10/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành của Adidas, Kasper Rorsted để thảo luận về kế hoạch mở rộng của Adidas tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Kasper Rorsted, Tổng Giám đốc Tập đoàn Adidas. (Ảnh:TTXVN)
Theo tin từ TTXVN, tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Tập đoàn Adidas đã có những kết quả kinh doanh hết sức tích cực trong năm 2022 và Việt Nam tiếp tục là địa bàn chiến lược của Adidas. Việt Nam là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho Adidas.
Tổng giám đốc Tập đoàn Adidas Kasper Rorsted cũng cho biết, trong thời gian tới, Adidas sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng quy mô, tạo việc làm thêm cho nhiều lao động để Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn của Adidas. Ông cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để Adidas tham gia nhiều hơn trong đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Điều này cho thấy rằng, mặc dù những khó khăn cả trong và ngoài nước gần đây đã khiến tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chậm lại, nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn hứa hẹn là một điểm đến thích hợp cho các thương hiệu lớn như Adidas.