Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 2/1, vị trí tâm bão ở vào khoảng 6,1 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 430km về phía Đông Nam, cách Côn Đảo khoảng 340km về phía Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Đến 13h ngày 3/1, vị trí tâm bão ở 6,9 độ Vĩ Bắc; 104,4 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 200km về phía Nam, cách Côn Đảo khoảng 300km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 5,0 độ Vĩ Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13h ngày 4/1, vị trí tâm bão ở khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 101,3 độ Kinh Đông, cách mũi Cà Mau khoảng 350km về phía Tây, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 230km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 13 giờ ngày 5/1, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 98,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Từ hôm nay (2/1) đến hết ngày 3/1 ở vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông, vùng biển phía Nam Cà Mau có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, quan sát ảnh radar thời tiết cho thấy, mây đối lưu đang phát triển mạnh, gây mưa, mưa rào và dông trên khu vực ven biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và các tỉnh thành Nam Bộ.
Trong 1-3 giờ tới, mây đối lưu tiếp tục phát triển, gây mưa, mưa rào và dông cho các khu vực trên. Trong cơn dông, cần đề phòng có gió giật mạnh.
Để ứng phó với bão Pabuk, sáng 2/1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho rằng phải xác định đây là cơn bão nguy hiểm, “trái vụ” nên nguy cơ ảnh hưởng lớn.
Vì vậy, các đơn vị cần phối hợp thông báo cho các tàu thuyền tránh vùng biển nguy hiểm. Đồng thời, Bộ GTVT cần rà soát hoạt động vận tải biển vãng lai (không biết luồng lạch, địa hình) để tránh nguy hiểm.
Ông Nguyễn Long Hoai (Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau) cho biết, bão đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến vùng biển và phần đất liền của tỉnh. Tỉnh đã cấm biển từ trưa qua.
Hơn 2.500 tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn, khoảng 1.000 chiếc còn hoạt động đang được kêu gọi vào bờ.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển tìm nơi trú tránh, và tuyệt đối không để người ở lại trên các chòi canh đáy ở ngoài biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có nhiệm vụ rà soát đội tàu cứu hộ, cứu nạn; đồng thời liên hệ với Hải quân Vùng 5, và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 để phối hợp bố trí phương tiện, lực lượng ứng cứu khi có tình huống xấu.
Hiệu trưởng các trường học, đặc biệt các trường ven biển thường xuyên theo dõi thông tin bão, nhằm kịp thời xử lý trong các tình huống khẩn cấp.