Báo nước ngoài viết về di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bình Giang - Thái An |

Báo Mỹ Washington Post và giới chuyên gia ở Singapore vừa có các bài viết điểm lại một số dấu ấn và di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời kỳ đất nước chuyển đổi mạnh mẽ.

Theo bài viết trên báo Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là người cứng rắn trong Đảng, nhưng cũng chủ trương mở cửa đất nước hơn nữa để đón nhận hợp tác kinh tế và đầu tư từ nước ngoài.

Bài viết điểm lại những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm lãnh đạo Việt Nam, một quốc gia đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ với các nước lớn, gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái để nâng cấp quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện, ông đã có cuộc gặp riêng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng , một điều chưa từng có đối với lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ.

Báo nước ngoài viết về di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà, chiều 12/12/2023 tại Trụ sở Trung ương Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Bài viết nhấn mạnh, những năm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biết đến với chiến dịch chống tham nhũng đặc trưng, chiến dịch “đốt lò”, khiến nhiều quan chức cấp cao và các cấp khác phải từ chức hoặc bị xử lý vì tham nhũng và sai phạm.

“Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Sáu đã gửi lời chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Xinhua đưa tin tối 19/7.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn với cựu thù Mỹ, trong bối cảnh Washington tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam để phát triển mạng lưới đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhiều công ty Mỹ chuyển sang Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Trọng tiếp đón cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội trong những tháng gần đây.

Cống hiến không ngừng

Ngày 19/7, trên diễn đàn fulcrum.sg (Singapore) có nhiều ý kiến về đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với chính trị, kinh tế, ngoại giao … Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được biết đến nhiều nhất với việc khởi xướng chiến dịch “đốt lò” nhắm vào quan chức tham nhũng ở mọi cấp bậc. Kể từ năm 2016, hơn 139.000 đảng viên đã bị kỷ luật, bao gồm 40 ủy viên Trung ương Đảng và 50 tướng trong lực lượng quân đội và công an. Có tám ủy viên Bộ Chính trị đã xin từ chức hoặc bị cho thôi chức. Từ năm 1986 đến 2016, không có thành viên Bộ Chính trị nào bị cách chức vì tham nhũng và chỉ có chín ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật vì các tội liên quan đến tham nhũng.

Dưới sự giám sát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an đã được củng cố để chống tham nhũng. Ngoài ra, có sự nhấn mạnh vào việc làm mới tư tưởng như một phương tiện để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức trong đảng viên.

Cách tiếp cận quản lý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung vào các vấn đề của đảng, để lại các chính sách kinh tế và đối ngoại của đất nước tương đối tự do. Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục các cải cách kinh tế và duy trì cách tiếp cận mở đối với thương mại và đầu tư. Mặc dù ban đầu có lo ngại rằng với tư cách là một nhà tư tưởng từng được đào tạo ở Liên Xô, ông Trọng sẽ hướng Việt Nam về phía Trung Quốc và Nga, làm tổn hại đến mối quan hệ với các nước phương Tây, nhưng thực tế ông đã giám sát việc tăng cường quan hệ của Việt Nam với các đối tác này. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023, cũng như chuyến thăm lịch sử của ông tới Nhà Trắng vào năm 2015.

Sự cống hiến không ngừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với việc xây dựng đảng đã dẫn đến những thay đổi thể chế đáng kể. Ông đã khởi xướng Quyết định 244, trong đó thể chế hóa các cuộc bầu cử trong đảng và đưa ra các quy định quan trọng về tiêu chí và quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với các quan chức cấp cao. Dưới sự chỉ đạo của ông, Đảng đã thí điểm các cuộc bầu cử trực tiếp ở cấp cơ sở…

Kiến trúc sư của chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất

Ngày 19/7, hãng tin Đức DW nhận định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kiến trúc sư của chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất ở Việt Nam, là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất đất nước”. Chiến dịch “đốt lò” đã điều tra, xử lý hàng nghìn người phạm tội tham nhũng.

Cùng ngày, trang tin Ấn Độ Stratnews Global nhận định: “Nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặc trưng bởi những nỗ lực mạnh mẽ không ngừng chống tham nhũng và sức ảnh hưởng chính trị đáng kể”. Ông đã khởi xướng một chiến dịch lớn chống tham nhũng vào năm 2017, dẫn đến các cuộc điều tra, xử lý hàng trăm quan chức, bao gồm chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, bộ trưởng… Hy vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ “lựa chọn được người kế nhiệm có thể duy trì sự ổn định và tiếp tục phát triển đất nước”, trang tin Ấn Độ viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại