Bao nhiêu liều “thuốc đắng”, liệu đã đủ “giã tật” cho Les Bleus?

Thiên Phong |

Sẽ là một sự sỉ nhục, một thất bại không thể tha thứ, nếu Didier Deschamps không thể cùng đoàn quân của ông độc bá ngôi cao, và tự dọn cho mình một chỗ ngồi tại bàn tiệc danh giá.

Không chỉ là vì lúc này, trên lý thuyết, Les Bleus có quá nhiều lợi thế quá rõ rệt, so với Croatia.

Sự suy kiệt về thể lực của một đối thủ đã 3 trận liền phải thi đấu trọn vẹn 120 phút, chỉ thế thôi, đã là một ưu thế tuyệt đối mà bất cứ HLV nào cũng sẽ tận dụng tối đa, nhằm tạo nên những khoảng cách không thể san lấp trong thế trận cũng như trên bảng điện tử.

Mà thực tế, trong tay Didier Deschamps có mọi công cụ để biến kế hoạch tàn nhẫn ấy thành hiện thực. Sức càn lướt của Giroud, sự ma mãnh của Griezmann và đặc biệt là tốc độ gió bão của Mbappe đủ sức vắt kiệt chút sinh lực ít ỏi còn sót lại của khu vực phòng ngự Croatia. Phía sau họ, còn là Kante, Matuidi và Pogba, một hàng tiền vệ đầy cơ bắp, rất khó bị đánh bại trong các cuộc tranh chấp tay đôi.

Bao nhiêu liều “thuốc đắng”, liệu đã đủ “giã tật” cho Les Bleus? - Ảnh 1.

Hơn thế, còn lý do nào để ngăn cản Les Bleus nghiền nát Croatia trong một guồng quay bạo liệt thường được gọi là "chiếc cối xay thể lực", khi Deschamps cùng các học trò đã chứng kiến đoàn quân Balkan 3 trận liên tiếp nhập cuộc không được như ý, đã chứng kiến các đối thủ bị đánh giá thấp hơn là Đan Mạch và Nga đẩy Croatia vào thế phải rượt đuổi bằng những đòn phủ đầu, đã chứng kiến một đối thủ cũng nắm giữ nhiều ưu thế hơn như Anh gần như đã bỏ được chiến thắng vào túi.

Điểm chung của cả ba trận đánh đã kết thúc với phần thắng thuộc về Croatia ấy là gì? Là cả Đan Mạch, Nga và Anh đều đã, bằng cách này hay cách khác, để Croatia có cơ hội trở lại với cuộc chơi, khi cảm nhận được dù chỉ một tia hy vọng mong manh. Những lơ là sơ sót chết người đã trở thành bậc thang dẫn đoàn quân của Dalic vào đến trận chung kết này. Những tấm gương tày liếp. Những vết xe đổ hằn lên rõ rệt.

Bao nhiêu liều “thuốc đắng”, liệu đã đủ “giã tật” cho Les Bleus? - Ảnh 2.

Và ngược lại, chính người Pháp cũng còn chưa tiêu hóa được hết vị đắng của chén thuốc độc mà họ từng phải uống cạn hai năm về trước. EURO 2016, Bồ Đào Nha cũng đã đối diện với họ trong tình cảnh này. Thậm chí, trong cuộc chiến danh vọng cuối cùng năm ấy, mọi chuyện còn trở nên tệ hại hơn nhiều, đối với đội bóng Iberia ấy, khi niềm hy vọng lớn nhất Cristiano Ronaldo bị đánh bật khỏi trận đấu bởi Payet.

Chỉ có 1 lý do duy nhất trùm phủ lên thất bại cay đắng ngay tại Paris đó: Sự ngạo mạn và thái độ coi thường đối thủ. Les Bleus đã nghĩ đến chiếc cúp vô địch châu Âu ngay từ khi CR7 rời sân, và họ đã phải trả cho điều đó một cái giá cắt cổ.

Bao nhiêu liều “thuốc đắng”, liệu đã đủ “giã tật” cho Les Bleus? - Ảnh 3.

Bóng ma EURO 2016 liệu có quay trở lại với tuyển Pháp?

Bây giờ, khi đã duy trì mạch sáu trận bất bại ở World Cup, với cùng một tâm thế thận trọng và tập trung, đã đi đến trận cuối cùng bằng những chiến thắng không có gì quá thuyết phục, đã tỏ ra vô cùng xuất sắc trên phương diện hủy hoại lối chơi của các đối thủ, đã gần như đoạn tuyệt hoàn toàn với mọi sự bay bướm hoa mỹ từng được lưu truyền từ thế hệ Platini qua thế hệ Zidane… sẽ chẳng có lý do nào xá miễn cho một thất bại nữa.

Croatia, như Đan Mạch, Nga và Anh đã chứng minh: Xuất sắc, nhưng không thể xem là không thể bị đánh bại. Và ngược lại, Les Bleus chỉ có thể bị đánh bại, nếu đột nhiên lại tự tay hủy hoại các cơ hội chiến thắng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại