Mới đây, Nikkei Asia đưa tin, thời gian gần đây, Quảng Ninh đã vượt qua Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để trở thành địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất Việt Nam trong năm 2023. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, lượng vốn FDI các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Quảng Ninh đạt khoảng 3,1 tỷ USD, dẫn đầu cả nước. Đứng thứ hai là Thái Bình với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 2,68 tỷ USD. Tiếp theo là Bắc Giang với 1,53 tỷ USD. Sang đến năm 2024, lượng vốn FDI rót vào Quảng Ninh dự kiến sẽ tiếp tục vượt mốc 3 tỷ USD trong năm thứ hai liên tiếp.
Với vị trí địa lý ngay cạnh Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, Quảng Ninh bắt đầu thu hút sự chú ý từ các doanh nghiệp nước ngoài và được coi là một trong những địa điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, nhờ sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, số lượng nhà máy điện khí LNG và điện gió trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cũng tăng lên, phản ánh sự chuyển dịch lớn trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, các dự án trong các ngành công nghiệp như công nghệ pin quang điện mặt trời, thiết bị điện tử và hóa dầu cũng đang mở rộng trên địa bàn tỉnh.
Một trong những dự án tiêu biểu phải kể đến là dự án công nghệ pin quang điện của Jinko Solar PV Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 34,65 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ USD).
Ngoài ra, việc khai trương Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) vào năm 2018 đã góp phần tạo sức bật cho thành phố và các vùng lân cận, trong đó có Quảng Ninh. Không chỉ vậy, cao tốc 04 nối Hà Nội – Hải Phòng cũng như cao tốc 06 Hải Phòng – Móng Cái cũng góp phần tạo cơ hội để Quảng Ninh phát triển.
Theo Nikkei Asia, trước đây, Hà Nội và TP.HCM được biết đến là hai trung tâm đầu tư của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi phí nhân công và giá thuê đất tại các khu công nghiệp ở hai thành phố lớn này đã tăng vọt.
Cụ thể, theo Sufex Trading, chi phí cho thuê tại các khu công nghiệp ở Hà Nội đã tăng từ mức 90-120 USD/m2 vào năm 2019 lên mức 100-170 USD/m2 vào năm 2023. Mức phí này tại TPHCM dao động từ 160-270 USD/m2, tăng từ mức 130-160 USD/m2 (2019). Trong khi đó, giá thuê tại Quảng Ninh dao động từ 80-100 USD/m2, so với mức 60-70 USD/m2 vào thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Không chỉ vậy, chi phí nhân công tại Quảng Ninh cũng thấp hơn so với các đô thị lớn. Theo Tổng cục Thống kê, mức lương trung bình hàng tháng ở Hà Nội năm 2022 là 8,86 triệu đồng (385 USD), tại TP.HCM là 9,1 triệu đồng trong khi tại Quảng Ninh là 7,03 triệu đồng.
Ông Hiroki Tsuchiya, Giám đốc điều hành Khu Công nghiệp DEEP C cho biết: "Các tỉnh lân cận Hải Phòng như Quảng Ninh, Thái Bình sẽ tiếp tục được các công ty nước ngoài ưa chuộng".
Tầm quan trọng chiến lược của tỉnh Quảng Ninh còn được thể hiện rõ trong kế hoạch phát triển đường sắt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam mới đây cho biết, việc xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nối Hà Nội với Trung Quốc sẽ bắt đầu trước năm 2030. Các đoàn tàu dự kiến sẽ dừng ở Hải Phòng và Quảng Ninh.