Báo ngoại kể tiếp chuyện bánh mì Việt: Từ món mặn nổi tiếng toàn cầu đến cú chuyển mình thành món chay chinh phục thực khách quốc tế

Gia Vũ |

Grace Nguyễn, người sáng lập một nhà hàng thuần chay chia sẻ: 'Ở một khía cạnh nhất định, bánh mì chay còn ngon hơn bánh mì thông thường vì không sử dụng thịt động vật'.

Các món ăn đường phố tinh túy của Việt Nam đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Ngoài những món mặn, nhiều món chay không kém phần ngon miệng cũng được đông đảo người ăn kiêng yêu thích.

Nếu có dịp đến Việt Nam, bạn sẽ nhận ra rằng khó có chỗ nào lại không thể tìm thấy một quầy bánh mì. Mọi người ưa chuộng món này đến nỗi nó đã chính thức được thêm vào Từ điển Tiếng Anh Oxford năm 2011.

Bánh mì được cho là có từ thời kỳ Pháp thuộc tại Việt Nam từ những năm 1880 đến 1954. Trong những thứ người Pháp đem vào Việt Nam, tất nhiên bao gồm một số loại thực phẩm và bánh mì là một trong số đó.

Người Pháp thường ăn bánh mì baguettes phết với gan gà hoặc pate gan ngỗng và điều này đương nhiên là khá xa xỉ với người Việt thời bấy giờ. Chính vì vậy, họ đã tự tạo phiên bản của mình với gan heo rẻ hơn để thay thế.

Báo ngoại kể tiếp chuyện bánh mì Việt: Từ món mặn nổi tiếng toàn cầu đến cú chuyển mình thành món chay chinh phục thực khách quốc tế - Ảnh 1.

Bánh mì Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa các nguyên liệu.

Đến năm 1950, người Việt nảy ra ý tưởng kết hợp nhiều loại nguyên liệu với nhau trong một chiếc bánh mì duy nhất. Thay đổi đó đã tạo ra sự bùng nổ về hương vị: Bánh mì nóng giòn, nhân rau nộm, rau thơm và các loại thịt, kết hợp cùng nước sốt thịt, sốt cà chua, tương ớt.

Tất cả đã giúp bánh mì trở thành một trong những món ăn "quốc dân" của Việt Nam và được người nước ngoài vô cùng yêu thích.

Sự phát triển của bánh mì chay

Dù theo truyền thống, bánh mì là một món ăn mặn nhưng nó đã được biến đổi để phù hợp với người ăn chay. Việt Nam có một bộ phận dân số theo Phật giáo, vì vậy, bánh mì chay thường được chuẩn bị tại các ngôi đền, chùa.

Ngày nay, bánh mì chay đã trở nên phổ biến và có mặt ở khắp nơi. Nó không chỉ dành cho người ăn chay địa phương mà còn phù hợp với khách du lịch thuần chay đến thăm Việt Nam (trước dịch Covid-19).

Grace Nguyễn, người sáng lập nhà hàng thuần chay Karma Waters hiện đang sống ở Hong Kong chia sẻ: "Ở một khía cạnh nhất định, bánh mì chay còn ngon hơn bánh mì thông thường vì không sử dụng thịt động vật". 

Cô sử dụng đậu phụ xắt nhỏ và giăm bông đậu nành tại nhà hàng của mình ở Hội An và Đà Nẵng. Theo Grace, bí quyết tạo nên một chiếc bánh mì xuất sắc là nước sốt. Nước sốt thịt nướng thuần chay được sử dụng trong món bánh mì chay của cô đã nói lên điều đó.

Báo ngoại kể tiếp chuyện bánh mì Việt: Từ món mặn nổi tiếng toàn cầu đến cú chuyển mình thành món chay chinh phục thực khách quốc tế - Ảnh 2.

Bánh mì chay tại nhà hàng của Karma.

Ghé thăm cửa hàng Bánh mì 25 nổi tiếng ở Hà Nội, bạn sẽ thấy một hàng dài thực khách đứng đợi. Gian hàng đường phố này có một thực đơn bánh mì thuần chay khá phong phú, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch với các thành phần như nấm, quả bơ và pate thuần chay "nhà làm".

Báo ngoại kể tiếp chuyện bánh mì Việt: Từ món mặn nổi tiếng toàn cầu đến cú chuyển mình thành món chay chinh phục thực khách quốc tế - Ảnh 3.

Sản phẩm của cửa hàng Bánh mì 25.

Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, có hẳn một khu phố chuyên bán bánh mì chay. Ví dụ như quán Chaystation, nơi tự hào với nhân bánh mì thuần chay như xúc xích đậu phụ, nộm đu đủ khô… 

Hay quán Fingerprint Vegetarian Bánh Mì có các loại thịt chay như thật, nấm chiên, vỏ bưởi lên men và sốt mayonnaise thuần chay tự làm.

Báo ngoại kể tiếp chuyện bánh mì Việt: Từ món mặn nổi tiếng toàn cầu đến cú chuyển mình thành món chay chinh phục thực khách quốc tế - Ảnh 4.

Phiên bản của Chaystation.

Bùng nổ trên toàn thế giới

Một trong những lý do khiến các nước phương Tây đón nhận nhiệt tình món bánh mì của Việt Nam là vì họ đã quen với bánh mì và nước sốt (theo phong cách của họ). 

Sự phổ biến của bánh mì Việt trên thế giới đồng nghĩa với việc những người sành ăn phương Tây không nhất thiết phải đến Việt Nam mới được thưởng thức món này.

Đặc biệt, đối với người ăn chay, các lựa chọn rất phong phú. Quán Just Green ở Sydney có món bánh mì chay với đậu phụ xé nhỏ, thịt gà hoặc thịt lợn chay. Hay một cửa hàng ở New York phục vụ món bánh mì nhân đậu phụ tẩm gia vị và chất phết làm từ súp lơ.

Ngay cả khi thích ăn thịt, chắc hẳn bạn không thể phủ nhận sự phát triển của bánh mì chay ở Việt Nam và trên khắp thế giới là rất ấn tượng. Sự sáng tạo nguyên liệu chay đã giúp món ăn này tiếp cận với nhiều thực khách hơn và hứa hẹn tạo thêm ấn tượng cho bánh mì Việt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại