Nhận định trên đã được các chuyên gia phân tích đến từ ấn phẩm Washington Post (WP) của Mỹ đưa ra, khi họ tin tưởng rằng các nước châu Âu không thể so sánh với Nga về đầu tư vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Đây là lý do tại sao ngành chế tạo vũ khí Nga phát triển tốt hơn các đối thủ trong khối EU.
Tờ WP lưu ý rằng tên lửa Oreshnik đặt ra “mối đe dọa trực tiếp khi có khả năng hủy diệt toàn bộ châu Âu, ngay cả khi vũ khí này được trang bị đầu đạn thông thường”.
Ngoài ra một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng tên lửa mới là tín hiệu mạnh mẽ được Nga gửi tới các đối thủ, khuyên họ không nên can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba.
Nhiều nhà phân tích châu Âu gọi việc Nga lần đầu tiên sử dụng Oreshnik là kỷ nguyên tên lửa mới, điển hình như ông Alexander Gref - một chuyên gia của Viện Chính sách An ninh và Nghiên cứu Hòa bình Hamburg đã nghĩ như vậy.
"Tên lửa được trang bị cả chục đầu đạn dẫn đường tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10, không thể đánh chặn vũ khí như vậy", ông Gref nhấn mạnh.
Trong khi đó ông Dekker Eveleth - nhà phân tích tại Trung tâm an ninh CNA lại kêu gọi xem xét nghiêm túc lời nói của Tổng thống Vladimir Putin về việc Nga sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào.
Ông Eveleth lưu ý rằng với sự trợ giúp của một số lượng nhỏ tên lửa Oreshnik ngay cả ở cấu hình thông thường, tức là phi hạt nhân, Moskva vẫn có thể phá hủy tất cả các căn cứ quân sự ở châu Âu. Đồng thời tiềm năng hạt nhân của các loại tên lửa tầm trung này còn đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn nữa.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik tấn công mục tiêu trên đất Ukraine.
Theo Washington Post