Bão mua sắm cuối năm: Quảng cáo giảm 80% giăng kín phố

Hồ Phượng |

"Dọn kho đón Tết " đã trở thành chương trình khuyến mãi thường niên của rất nhiều cửa hàng quần áo vào thời điểm những ngày cuối năm. Có nơi, nhiều sản phẩm giảm giá đến 80%.

Dọc những con phố Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Trần Thái Tông, Chùa Bộc…, các cửa hàng quần áo đua nhau treo biển giảm giá với nhiều mức khác nhau. Phía sau những câu chào mời đầy hấp dẫn như "Xả kho đón Tết", "Sales toàn bộ"... được in đậm trên các băng rôn là mức giảm tới 70%- 80%.

Giảm giá nhiều nhất là các sản phẩm thời trang nam nữ của các thương hiệu tự thiết kế. Theo chị Thùy Anh, bà chủ thương hiệu Thùy anh Design, thời trang tự thiết kế thường được làm theo xu hướng nổi bật trong mỗi mua. Vì vậy, việc giảm giá để dọn kho là việc các thương hiệu "buộc phải làm" nhằm chuẩn bị cho mùa tiếp theo.

"Thời trang thiết kế cạnh tranh nhau nhờ phát triển mạnh theo xu hướng, trong khi xu hướng thời trang có thời gian sống rất ngắn. Một mẫu sản phẩm "đinh" của năm nay để sang năm sau hầu như sẽ không còn khách. Vậy nên, sale off là cứu cánh đối với các thương hiệu.

Ngay cả khi giảm giá tới 50% thì thương hiệu vẫn có lãi, bởi giá sản phẩm đắt đỏ chủ yếu là bởi ý tưởng thiết kế, chứ không phụ thuộc vào chi phí thực tế", chị Thùy Anh chia sẻ.

Để tăng hấp dẫn với khách hàng, thay vì sale off trong cả ngày, nhiều đơn vị chỉ chạy chương trình trong những giờ nhất định. Điều này gây nên hiện tượng khách xếp hàng dài chờ đợi trước cửa hàng để chờ đến giờ giảm giá.

"Thông thường chúng tôi sale theo khung giờ và theo thời gian nhất định. Đợt sale gần đây nhất chỉ kéo dài trong 5 ngày. Vì chúng tôi bổ sung hàng mới thường xuyên theo tuần nên thời gian sale rất ngắn", anh Trung, quản lý một cửa hàng tại cơ sở Xuân Thủy- Cầu Giấy- Hà Nội cho biết.

Chị Miên, nhân viên một cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang tổng hợp, trên đường Trần Thái Tông- Cầu Giấy- Hà Nội, đối tượng khách hàng chủ yếu trong thời điểm này chiếm đa số là phụ nữ độ tuổi 25- 35.

"Giảm giá 30%- 80% với phần lớn sản phẩm nhưng khách hàng chủ yếu là phụ nữ, từ 25-30 tuổi. Học sinh, sinh viên ít đến những cửa hàng lớn để mua sắm, họ thích mua trên mạng hơn. Chủ nhật là thời điểm đông khách nhất, thường gấp 3 lần ngày thường. Vậy nên bình thường một ca chúng tôi chỉ cần 2 nhân viên, nhưng thời gian này thì tăng lên 4 nhân viên.

Doanh thu cửa hàng nhờ đó cũng cao hơn. Ngày thường có thể chỉ bán được 2- 3 sản phẩm nhưng thời điểm này một ngày có thể bán được hàng chục sản phẩm", Khánh Linh, nhân viên làm việc tại một cửa hàng chuyên thời trang nữ dành cho giới trẻ trên đường Hồ Tùng Mậu- Cầu Giấy- Hà Nội, cho biết.

Là nhân viên văn phòng, thời gian cuối năm khá eo hẹp do phải tất toán giấy tờ, chị Phương, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy cho biết thường phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để mua sắm.

"Thú thật là những dịp mua sắm thế này khá mệt mỏi. Tôi phải chật vật suốt một tiếng mới chọn cho mình được một số sản phẩm ưng ý. Đó là còn chưa kể thời gian chịu ùn tắc trên đường, kiếm chỗ gửi xe và chờ đợi đến lượt mặc thử đồ. Nhưng vì tiết kiệm được không ít nên tôi vẫn có gắng đến càng nhiều cửa hàng càng tốt".

Tuy nhiên, không phải ai cũng giống chị Phương. Nhiều khách hàng khác cho rằng mua sắm cuối năm là thời điểm vét hàng của các thương hiệu, sản phẩm tốt không còn, thường xảy ra tình trạng trà trộn hàng thấp cấp, tranh giành.

"Chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng tôi vẫn quyết định không mua. Hàng giảm giá chủ yếu là tồn kho, lỗi mốt, chất lượng không được đảm bảo", Hùng, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học giao thông vận tải, bước ra từ một cửa hàng quần áo trên phố Thái Hà- Đống Đa- Hà Nội, chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại