Siêu bão Michael đã đổ bộ vào bờ biển phía bắc của khu vực vịnh Florida hồi chiều ngày thứ Tư (10/10). Theo các nhà khí tượng tại Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC), ngay sau khi vào bờ, những dữ liệu cho thấy Michael đã mạnh lên cấp 4 (theo thang đo bão được sử dụng ở Mỹ) với sức gió lên tới gần 210 km/h, trở thành cơn bão mạnh thứ ba trong lịch sử từng đổ bộ vào Mỹ.
CNN đưa tin, thống đốc của bang Florida Rick Scott đã gọi Michael là một "cơn bão khổng lồ" có sức tàn phá dữ dội và ông đã kêu gọi người dân nên tránh xa ra khỏi đường đi của bão. Lo ngại về siêu bão Michael có thể đe dọa tới tính mạng của nhiều người dân, giới chức địa phương đã ban hành lệnh di tản bắt buộc hoặc tự nguyện tại 22 hạt ở Florida.
Ảnh chụp vệ tinh của siêu bão Michael trước khi đổ bộ vào đất liền. Ảnh: NASA
Ngoài ra, khoảng 3,7 triệu người dân ở khu vực tây bắc của Florida và vùng Big Bend cũng đã nhận được thông tin cảnh báo về siêu bão.
Ngoài Florida, tiểu bang Georgia và Alabama cũng ban bố về tình trạng khẩn cấp của siêu bão Michael.
The tờ Washington Post, chỉ vài giờ sau khi siêu bão Michael đổ bộ vào đất liền, nhiều khu vực ở bang Florida rơi vào tình trạng ngập sâu. Tính đến chiều ngày 11/10 có ít nhất một người đã thiệt mạng ở Florida do cây đổ.
Gió mạnh, mưa lớn và ngập nặng ở Florida sau khi siêu bão Michael đổ bộ. Ảnh: Reuters
CNN đưa tin, theo các chuyên gia khí tượng, Michael là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Mỹ kể từ sau siêu bão Andrew vào năm 1992.
Nhiều nhà cửa, cây cối, đường xá bị phá hủy trên đường đi của bão Michael. Ảnh: Internet
Điều này có nghĩa là cơn bão này thậm chí còn mạnh hơn cả siêu bão Katrina vào năm 2005. Katrina được biết đến là cơn bão gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người và của khi khiến hơn 1.800 người chết và gây thiệt hại vật chất ước tính lên tới hơn 100 tỷ USD.
Katrina là siêu bão đáng sợ gây thiệt hại lớn ở Mỹ vào năm 2005. Ảnh: US News & World Repord
Theo các nhà khí tượng học, khi nói về sức mạnh của bão, họ thường nhắc đến áp suất khí quyển chứ không phải là tốc độ gió.
Theo như báo cáo được chia sẻ trên tờ National Geographic vào năm 2015, cơn bão gây ra mức độ áp suất khí quyển thấp hơn thì sẽ tạo ra những thiệt hại nhiều hơn tại các khu vực mà nó đi qua. Đây được cho là một thông số cho thấy cường độ và mức mạnh tổng thể của cơn bão.
Bảng trên cho thấy siêu bão Michael có áp suất khí quyển thấp hơn cả siêu bão Katrina. Ảnh: Twitter
Theo NHC, siêu bão Katrina đổ bộ vào khu vực đất liền của New Orleans với áp suất khí quyển là 920 mb (thấp hơn khoảng 8% so với áp suất không khí trung bình ở mực nước biển). Trong khi đó, áp suất khí quyển của bão Michael trước khi đổ bộ vào Florida là 919 mb.
Nguy cơ tiềm ẩn của siêu bão Michael
Mặc dù áp suất khí quyển thấp hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là siêu bão Michael sẽ nhiều nguy hiểm hơn Katrina. Trên thực tế, theo các chuyên gia thì có không ít lý do để lo ngại về việc Michael là siêu bão đặc biệt nguy hiểm.
Bởi vì, cơn bão đổ bộ vào Florida, một nơi vốn không quen hoặc thích ứng với những cơn bão mạnh trong quá khứ, hơn nữa ở đây còn có nhiều người sống trong những ngôi nhà không được kiên cố.
Mặt khác, mức độ nguy hiểm của bão Michael là nó đã đột ngột tăng cấp, mạnh lên trước khi đổ bộ vào đất liền, để lại rất ít thời gian cho người dân có thể nhận được tin tức về cường độ của bão và kịp thời có phương án ứng phó.
"Cơn ác mộng" mang tên Katrina sở dĩ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của là do thất bại về chất lượng kém của các hệ thống đê điều, công trình dân dụng, cơ sở hạ tầng, bên cạnh cảnh báo, thông báo thông tin về siêu bão cũng như những bất cập trong việc sơ tán chậm.
Tham khảo nguồn: Livescience, CNN, Washingtonpost