Nhiều người chỉ dám xem hổ, sư tử trên ti vi hay tham quan khi những loài động vật hung dữ này đã được nhốt trong lồng sắt an toàn. Thế nhưng, với những nhân viên tại Công viên Thủ Lệ thì hằng ngày họ vẫn tiếp xúc với chúng là chuyện rất đỗi bình thường.
|
Những con hổ lớn ở Công viên Thủ Lệ. |
Đều đặn sáng sớm mỗi ngày, chị Trần Thị Ngọc (40 tuổi, nhân viên vườn thú Công viên Thủ Lệ, Hà Nội) lại làm những việc chẳng ai dám nghĩ tới - chăm sóc đàn mãnh thú như hổ, sư tử, gấu…
Chị Ngọc cho biết, hơn 20 năm nay, công việc của chị là tắm rửa và cho những chú hổ, sử tử, gấu ở trong công viên ăn. Đặc biệt, những lúc rảnh rỗi chị lại ngồi vuốt ve, chải bờm, bắt rận cho chú sư tử nặng 200kg, được đặt tên là Chăm.
Xuất phát từ tình yêu thương động vật, công việc chăm sóc thú dữ đến với chị Ngọc như một cơ duyên. Theo chị, những ngày đầu khi mới đến làm việc tại công viên, chị cũng gặp khá nhiều khó khăn vì sợ. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của những thế hệ đi trước và các đồng nghiệp tại đây nên chị đã dần làm quen và ngày càng thấy yêu thích công việc của mình hơn.
"Những con vật hung dữ ấy cũng có tình cảm thân thiết như con người. Tuy nhiên, chúng vẫn là những loài vật ăn thịt, chúng vẫn có bản năng hoang dã nên chúng tôi luôn phải đề phòng", chị Ngọc nói.
|
Chị Trần Thị Ngọc có tới hơn 20 năm gắn bó với việc chăm sóc ''mãnh thú'' ở Công viên Thủ Lệ, Hà Nội. |
Có 2 chú hổ được đặt tên là Bống và Bi, cả 2 được đưa đến Công viên Thủ Lệ khi 4 tháng tuổi, nặng khoảng 12kg. "Ban đầu khi còn nhỏ, hai chú hổ cũng hung dữ lắm, dọa chúng tôi không cho lại gần. Sau đó, mãi mới làm cho chúng quen với mình vì mình có tình cảm với nó, nó sẽ có tình cảm ngược lại với mình.
Việc chăm sóc hai chú hổ cũng rất khó khăn. Ban đầu, chúng tôi cũng phải cho bú bình, kích thích đi vệ sinh, cho ăn từ miếng nhỏ đến miếng lớn và làm mọi việc chăm sóc thay mẹ của chúng", chị Ngọc kể.
"Tôi vẫn thường vuốt ve chúng khi rảnh rỗi. Sáng nào thấy tôi các bạn ấy cũng mừng và có những cử chỉ âu yếm, thân thiện với mình". Theo chị Ngọc, dù vui vẻ, yêu thích công việc nhưng chị cũng đã từng bị các vết cào, cắn của hổ và sư tử khi đùa nghịch.
"Khi mới lớn, hổ và sư tử thường mọc răng nên nó chỉ cắn đùa nghịch thôi nhưng vì kích thước quá lớn nên thường gây thương tích khắp người cho tôi. Nhiều lúc, chúng còn gần gũi, nhảy vào lòng chơi cùng mình. Khi về nhà, có lần tôi thấy khắp người bầm tím nhưng vẫn yêu thích công việc của mình", chị Ngọc cho hay.
"Tôi thấy công việc của tôi bình thường. Bây giờ những chú hổ và sư tử lớn rồi nên cũng đỡ vất vả hơn. Một ngày mình cho ăn hai bữa và theo dõi sức khoẻ của chúng. Các bạn ấy khoẻ thì chúng tôi cũng vui", chị Ngọc nói tiếp.
|
Công nhân của Công viên Thủ Lệ dọn vệ sinh chuồng cho những chú hổ. |
|
Con hổ đực 4 tuổi nặng hơn 100kg tại Công viên Thủ Lệ. |
|
Cách đó một đoạn là ''nhà'' của một con hổ được sinh ra tại công viên này cách đây 16 năm, được đặt tên là Mi. Mỗi “chúa sơn lâm” đều có tên riêng và được ''bảo mẫu'' chăm sóc hằng ngày từ miếng ăn, giấc ngủ, chế độ nghỉ dưỡng… |
|
Là người từng gắn bó nhiều năm trong việc chăm sóc hổ tại vườn thú, chị Ngọc cho hay đã có nhiều kỷ niệm với loài vật này. Từ từ kéo cửa thả hổ ra cho khách tham quan chiêm ngưỡng, chị Ngọc kể, muốn làm được công việc này trước hết phải hiểu được tính cách, tập tính của từng cá thể hổ, có như vậy thì mới biết khi nào hổ mệt, khi nào hổ vui. |
|
Việc nuôi hổ, đặc biệt là những loài vật hoang dã, là một nghệ thuật. Người làm công việc này không chỉ có sự can đảm, kiên trì, khéo léo mà còn phải có tình yêu thương với động vật. |
|
Hiện Vườn thú Hà Nội có khoảng 10 con hổ, đa phần là hổ Đông Dương; trong đó con nặng nhất trên 200kg, con nhỏ nhất khoảng 70 kg, tất cả đều có tên riêng rất ngộ nghĩnh như con Điên, Xám, Sứt Tai, Mi Mẹ, Lâm Nhi, Bình Dương… |
|
Hằng ngày, chị Ngọc trực tiếp chuẩn bị thức ăn cho hổ, sư tử... |
|
Chế độ ăn của hổ cũng phải đảm bảo chất lượng, thức ăn tươi sống và đầy đủ chất dinh dưỡng. Từng con hổ theo lứa tuổi khẩu phần ăn sẽ khác nhau. Mỗi suất ăn của hổ bao gồm thịt bò và sườn, thực đơn cũng có thể thay đổi theo ngày. Với những cá thể hổ trẻ tuổi thì có thể cho ăn cả tảng thịt lớn hoặc xương, nhưng với cá thể hổ lớn tuổi chế độ ăn lại phải thay đổi cho phù hợp. |
|
Nhiều năm làm công việc chăm sóc hổ, chị Ngọc vẫn còn nhớ những lần chị và các công nhân ở đây phải ăn nằm cùng hổ ở trong chuồng. Khi hổ ốm, hổ bị thương, chị cùng mọi người phải cho hổ vào cũi rồi kê phản, mắc màn nằm ngay bên cạnh để ngủ. Những vết thương trên cơ thể hổ nếu không chú ý, chúng liếm đứt chỉ sẽ rất lâu khỏi…. |
|
Đồ ăn của những chú hổ là thịt sống. |
|
Và cân cẩn thận, phù hợp với chế độ dinh dưỡng của từng con theo trọng lượng. |
|
Mỗi chuồng hổ được bố trí thành 2 khu vực riêng biệt, cách nhau bằng bức tường bê tông kiên cố có cửa sắt. Cánh cửa này được thiết kế rất nặng nên Tổ Thú dữ phải huy động 2 đến 3 người kéo bằng hệ thống tời. |
|
Khu trước là nơi hổ vui chơi và tắm nắng; phía sau là chỗ ăn, ngủ. Hàng ngày, tổ chia ca dọn vệ sinh “buồng” ngủ sau khi lùa hổ ra khu trước. Nhân viên phải khóa cửa cẩn thận trước khi phun nước, cọ sàn, quét khô… |