Bài viết nhan đề Vietnam, the lession still applies today (Việt Nam, bài học vẫn còn đến hôm nay) điểm lại trận đánh Điện Biên Phủ diễn ra vào năm 1954, giữa quân viễn chinh Pháp và quân đội Việt Minh dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là trận đánh quyết định của Chiến tranh Đông Dương , kết thúc bằng thắng lợi toàn diện của Việt Minh và sự đầu hàng của quân Pháp sau khi bị bao vây ở thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ.
Bài viết nhấn mạnh chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng vai trò quyết định, khi ông đã bố trí phần lớn pháo binh trên các ngọn đồi nhìn xuống thung lũng, để có thể tấn công hiệu quả vào cứ điểm của Pháp mà khi đó chỉ còn có thể trông đợi vào một sân bay. Cuối cùng, chiến dịch tấn công của Việt Minh khiến Pháp mất 4.000 binh lính.
L’Unione Sarda nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ đã ảnh hưởng đến quá trình đàm phán giữa hai bên tại Hội nghị Geneve, dẫn đến việc kết thúc chiến tranh và ký hiệp định hòa bình vào ngày 21/7/1954, sau đó Pháp phải rút quân khỏi toàn bộ Đông Dương.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở Việt Nam, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Về giai đoạn sau đó, bài viết của L’Unione Sarda đặt câu hỏi, làm thế nào mà một quốc gia nghèo, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, có thể lại đánh bại được Mỹ, hay đúng hơn là quân đội của nước này? Bài viết dẫn đánh giá của tác giả Tiziano Terzani trong cuốn Giải Phóng , cho biết tác phẩm này đã giúp phương Tây hiểu được sức mạnh của người Việt Nam.
“Vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, tôi có cơ hội đến thăm Việt Nam cùng một nhóm gồm 15 du khách tò mò như tôi. Hà Nội vẫn là một thành phố nông nghiệp với ít bóng đèn chiếu sáng, những con phố vắng người đi xe đạp vào ban ngày. Những tòa nhà quan trọng duy nhất là từ thời thuộc địa Pháp”, cuốn sách viết.
Tiziano Terzani lưu ý rằng, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra, miền bắc Việt Nam có 13 triệu dân, trong khi dân số Mỹ có 200 triệu.
“Vì sao người Mỹ chạy loạn khỏi Việt Nam? Bởi vì cuộc chiến tranh du kích đã làm họ suy yếu, sau đó những người châu Âu, người Mỹ, các tổ chức xã hội, trường đại học và giới trẻ đã đấu tranh buộc các chính trị gia phải rút quân, đầu hàng”, Tiziano Terzani viết.
Bài viết của L’Unione Sarda nhấn mạnh rằng, trong những cuộc chiến không cân sức đó, kẻ mạnh nhất đã phải rút lui.
“Trong những cuộc chiến tranh như ở Việt Nam, kẻ mạnh nhất phải chấm dứt chiến tranh nếu chúng ta muốn lẽ phải thắng thế. Xã hội của chúng ta phải tạo nên một dàn hợp xướng để thúc đẩy điều này”, L’Unione Sarda bình luận.