"Cơn sóng" hung hãn, côn đồ, mất kiểm soát dường như ngày càng nhiều ở lứa tuổi mới lớn. Bạo lực học đường không còn là câu chuyện của riêng một đối tượng nào mà cần sự quan tâm, chung tay giải quyết của toàn xã hội.
Nỗi ám ảnh
Khi năm học mới bắt đầu chưa bao lâu, 2 học sinh lớp 7 Trường THCS - THPT Tây Sơn (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu. Đoạn clip được tung lên mạng cho thấy trong nhóm đánh 2 học sinh lớp 7 có học sinh 2 trường THCS - THPT. Trước đó, sáng 9-8, cư dân mạng chia sẻ đoạn video dài 29 giây ghi lại cảnh một học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (tỉnh Hà Tĩnh) bị nhóm khoảng 6 thiếu niên liên tục đánh đập, hành hung…
Có hàng trăm đoạn clip như vậy trên mạng và còn biết bao nhiêu sự việc đã diễn ra mà nạn nhân âm thầm chịu đựng thương tổn nặng nề về thể chất lẫn tinh thần trong khi người lớn không hề hay biết.
Hai học sinh lớp 8 đánh một học sinh lớp 7 vào tháng 3-2022, tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh cắt từ clip)
Nguyên nhân của những vụ việc này đa phần xoay quanh mâu thuẫn cá nhân, lời qua tiếng lại, "dằn mặt" nhau... Điều đau đớn là không chỉ những đòn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, quất nón bảo hiểm, cắt xé quần áo... hết sức tàn độc mà còn là sự thản nhiên đứng xem, bình luận, chỉ trỏ, quay clip của những "khán giả" vị thành niên, tuyệt nhiên không có hành vi can ngăn.
Từ bao giờ sự vô cảm trở thành điều bình thường, từ bao giờ bạo lực trở thành chìa khóa giải quyết mâu thuẫn của một số học sinh?
Hậu quả của những sự việc này rất khủng khiếp. Đó không phải chỉ là những vết bầm trên thịt da mà là những vết thương tâm lý khó xóa nhòa. Đó còn là những sinh mạng vĩnh viễn bị cướp mất, là những khoảng trống không bao giờ có thể lấp đầy của biết bao gia đình. Còn nhớ hồi tháng 3 vừa rồi, dư luận rúng động khi một học sinh ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong khi đi vệ sinh, xảy ra xô xát với học sinh lớp 7 và bị con dao rọc giấy đâm trúng dẫn đến tử vong. Cái chết đến trong tích tắc khiến ai nấy bàng hoàng và chắc chắn những người trong cuộc bị ám ảnh đến cuối đời.
Đừng chỉ giải quyết phần ngọn
Không nói quá lời khi so sánh bạo lực học đường là "ung nhọt" của ngành giáo dục, cần quyết liệt triệt tiêu, không thể sống chung, dung thứ. Những vụ việc này là kết quả từ một quá trình tích tụ những biểu hiện lệch lạc về lối sống, nhân cách, nhận thức... mà không được chấn chỉnh kịp thời, định hướng đúng đắn.
Khó có thể khẳng định sẽ hoàn toàn đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường trong một sớm một chiều. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bất lực, để chuyện "tới đâu thì tới" rồi mỗi khi xảy ra một vụ việc lại tìm hướng giải quyết.
Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với những bạn trẻ có hành vi sai trái... chỉ mới là sự tiếp cận phần ngọn của vấn đề. Mục tiêu cốt lõi là cần phòng tránh, ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn trong tương lai.
Muốn làm được điều đó, gia đình phải là nơi an toàn, đáng tin cậy, sẵn sàng lắng nghe và phát hiện những dấu hiệu bất thường từ con em, đưa ra những phân tích đúng sai để con em có được giải pháp hợp tình, hợp lý khi gặp mâu thuẫn, bức xúc.
Về phía nhà trường, đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, quan sát, nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc từ khi vừa manh nha, tạo những chuyển biến tích cực, gắn bó trong mối quan hệ thầy - trò, xây dựng những điển hình tốt để học sinh học hỏi, noi theo.
Điều quan trọng hàng đầu là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc xử lý bạo lực học đường. Vai trò của người lớn thể hiện ở nhiều hoạt động: phòng ngừa, can thiệp sớm, hạn chế nguy cơ bị bạo lực, xâm hại của tuổi học trò. Phải xem trọng việc giáo dục đạo đức, tôn vinh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn, giáo dục cách ứng xử văn minh, giải quyết vấn đề khi gặp mâu thuẫn cho các em.
Thiết lập một cơ chế, quy trình giải quyết, rút kinh nghiệm mỗi khi có bạo lực học đường. Đồng thời, đừng lơ là việc trang bị kỹ năng sống, cách thức ứng phó với các tình huống rủi ro, nguy hiểm, nâng cao nhận thức về pháp luật cho bạn trẻ. Mạng xã hội lẫn lộn đủ nội dung tốt - xấu, hãy chú ý bồi dưỡng bản lĩnh cho trẻ từ khi mới tập tành gia nhập thế giới ảo, để không bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực, sai trái.
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các phiên tòa giả định, cho các em tham dự một số phiên tòa có liên quan đến tội danh cố ý gây thương tích, làm nhục người khác... Từ đó giúp các em thấm thía cái giá phải trả khi gây ra thương tổn, tấn công người khác: ngoài trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, kẻ tấn công người khác còn bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, gây nhiều nỗi đau cho gia đình và cho cả chính mình.